Tổng cục Môi trường: Cần phân định nguồn thải, xả rác phải trả tiền

BVR&MT – Dự thảo luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi đang được Tổng cục Môi trường soạn thảo đã đề xuất sửa đổi theo hướng coi rác thải là tài nguyên và hộ xả nhiều chất thải rắn hơn sẽ phải trả nhiều tiền hơn.

Công tác thu gom rác thải trên địa bàn thành phố Hà Nội. (Nguồn ảnh: PV/Vietnam+)

Theo đánh giá của Tổng cục Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường, dù Luật Bảo vệ môi trường 2010 và các nghị định, thông tư hướng dẫn đã quy định rất rõ về trách nhiệm của chủ nguồn thải phải thực hiện công tác phân định, phân loại chất thải tại nguồn, nhưng đến nay hầu như vẫn không thực hiện được.

Chính vì thế, dự thảo luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi đang được Tổng cục Môi trường soạn thảo đã đề xuất sửa đổi theo hướng hộ xả nhiều chất thải rắn hơn sẽ phải trả nhiều tiền hơn. Cùng với đó, cần phải coi chất thải là tài nguyên và học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới để biến chất thải thành tài nguyên.

Xả rác trả tiền

Luật Bảo vệ môi trường hiện hành được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 7, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Tuy nhiên, sau gần 5 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực thi cho thấy Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa điều chỉnh kịp thời với những thách thức mới.

Từ thực tiễn thi hành Luật và để tiếp tục thể chế hóa chủ trương, quan điểm mới của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống chính sách bảo vệ môi trường sát với thực tiễn phát triển, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, chuyên gia có liên quan xây dựng Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi và Dự thảo Tờ trình Chính phủ.

Đáng chú ý, dự thảo đã đề cập đến nội dung mới là quy định đối với chất thải rắn sinh hoạt hộ gia đình ở khu vực đô thị, dân cư tập trung. Dự kiến, dự thảo luật này sẽ được trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội hóa XIV vào tháng 5/2020 và dự kiến trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 10 vào tháng Mười tới.

Cơ quan soạn thảo cho biết dự thảo luật lần này sẽ sửa đổi 13 nội dung chính, trong đó có vấn đề quản lý chất thải, nhất là ở các đô thị lớn (Chương V, dự thảo luật).

Theo đó, dự thảo luật quy định chất thải phải được phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy và việc quản lý chất thải phải tuân thủ nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” và xả rác nhiều càng phải trả nhiều tiền. Việc thu tiền xả rác tại đô thị sẽ thông qua hình thức bán túi chứa rác thân thiện với môi trường. Những hộ xả nhiều rác phải trả nhiều tiền hơn để mua túi đựng rác.

Rác thải trên địa bàn thành phố Hà Nội. (Nguồn ảnh: PV/Vietnam+)

“Với chất thải tại đô thị của hộ gia đình, cá nhân, trong dự thảo lần này chúng tôi học tập kinh nghiệm của Hàn Quốc là sẽ thu tiền sử dụng bằng hình thức bán các túi thân thiện với môi trường. Đây là hình thức thu tiền sử dụng rác thông qua khối lượng rác thải,” ông Nguyễn Thượng Hiền, Tổng cục phó Tổng cục Môi trường chia sẻ.

Ông Hiền cũng cho rằng cách thu phí theo đầu người hay hộ gia đình như hiện nay chỉ đáp ứng được một phần kinh phí cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải. Vì thế, người dân càng xả rác nhiều càng phải trả nhiều tiền là điều hợp lý.

Theo đó, dự luật quy định chất thải phân ra làm bốn loại để thu gom, xử lý gồm chất thải rắn có khả năng tái chế (giấy, nhựa, kim loại, cao su…), chất thải hữu cơ (thức ăn thừa, rau, củ, quả…), chất thải cồng kềnh (bàn ghế, sofa…), chất thải rắn nguy hại (pin, bóng đèn, ắcquy chì…). Mỗi loại rác thải sẽ được phân loại vào các túi chứa rác thân thiện môi trường có màu sắc và giá tiền khác nhau.

Đối với rác thải cồng kềnh, các địa phương sẽ quy định ngày giờ cụ thể để các công ty môi trường đô thị đến thu gom. Với chất thải xây dựng, dự luật quy định các hộ gia đình phải chuyển giao chất thải rắn cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển. Khi tổng trọng lượng rác xây dựng dưới 300 kg/ngày được quản lý như chất thải sinh hoạt của hộ gia đình. Nếu không sử dụng túi chứa rác chuyên dụng trên sẽ không được thu gom rác và việc xả rác bừa bãi sẽ bị xử phạt nặng.

“Tiền thu từ việc bán túi chứa rác thân thiện với môi trường sẽ được dùng trực tiếp cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt. Tính toán sơ bộ, khoản thu từ bán túi đựng rác sẽ gánh cho ngân sách nhà nước, nhất là ở các đô thị lớn khoảng 30% trong các khâu vận chuyển, xử lý rác,” ông Hiền nhấn mạnh.

Mặt khác, để đảm bảo việc cải thiện môi trường, dự thảo luật cũng quy định chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chỉ định các đơn vị đề xuất các loại bao bì thu gom rác thân thiện với môi trường. Tiền bán bao bì được hạch toán để bù đắp chi phí xử lý chất thải cho nhà nước.

Hộ gia đình có khối lượng chất thải phát sinh dưới 300 kg mỗi ngày có thể lựa chọn hình thức mua túi của Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố. Trong trường hợp lượng chất thải lớn hơn 300 kg, các tổ chức, cá nhân phải ký hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý rác thải.

Biến rác thành tài nguyên

Ngoài việc hướng tới quy định bắt buộc phải phân loại rác và áp dụng nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền,” theo đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường, trong tương lai cũng cần phải coi chất thải là tài nguyên nếu không sẽ thành gánh nặng và cần học tập kinh nghiệm của các nước biến chất thải thành tài nguyên.

Mỗi khi bãi rác Nam Sơn gặp “sự cố,” rác thải chất dài ven đường ở nhiều khu vực nội thành. (Nguồn ảnh: PV/Vietnam+)

Số liệu thống kê cho thấy lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước hiện chiếm khoảng 61.000 tấn/ngày, trong đó khối lượng phát sinh tại khu vực nông thôn là 24.000 tấn/ngày. Lượng chất thải rắn thông thường đã tăng từ 28 triệu tấn/năm vào năm 2009 lên 35,7 triệu tấn/năm vào năm 2015.

Ngoài ra, tốc độ gia tăng chất thải rắn khoảng 10% mỗi năm và còn tiếp tục gia tăng mạnh trong thời gian tới cả về lượng và mức độ độc hại. Riêng đối với chất thải rắn sinh hoạt đô thị, ước tính có 70.000 tấn phát sinh/ngày. Phát sinh chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên toàn quốc tăng trung bình từ 10-16% mỗi năm.

Điều đáng nói là, mặc dù số lượng rác thải phát sinh ở Việt Nam rất lớn, song tỷ lệ tái chế chất thải sinh hoạt hiện vẫn còn ở mức thấp, khoảng 8-12% chất thải rắn sinh hoạt đô thị. Việc chế biến phân vi sinh, viên nhiên liệu từ chất thải đã được triển khai, nhưng vẫn chưa phổ biến.

Trong khi đó, hoạt động tái chế phi chính thức ở các làng nghề được phát triển mạnh như tái chế nhựa ở Minh Khai (Hưng Yên), tái chế chì ở Chỉ Đạo (Hưng Yên), tái chế giấy ở Yên Phong (Bắc Ninh), tái chế chất thải điện tử ở Văn Môn (Bắc Ninh)…, có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Việc chế biến, thu hồi năng lượng từ chất thải mới chỉ bước đầu được triển khai.

Chính vì thế, theo Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), thời gian tới cần tiếp tục thay đổi tư duy, nhận thức về quản lý chất thải rắn; thực hiện nguyên tắc coi chất thải là tài nguyên; tiếp cận theo phương thức kinh tế tuần hoàn; đặc biệt là tăng cường giảm thiểu phát sinh, thúc đẩy tái chế, thu hồi năng lượng và giảm tối đa lượng chất thải rắn phải chôn lấp.

Để đáp ứng được những yêu cầu trên, giới chuyên gia môi trường đưa ra một số giải pháp như: Xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý chất thải rắn dựa trên ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 làm cơ sở để thiết lập hệ thống quản lý chất thải rắn; sắp xếp tổ chức bộ máy thống nhất ở Trung ương và địa phương theo hướng tập trung đầu mối về ngành tài nguyên và môi trường; tăng cường tính chủ động, chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong việc thực hiện quản lý chất thải rắn.

Mặt khác, cơ cuqan chức năng cũng cần từng bước tăng dần mức phí chất thải rắn, đặc biệt ở các thành phố lớn, để giảm dần gánh nặng ngân sách; huy động sự tham gia tích cực của khối tư nhân thông qua các cơ chế khuyến khích, ưu đãi; cơ chế đấu thầu, tuyển chọn công khai, minh bạch; tăng thời gian hợp đồng với lộ trình các mục tiêu môi trường rõ ràng để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ xử lý.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng và đẩy mạnh sản xuất phân vi sinh ứng dụng cho phát triển nông nghiệp hữu cơ; cân nhắc kết hợp đốt chất thải trong các lò nung clinke ở các nhà máy xi măng ở các địa phương có điều kiện.