Tôn vinh tinh thần hiếu học dân tộc tại Lễ Khai bút đầu xuân Mậu Tuất 2018

BVR&MT – Lễ khai bút đầu Xuân Mậu Tuất 2018 là ngày các vị lãnh đạo Tp. Hà Nội, lãnh đạo ngành giáo dục, và người dân nước Việt tưởng nhớ Người thầy giáo với danh hiệu “Vạn thế sư biểu” – Chu Văn An, một Người thầy đáng kính, chuẩn mực của dân tộc.

Sáng 20/2 tức ngày mùng 5 Tết Mậu Tuất, Lễ khai bút đầu xuân 2018 được lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thanh Trì tổ chức tại Đình thờ Nhà giáo Chu Văn An (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Tp. Hà Nội).

Phóng viên Tạp chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường ghi nhận sự kiện này. Đây là dịp lãnh đạo ngành giáo dục Hà Nội ôn lại những kỉ niệm về Người thầy Chu Văn An, từ đó phát huy ý thức tự học, tinh thần hiếu học của ông.

Lãnh đạo ngành giáo dục và Thành phố Hà Nội tham gia lễ khai bút.

Trong ngày khai bút đầu xuân Mậu Tuất năm 2018 có sự tham gia của các ông Nguyễn Hữu Độ – Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, ông Ngô Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Chủ tịch HĐND TP Hà Nội; nhiều đại biểu lãnh đạo huyện Thanh Trì thành phố Hà Nội; các lãnh đạo huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương và đông đảo người dân.

Chu Văn An (1292 – 1370) còn được gọi là Chu An, Chu Văn Trinh, tự là Linh Triệt, hiệu là Tiều Ẩn, người thôn Văn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là Thanh Trì), Hà Nội.

Là người chính trực, đã từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung, bên kia sông Tô Lịch, ông có công lớn trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức Khổng giáo vào Việt Nam. Vua Trần Minh Tông (1300–1357) mời ông ra làm tư nghiệp Quốc tử giám, dạy cho Thái tử Trần Vượng, tức là vua Trần Hiến Tông tương lai. Đến đời Dụ Tông, ông thấy quyền thần làm nhiều điều vô đạo, ông dâng Thất trảm sớ xin chém 7 tên gian nịnh, nhưng vua không nghe. Ông chán nản từ quan về ở núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương), lấy hiệu là Tiều ẩn (người hái củi ở ẩn) dạy học, viết sách cho tới khi mất.

Lễ Khai bút đầu Xuân là truyền thống tốt đẹp thể hiện nét đẹp của đạo học, truyền thống tôn sư trọng đạo, tôn vinh truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam. Đạo lý uống nước nhớ nguồn, đồng thời bày tỏ tấm lòng thành kính đối với ân đức của các bậc thánh nhân đã có nhiều đóng góp cho nền giáo dục nước nhà.

Ông đồ viết thư pháp tại Lễ Khai bút đầu xuân Mậu Tuất 2018.

Những nét chữ đầu Xuân là ước nguyện chung về một năm thi cử đỗ đạt, học hành tấn tới, sự nghiệp như ý. Đây là sự kiện diễn ra thường xuyên hàng năm tại xã Thanh Liệt với hơn 1000 phôi giấy viết chữ thư pháp phục vụ người dân. Bắt đầu từ 10h30 các ông Đồ bắt đầu khai bút phục vụ người dân. Cùng lúc đó Đình Danh nhân Chu Văn An mở để người dân vào tham quan đình và xin lộc.

Mọi người xếp hàng vào viếng Đình danh nhân Chu Văn An.

Ngoài ra, trong buổi khai bút đầu Xuân Mậu Tuất năm 2018, các vị lãnh đạo ngành Giáo dục, Thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và huyện Thanh Trì đã khai bút bằng những thành ngữ đã đi sâu vào tiềm thức dân tộc như: “ Học để làm người”; “ Học một biết mười”; “ Học, học nữa, học mãi”; “ Học đi đôi với hành”; “ Học ăn học nói, học gói, học mở”; “ Học thầy không tày học bạn”…nhằm tôn vinh tinh thần hiếu học nước nhà.

Văn Trì