Tội phạm công nghệ cao về động vật hoang dã đang tăng ở ASEAN

BVR&MT – Phương tiện truyền thông xã hội đóng vai trò quan trọng trong các đường dây buôn người, buôn vũ khí, buôn lậu ma túy và không có gì ngạc nhiên khi buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp là tội phạm xuyên biên giới mới nhất được đưa lên nền tảng trực tuyến.

Đông Nam Á từ lâu đã được biết đến là một trung tâm buôn bán động vật hoang dã và danh tiếng không lành mạnh này được truyền thông lan tỏa ngày càng mạnh mẽ với nhiều phi vụ mua bán ẩn danh thông qua các phương thức trực tuyến.

Vảy tê tê bị buôn bán trên mạng. (Ảnh: wikicommons)

Tỷ lệ sở hữu di động cao của khu vực cho phép người mua dễ dàng tiếp cận với người bán trên thị trường chợ đen và ngược lại, việc thiếu giám sát hiệu quả cộng với sự phổ biến của các nền tảng truyền thông xã hội khiến tội phạm công nghệ cao về động vật hoang dã ngày càng lộng hành.

Điều này đặt ra thách thức mới cho các nhà lập pháp và thực thi pháp luật, những đơn vị vốn thiếu hụt nguồn lực khi cố gắng ngăn chặn các đường dây buôn lậu động vật hoang dã trong khu vực với giá trị ước tính 2,5 tỷ đô la, theo Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN.

Những kẻ buôn lậu không bị sờ tới

Năm 2016, Công ước CITES đồng ý chung tay với các nền tảng truyền thông xã hội, công cụ tìm kiếm và nền tảng thương mại điện tử để giải quyết vấn đề thương mại quốc tế bất hợp pháp các loài trong danh sách của CITES. Tuy nhiên, dường như công ước này không làm được gì nhiều trong việc ngăn chặn giới tội phạm ở Đông Nam Á.

Mới năm ngoái, một người đàn ông ở Indonesia đã bị bắt do liên quan đến săn trộm sau khi anh ta đăng lên truyền thông xã hội một đoạn video cảnh chặt một cá thể hồng hoàng thuộc danh mục loài nguy cấp trước khi ăn thịt. Một người Malaysia cũng bị bắt sau khi sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để bán một cá thể tê tê sống.

Tại Thái Lan, TRAFFIC cho biết riêng năm 2016 có tổng cộng 1.521 động vật sống bị rao bán trực tuyến trên 12 nhóm Facebook. Một nghiên cứu năm 2018 về cùng 12 nhóm cho thấy chỉ còn lại 10 nhóm nhưng tổng số thành viên đã tăng gần gấp đôi từ 106.111 lên 203.445.

Trong số 200 loài bị rao bán ở Thái Lan, có hai loài cực kỳ nguy cấp: Hồng hoàng mũ cát và cá sấu Xiêm. Tuy nhiên, gần một nửa số loài không được bảo vệ theo luật động vật hoang dã của chính Thái Lan vì không có nguồn gốc ở nước này và cũng không chưa có quy định pháp lý nào bảo vệ chúng.

ASEAN có thể làm gì?

Giám sát các nền tảng mạng xã hội để loại trừ những kẻ buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp là nhiệm vụ tiêu tốn thời gian và nguồn lực nhưng công nghệ có thể mang lại giải pháp cho vấn đề mà chính nó tạo ra.

Năm 2018, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Wyoming sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân loại hình ảnh động vật hoang dã bằng cách đào tạo cụm máy tính hiệu suất cao phân loại các loài động vật hoang dã qua việc sử dụng 3,37 triệu hình ảnh camera của 27 loài ở năm tiểu bang. Phân tích gần 375.000 hình ảnh, AI đạt được độ chính xác 97,6% – xử lý 2.000 hình ảnh mỗi phút, nhanh hơn nhiều lần khả năng của con người.

Đại học Wyoming đưa mô hình máy tính vào gói phần mềm cho Chương trình R – một ngôn ngữ lập trình được sử dụng rộng rãi và phần mềm miễn phí cho việc thống kê trên máy.

Sử dụng công nghệ này để quét các nền tảng truyền thông xã hội và gửi cảnh báo cho chính quyền một khi phát hiện hình ảnh của động vật nguy cấp bị rao bán sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, đặc biệt trong bối cảnh nhiều loài đang từng ngày đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.

Ở cấp độ khu vực, cần hồi sinh Mạng lưới Thực thi Động vật hoang dã ASEAN (ASEAN-WEN) được thành lập năm 2005. Nhằm mục đích tạo điều kiện trao đổi các thực tiễn và kiến thức tốt nhất khi chống lại nạn buôn bán lậu các loài động thực vật nguy cấp trong khu vực, nhưng nhiều năm nay trang web của ASEAN-WEN thậm chí không không hoạt động và không được cập nhật từ các nhóm trong khu vực.

Giải pháp chấm dứt vấn nạn này có thể là Liên minh toàn cầu chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã trực tuyến gồm 21 công ty, trong các thành viên sáng lập có cả các đại gia truyền thông xã hội Facebook và Instagram.

Được thành lập hai năm trước và hợp tác với TRAFFIC, WWF cùng IFAW, Liên minh này nhận ra rằng khi bị phát hiện thì những kẻ buôn lậu chỉ cần thực hiện một hành động đơn giản là thay đổi nền tảng, do đó cần hợp tác toàn diện mới có thể giải quyết vấn đề.

Liên minh cũng tính Microsoft, Google cũng như các công ty thương mại điện tử khổng lồ Alibaba và eBay vào hàng ngũ của mình để giảm buôn bán trực tuyến.

“Tiến bộ trong công nghệ và kết nối trên toàn thế giới, kết hợp với sức mua và nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp đã tăng thêm sự dễ dàng trao đổi từ kẻ săn trộm đến người tiêu dùng”, WWF nói khi tuyên bố thành lập Liên minh.

“Hợp tác với các công ty trực tuyến lớn nhất thế giới, hiện chúng tôi đang chiến đấu chống lại tội phạm công nghệ cao về động vật hoang dã vốn đang tìm cách khai thác các nền tảng dựa trên web để kiếm lợi từ động vật hoang dã nguy cấp”.

Nhật Anh (Theo Asean Post)