Tổ chức Sông ngòi Quốc tế cảnh báo rủi ro an toàn đập sau sự cố tại Lào

Ngay sau khi xảy ra thảm kịch tại tỉnh Attapeu, Lào vào tối 23/7, Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (International Rivers – IR) đã phát đi thông cáo bày tỏ sự quan tâm và tiếc nuối sâu sắc về những khó khăn mà cộng đồng phía hạ lưu phải đối mặt sau sự cố vỡ đập phụ thủy điện Xepian-Xe Nam Noy trên sông Xepian.

Công trình đang thi công đã bị vỡ sau những trận mưa và gió mùa lớn. Các cộng đồng dân cư được yêu cầu sơ tán khỏi khu vực chỉ vài giờ trước khi con đập bị đổ sụp. Thông tin sơ bộ cho hay có khoảng 6.600 gia đình buộc phải di dời, mất nhà cửa và tài sản trong khi nhiều gia đình khác đều có người thân chết hoặc mất tích.

Từ năm 2013, trong các cuộc thảo luận của IR với cộng động dân cư trong khu vực vào thời điểm chuẩn bị xây dựng dự án này, dân làng đã lựa chọn vị trí vững chắc trước khi đập được xây dựng và lẽ ra các nhà phát triển dự án phải tham khảo, lắng nghe ý kiến, lo ngại của họ, tuy nhiên, điều này đã không diễn ra – tựa như nhiều dự án khác ở Lào và khu vực vậy.

Điều đáng nói là nhiều người dân trong số những người bị ảnh hưởng bởi sự cố vỡ đập này trước đó cũng đã phải di dời hoặc chịu thiệt hại về sinh kế cùng các tác động khác do việc xây đập. Thảm kịch lần này lại càng gia tăng sự khốn khó của họ.

Trong khi công tác cứu hộ vẫn tiếp diễn, sự kiện bi thảm đã chỉ ra một số rủi ro liên quan tới các con đập như sau:

  • Nhiều đập đang hoạt động hoặc dự kiến xây dựng ​​không được thiết kế để có thể ứng phó với các sự kiện thời tiết khắc nghiệt. Các sự kiện thời tiết khắc nghiệt và không thể đoán trước đang xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu, đặt ra mối lo ngại an toàn nghiêm trọng cho hàng triệu người dân sống ở hạ lưu. Các tổ chức tài chính, nhà hoạch định và khai thác đập phải khẩn trương đánh giá khả năng chống chịu của các con đập đối với các tình huống thời tiết khắc nghiệt và có hành động để đảm bảo các đập có thể chống chịu trước các tình huống này.
  • Thảm kịch đang diễn ra ở Lào cũng cho thấy sự thiếu hụt các hệ thống cảnh báo nhằm ngăn chặn sự thương vong về người. Các cộng đồng hạ lưu không được cung cấp đầy đủ các cảnh báo tiên tiến để đảm bảo an toàn cho họ và gia đình. Sự kiện này đặt ra những câu hỏi quan trọng về tiêu chuẩn xây dựng đập và vấn đề an toàn đập tại Lào, bao gồm cả sự phù hợp của các con đập để ứng phó với các rủi ro về thời tiết.
  • Vụ việc này cũng đặt ra nhu cầu cấp bách về việc làm rõ vai trò, trách nhiệm và trách nhiệm giải trình trong quản lý và ứng phó với các tình huống nguy kịch như lũ lụt, hạn hán và cấp cứu giữa các quan chức chính phủ và các nhà quản lý vận hành đập. Công tác này bao gồm cả việc liên lạc với các bên liên quan như thế nào, đặc biệt là các cộng đồng hạ nguồn. Với hơn 70 dự án thủy điện hiện đã và đang được xây dựng, quy hoạch trên toàn nước Lào (hầu hết đều do các công ty tư nhân sở hữu và điều hành), cần khẩn trương xem xét các đập này đang được quy hoạch, thiết kế và quản lý ra sao.
Các nạn nhân sự cố vỡ đập đang phải di tản (Ảnh: LaoFAB)
Tuyên bố của Liên minh Cứu sông Mê Công về Thông báo xây dựng đập Pak Lay

Ngày 13/6, Chính phủ Lào chính thức thông báo cho Ủy ban Sông Mê Công (MRC) về dự định xây dựng đập Pak Lay trên dòng chính của sông Mê Công. Thông báo này là động thái khởi động Quy trình Tham vấn trước theo Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Đồng thuận (PNPCA) của Hiệp định Mê Công năm 1995. Pak Lay là con đập thứ thư trên dòng chính được đệ trình để thực hiện thủ tục này.

Ngày 19/7, Liên minh Cứu sông Mê Công ra bản Tuyên bố bày tỏ mối quan ngại sâu sắc đối với Thông báo xây dựng đập Pak Lay cũng như các kế hoạch khởi động Quy trình tham vấn của các dự án khác.

Theo Liên minh Cứu sông Mê Công, đập Pak Lay tiềm ẩn rủi ro khi tích lũy tác động cùng các con đập khác hiện có trên dòng chính sông Mê Công và làm tiêu tan mọi hi vọng về trách nhiệm giải trình đối với cộng đồng bị ảnh hưởng bởi các con đập hiện có ở hạ lưu con sông.

Trong khi đó, ở các quy trình tham vấn các dự án trước, các quan ngại sâu sắc và nổi bật về các đập chính Xayaburi, Don Sahong và Pak Beng vẫn chưa được giải quyết. Bản thân Thủ tục tham vấn trước đã là đối tượng chính bị nghi ngờ về tính chính đáng trong khi các kêu gọi cải cách Quy trình PNPCA vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn.

Mặt khác, chính phủ các quốc gia ở hạ lưu sông Mê Công vẫn chưa cung cấp bất cứ bằng chứng rõ ràng nào về việc liệu các phát hiện và khuyến nghị của Nghiên cứu Hội đồng MRC – vốn nằm trong một đánh giá toàn lưu vực nhằm cung cấp cho quá trình ra quyết định với các dự án riêng rẽ – có được thực hiện không và thực hiện như thế nào.

Trước những quan ngại nêu trên, Liên minh Cứu sông Mê Công kêu gọi chính phủ các quốc gia hạ lưu sông Mê Công và MRC lùi lại việc khởi động Thủ tục tham vấn trước cho đập Pak Lay; tập trung giải quyết đầy đủ và minh bạch các mối quan tâm và các vấn đề chưa được giải quyết liên quan đến tác động của các đập hiện có; cải cách Thủ tục tham vấn trước và tiếp thu các khuyến nghị từ Nghiên cứu Hội đồng MRC (Coucil Study – CS). Cụ thể: Các chính phủ lưu vực sông Mê Công và MRC nên/cần ưu tiên giải quyết những nội dung sau:

  • Công bố công khai toàn bộ thiết kế đập Xayaburi và đánh giá của MRC về việc tuân thủ PDG của dự án.
  • Đảm bảo các nghiên cứu giám sát tác động thủy sản đối với đập Don Sahong được công khai với công chúng và được đánh giá một cách độc lập.
  • Làm rõ phạm vi của các sáng kiến ​​giám sát chung và đảm bảo không có đập mới nào được tiến hành Tham vấn trước khi hoàn thành kết quả giám sát chung và chia sẻ kết quả này với công chúng.
  • Công bố Kế hoạch hành động chung cho đập Pak Beng.
  • Chia sẻ các bài học kinh nghiệm thực hiện Thủ tục Tham vấn từ trước tới nay và đánh giá về cách thức chúng được áp dụng trong quá trình cải cách Thủ tục này.
  • Làm rõ cam kết của chính phủ các quốc gia hạ lưu sông Mê Công đối với các phát hiện và khuyến cáo của Nghiên cứu Hội đồng MRC.
  • Đảm bảo việc đánh giá PDG và phát triển, cập nhật SHDS được hoàn thành trước khi bắt đầu bất kỳ một Quy trình Tham vấn trước nào.

Hiền Anh

CHIA SẺ