Tổ chức bảo tồn toàn cầu chi 1,6 tỷ USD cứu các đại dương

BVR&MT – Tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu The Nature Conservancy (TNC) vừa công bố kế hoạch trị giá 1,6 tỷ USD để cứu và khôi phục các đại dương trên thế giới bằng cách bán “Trái phiếu Xanh” cho các quốc gia ven biển và quốc đảo.

Sáng kiến bảo tồn Trái phiếu Xanh sẽ tái tài trợ và cơ cấu lại nợ cho các quốc gia ven biển và quốc đảo miễn là các quốc gia này cam kết bảo vệ ít nhất 30% các khu vực đại dương gần bờ của họ, bao gồm rạn san hô, rừng ngập mặn và các sinh cảnh đại dương quan trọng khác.

Rạn san hô ở Biển Đỏ. Các rạn san hô, rừng ngập mặn và nơi cá đẻ trứng là một trong những sinh cảnh mong manh mà TNC mong muốn bảo tồn. (Ảnh: Ian Robertson/Flickr)

Đổi lại việc tăng cường bảo vệ đại dương, TNC sẽ đưa ra các điều khoản trả nợ dễ chịu hơn cho các quốc gia và hỗ trợ công việc bảo tồn hiện hữu.

TNC cho biết các nhà tài trợ đã đảm bảo hơn 23 triệu trên tổng số 40 triệu USD cần thiết để khởi động chương trình này, qua đó có thể mở khóa được khoản tiền 1,6 tỷ USD tài trợ cho bảo tồn đại dương.

Trong năm năm tới, TNC có kế hoạch cung cấp Trái phiếu Xanh tới 20 quốc gia, bảo vệ thêm 1,5 triệu dặm vuông có mức độ đa dạng sinh học cao nhất của đại dương.

Mark Tercek, CEO TNC chia sẻ: “Vẫn còn thời gian để đảo ngược hàng thập kỷ thiệt hại cho các đại dương trên thế giới trước khi chúng ta đạt đến điểm không thể vãn hồi. Cần làm điều gì đó táo bạo để giải quyết vấn đề bảo vệ biển ở quy mô này, điều đó có nghĩa là cần suy nghĩ vượt ra ngoài các cách tiếp cận truyền thống”.

Trừ khi thế giới có thể kìm hãm đà phát thải các-bon và giải quyết thành công ô nhiễm đại dương, giới khoa học dự đoán 90% các rạn san hô sẽ chết vào năm 2050. Cũng như việc bảo tồn sinh vật biển, bảo vệ các sinh cảnh đại dương được thừa nhận rộng rãi là điều cần thiết để chống lại biến đổi khí hậu: thực tế là rừng ngập mặn cô lập các-bon nhiều gấp bốn lần rừng mưa nhiệt đới.

Khi một quốc gia chấp nhận Trái phiếu Xanh, các nhà khoa học biển thuộc TNC sẽ vạch ra một “quy hoạch không gian biển” để trả tiền cho các khu bảo tồn biển mới và các chương trình bảo tồn khác, sử dụng khoản tiết kiệm từ tái cơ cấu nợ và quyên góp từ thiện.

Chi tiêu sẽ được kiểm soát bởi một quỹ tín thác độc lập với chính phủ của quốc gia đó.
TNC ước tính chương trình này có thể được áp dụng ở tối đa 100 quốc gia.

Tercek giải thích: “Đây là cơ hội từ thiện của cả cuộc đời. Mỗi USD chúng tôi quyên góp được sẽ có tác động gấp 40 lần. Thật khó để tìm được đòn bẩy tốt hơn thế”.

Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổ chức Hòa bình Xanh phát động một chiến dịch lớn nhằm đảm bảo 30% các đại dương trên thế giới được bảo vệ chính thức vào năm 2030.

Nhật Anh (Theo greenbiz.com)