Tinh tinh có nguy cơ tuyệt chủng khi rừng Nigeria bị xâm lấn

BVR&MT – Nông nghiệp và khai thác gỗ trái phép là nguyên nhân chính khiến nhiều diện tích rừng nhiệt đới của Nigeria bị mất, trong đó có Khu bảo tồn rừng Oluwa – nơi được coi là ngôi nhà của nhiều loài hoang dã bao gồm tinh tinh Nigeria-Cameroon, phân loài tinh tinh hiếm nhất hiện nay – cũng không ngoại lệ.

Cá thể tinh tinh (Pan troglodytes). Ảnh: Dkoukoul via Wikimedia Commons (CC BY-SA 4.0)

Từ nhiều năm trước, hàng ngàn nông dân đã chuyển đến Oluwa định cư và lập nông trại. Đất đai màu mỡ, lượng mưa dồi dào cùng nhiệt độ vừa phải khiến Oluwa đặc biệt thích hợp cho nông nghiệp. Ngoài trồng trọt, những người định cư cũng tận dụng nguồn cá dồi dào ở các con suối, phụ lưu và sông chảy qua khu bảo tồn. Trong khi nông dân thỏa mãn với sự ưu ái của Oluwa thì các nhà bảo tồn cảnh báo phong trào nhà nhà lập nông trại sẽ phải trả giá bằng những diện tích rừng giàu có cùng các loài động, thực vật đa dạng. Và sự thực thì rừng Oluwa đang biến mất một cách trầm trọng.

Các thành viên của cộng đồng nông dân Oluwa chế biến cacao. Ảnh: Orji Sunday /Mongabay.
Chuối được trồng trong khu vực rừng bị chặt phá. Ảnh: Orji Sunday/ Mongabay.

Theo dữ liệu vệ tinh của Đại học Maryland được hiển thị trên Global Forest Watch, Khu bảo tồn rừng Oluwa đã mất khoảng 14% diện tích rừng nguyên sinh từ năm 2002 đến năm 2020 và dữ liệu sơ bộ cho thấy khả năng mất rừng tăng cao hơn trong năm 2021. Điều này cũng có nghĩa là nơi cư trú của hàng loạt loài hoang dã trong khu bảo tồn sẽ bị ảnh hưởng bao gồm loài khỉ Cercocebus torquatus, khỉ Cercopithecus erythrogaster pococki, tê tê Phataginus tricuspis, chim Ceratogymna elodyes, đặc biệt là loài tinh tinh Nigeria-Cameroon vốn đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.

Cây cacao phát triển trong Khu bảo tồn rừng Oluwa. Ảnh: Orji Sunday/Mongabay.

Không chỉ bị nông nghiệp xâm lấn, nạn săn trộm cũng đe dọa không nhỏ các loài động vật hoang dã của Oluwa. Mặc dù chăn nuôi gia súc khá thuận lợi nhưng người dân vẫn ưa chuộng thịt rừng và thường xuyên săn bắt động vật, chủ yếu là các loại khỉ, tê tê, chuột Thryonomys swinderianus, linh dương và nhím.

Việc định cư Oluwa trên thực tế là bất hợp pháp nhưng do sự hiện diện của nông dân trong khu bảo tồn rất lớn nên chính phủ lo ngại quyết định cưỡng chế ở thời điểm này sẽ dẫn đến nổi loạn. Trong một nỗ lực cân bằng giữa bảo tồn và chính trị, chính quyền bang Ondo đã thông qua một chính sách vào năm 2017, cho phép các trang trại được thành lập trước đó ở lại Oluwa trong khi phá bỏ các đồn điền, trang trại mới. Một lực lượng đặc nhiệm đã được tập hợp để thực thi chính sách này nhưng rốt cuộc vẫn thất bại do không có đủ kinh phí; các nhà chức trách gặp khó khăn về chuyên môn, phương tiện di chuyển và công nghệ cần thiết để bảo vệ khu bảo tồn, trong đó nguồn vốn là vấn đề lớn nhất vì chính phủ thường đầu tư vào ngành có khả năng thu hồi vốn nhanh thay vì lâm nghiệp – theo chia sẻ của Obabu Mushood, giám đốc quản lý rừng tại Bộ nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên bang Ondo.

Đáng chú ý là không chỉ riêng Oluwa mất rừng. Số liệu của Đại học Maryland cho thấy chỉ 11% diện tích Nigeria còn rừng tự nhiên tính đến năm 2000 và từ đó tới nay hơn 7% diện tích rừng nguyên sinh tiếp tục bị mất, trong đó tỷ lệ phá rừng cao nhất diễn ra chủ yếu ở các khu bảo tồn.

Ngoài nạn phá rừng được thực hiện bởi các nông hộ, sự xâm lấn của các khu trồng rừng quy mô cũng hiện diện ngày càng nhiều ở Oluwa, trong đó dữ liệu vệ tinh cho thấy phần lớn vụ phá rừng năm 2021 tập trung ở các khu vực rừng trồng. Các công ty tư nhân sau khi được nhượng quyền đất tại Oluwa thường thuê người dân trồng trọt tại các đồn điền độc canh, một số được cấp phép khai thác gỗ trong khu bảo tồn nhưng tận thu cả ngoài lâm phận được cho phép. Hệ lụy là rừng Oluwa ngày càng tàn lụi.

Một xưởng cưa không hoạt động gần Khu bảo tồn rừng Oluwa. Ảnh: Orji Sunday/ Mongabay.

Các nhà bảo tồn vô cùng quan ngại trước thực trạng này bởi nó sẽ tác động mạnh mẽ tới nơi cư trú của nhiều loài hoang dã, chẳng hạn như loài tinh tinh Nigeria-Cameroon (P. troglodytes ellioti) vốn đang bị đe dọa.

Không có nhiều thông tin về quy mô dân số và tình trạng hiện tại của tinh tinh ở Oluwa. Những người nông dân, thợ săn và những cư dân cộng đồng lâu năm khác nói rằng họ thi thoảng nhìn thấy tinh tinh cách đây ba thập kỷ, thậm chí chứng kiến thợ săn giết tinh tinh.

Kết quả khảo sát do nhà nghiên cứu Elizabeth Greengrass công bố trên tạp chí Bảo tồn Linh trưởng năm 2009 cho thấy tinh tinh có thể vẫn hiện diện trong những phần còn nguyên vẹn hơn của khu bảo tồn. Tuy nhiên, quy mô và sự phân bố của chúng đã giảm mạnh kể từ đầu thế kỷ này. Gần đây, nghiên cứu năm 2012 khẳng định sinh cảnh sống của tinh tinh bị giới hạn ở khu vực thuộc trung tâm khu bảo tồn với tổng diện tích chỉ hơn 39 km2 hoặc hơn 5% diện tích khu bảo tồn, trong đó chúng hoạt động tích cực nhất trong phạm vi 10km2, chủ yếu dọc bờ sông Oluwa.

Việc chặt phá rừng thiếu kiểm soát cùng nạn săn trộm tiếp tục chia cắt môi trường sống của tinh tinh và khiến số lượng quần thể giảm mạnh, đe dọa đến tính toàn vẹn quần thể loài. Dù vậy, một số nhà bảo tồn vẫn tin vào khả năng có thể phục hồi khu bảo tồn Oluwa nếu các diện tích rừng còn lại được quản lý khẩn cấp và được hỗ trợ bởi các dự án bảo tồn, du lịch sinh thái phù hợp.

Thảo Vy (Theo Mongabay)

Tags: ,
CHIA SẺ