Tinh tinh biết tự đắp côn trùng để chữa vết thương

Tinh tinh trong vườn quốc gia Loango thường bắt côn trùng, nghiền nát và xoa lên vết thương hở để chữa trị cho bản thân và đồng loại.

Tinh tinh đực tự chữa trị vết thương bằng côn trùng sau cuộc ẩu đả. Ảnh: Roland Hilgartner/National Geographic

Vườn quốc gia Loango cung cấp bối cảnh cho các nhà nghiên cứu quan sát tinh tinh đắp côn trùng vào vết thương, một cảnh tượng hiếm gặp trong tự nhiên. Hoạt động này chứng minh các loài linh trưởng có thể phát triển hành vi chăm sóc sức khỏe và chia sẻ giữa những thành viên trong bầy đàn gắn bó khăng khít, National Geographic hôm 27/10 đưa tin.

Tobias Deschner, nhà nghiên cứu ở Đại học Osnabrück, Đức, và vợ là Simone Pika, trưởng nhóm nghiên cứu sinh học nhận thức ở Viện khoa học nhận thức tại Osnabrück, chỉ đạo Dự án tinh tinh Ozouga, hợp tác với Cơ quan Vườn quốc gia Gabon (ANPN). Nhóm nghiên cứu đã thu thập dữ liệu hành vi của đàn Rekambo gồm khoảng 40 con tinh tinh trong 5 năm.

Alessandra Mascaro, nhà sinh vật học tiến hóa, thành viên của Dự án tinh tinh Ozouga, lần đầu để ý tinh tinh Rekambo dường như tìm cách điều trị vết thương vào năm 2019. Cô xem một video ghi hình tinh tinh cái đắp côn trùng bắt được vào vết thương hở trên cơ thể con trai nó. Không lâu sau đó, tinh tinh mẹ cẩn thận lấy xác côn trùng ra. Hành vi này rất giống hoạt động chăm sóc vết thương. Trở lại Đức, Mascaro cho Deschner và Pika xem cảnh quay, khiến họ vô cùng bất ngờ. Những video sau đó cho thấy hành vi này không phải tình cờ hay tùy tiện, bởi các thành viên khác trong đàn Rekambo cũng điều trị vết thương theo cách tương tự. Trong nghiên cứu của Mascaro, cô quay tổng cộng 19 cá thể tự điều trị bằng côn trùng.

Tinh tinh tự chữa vết thương cho nhau

Sâu trong rừng rậm ở Loango, Deschner theo dõi hai con tinh tinh đực khác đến gần tinh tinh Cesar. Từ khoảng cách 6 m, ông trông thấy một con tinh tinh trong đó có vết rách lớn ở đùi trái và hai vết thương hở trên lưng. Con đực còn lại cũng bị thương với cổ tay chảy máu. Một cuộc ẩu đả dữ dội đã xảy ra vào tối hôm trước, nhiều khả năng do Pandi, con đực đầu đàn gây ra. Sau vài ngày vắng mặt, Pandi gia nhập nhóm, dẫn tới căng thẳng gia tăng giữa những con đực.

Sáng hôm sau, Mascaro quan sát bầy tinh tinh chải lông cho nhau. Cô đi theo Thea, con tinh tinh ghé thăm Cesar và vẫn bị thương. Từ vẻ mặt của nó, dường như chiếc chân bị thương khiến nó đau đớn. Nó dùng ngón tay kiểm tra vết thương và lia mắt qua cây cối xung quanh như thể đang tìm kiếm thứ gì đó. Mascaro lấy camera từ ba lô ra để ghi hình và Deschner cũng chuẩn bị sẵn camera.

Tinh tinh nhai côn trùng để làm thuốc

Nhanh như chớp, Thea thò tay phải vào bụi rậm. Nó bắt được một con côn trùng, có thể là con ruồi, đậu ở mặt dưới chiếc lá. Thea bỏ con vật vào miệng, dùng môi nghiền nhẹ. Sau đó, nó cẩn thận xoa hỗn hợp sệt vào vết thương hở, dùng đầu ngón tay xoa xoa. Nó lặp lại quá trình thêm vài lần nữa trước khi làm sạch vết thương. Hành vi này tương tự quan sát đầu tiên của Mascaro. Tất cả xảy ra nhanh đến mức nhà nghiên cứu gần như không thể nhận thức chuyện gì xảy ra nếu không có quan sát trước đó.

Ba ngày sau, Mascaro quan sát một trường hợp điều trị bằng côn trùng nữa. Một con tinh tinh khác bắt côn trùng và xoa lên vết thương trên lưng Thea. Hành vi hé lộ cho các nhà khoa học biết ngoài chữa trị cho nhau, tinh tinh còn hiểu tình trạng sức khỏe của đồng loại. Đó có thể coi là hành vi thuận xã hội, đòi hỏi khả năng nhận thức phức tạp hơn. Sau khi hai con tinh tinh đực rời đi, Mascaro tìm kiếm nền rừng nơi chúng ngồi trước đó. Cô muốn biết tinh tinh dùng loài côn trùng nào để phân tích hóa học nhưng không tìm thấy.

Quan sát của Mascaro và cộng sự trong nhóm nghiên cứu Ozouga rất đặc biệt bởi họ ghi hình hành vi trực tiếp. Tinh tinh Rekambo chỉ sử dụng côn trùng khi bị thương nên cơ hội quan sát trong thực tế rất hạn chế.

Bích Ngọc (Theo National Geographic)

CHIA SẺ