Tinh tế trong từng sản phẩm mây tre đan

BVR&MT – Cách trung tâm Hà Nội khoảng 25 km về phía Tây, làng Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) không chỉ là một trong những cái nôi sản sinh ra nghề mây tre đan ở Việt Nam mà còn là nơi đào tạo biết bao thế hệ nghệ nhân đan mây tre tài hoa, tinh tế nổi tiếng trứ danh.

Phú Vinh có hơn 2400 hộ gia đình làm nghề mây tre đan với hơn 4200 lao động thường xuyên, mức thu nhập bình quân hàng tháng là 3 triệu 500 ngàn đồng/người và đã có 9 nghệ nhân được phong danh hiệu trong đó có 6 nghệ nhân ưu tú. Nghệ nhân Nguyễn Phương Quang (bên trái hình ảnh).

Làng Phú Vinh được coi là “xứ Mây” nổi tiếng về nghề đan mây tre với lịch sử phát triển nghề lâu đời. Không biết nghề mây tre đan có tự khi nào nhưng theo lời các cụ cao niên trong làng kể lại rằng. Cách đây chừng 400 năm, Phú Hoa Trang (nay là Phú Vinh) có một bãi Cò Đậu có rất nhiều cò, sau gọi chệch là Gò Đậu. Lông cò thường rụng trắng một vùng gò, có người thấy thích nhặt về tết thành mũ, nón rất xinh xắn. Ban đầu họ dùng thấy đẹp, bền liền làm thành quà tặng người thân, bạn bè, dần dần được yêu thích và nhiều người đến tìm mua. Lâu dần, lông cò có hạn, người dân tìm thêm cỏ lác, cỏ lau mọc sẵn ngoài đồng và lên rừng tìm các thứ vật liệu mềm dẻo như tre, mây, giang… để sản xuất thành các đồ gia dụng như rổ, rá, rế, làn…

Qua thời gian, nhiều vật liệu mới được bổ sung, các mẫu mã sản phẩm được cải tiến, kỹ thuật đan mây tre của người làng được nâng cao để sản phẩm ngày càng tinh xảo và có giá trị kinh tế hơn. Nghề mây tre đan từ đó đã lan rộng sang các làng xã khác trong vùng rồi vươn ra hơn 20 tỉnh thành trong cả nước.

Trải qua nhiều thăng trầm, nghề mây tre đan trở thành nghê thủ công truyền thống, người dân nơi đây cứ cha truyền con nối, gia đình nào cũng có người làm nghề. Bất kể người già hay trẻ, trai hay gái, trong tâm nguyện mỗi người đều mong muốn lưu giữ được một nét văn hóa truyền thống của dân tộc nói chung và của địa phương nói riêng.

Đặc biệt gia đình của Nghệ nhân Nguyễn Phương Quang, ông được đánh giá là nghệ nhân trẻ tuổi nhất ở Phú Vinh khi mới 28 tuổi, đã ba đời truyền tay nhau làm công việc này. Như tiếp thêm sức mạnh giữ lửa cho nghề, năm 2016, Nguyễn Phương Quang vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Đối với ông, mỗi sản phẩm mây tre đan là một tác phẩm nghệ thuật, đòi hỏi kỹ thuật, mỹ thuật tinh xảo, công phu của những đôi bàn tay tài hoa, khéo léo. Muốn có một tác phẩm như ý, trước tiên người thợ phải hiểu rõ thứ nguyên liệu mà mình định làm.

Ví dụ như cây tre, nứa, vầu, trúc… và nhiều loại tre bương khác là loại cây thuộc họ lúa. Cây tre là loại cây mọc thẳng, có độ cứng cao, khô thì giòn, đặc biệt tre có chứa chất đường nên dễ bị mọt ăn nên khi sử dụng vào việc đan phải xử lý chống mọt. Gia đình ông cũng sáng tạo để kết hợp mây, tre, giang với các chất liệu sắt, gốm và sơn mài, cho ra những tác phẩm độc đáo và đặc sắc hơn. “Như Tác phẩm Đèn mây vảy rồng đã được trao giải Nhất tại Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ tư do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Còn chiếc Bình sen mây này, tôi phải làm trong 2 năm. Sản phẩm có chiều cao 4,1m, đường kính 1,5m, tổng trọng lượng 120kg trên bề mặt mô tả 4 điểm nhấn đặc trưng của Thăng Long – Hà Nội là: Chùa Một Cột, Khuê Văn Các, Tháp Rùa và Rồng thời Lý đang bay lên. Sản phẩm đã được vinh danh trong Kỷ lục Guinness Việt Nam năm 2009…” – Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phương Quang phấn khởi chia sẻ.

Với sự nhạy bén của tuổi trẻ, ông Nguyễn Phương Quang cùng gia đình đã thành lập Công ty TNHH Việt Quang. Không chỉ tiêu thụ tại thị trường trong nước, các sản phẩm do gia đình nghệ nhân thiết kế và sản xuất đã được xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới như: Hoa Kỳ, Anh, Italia, Đức, Nhật Bản… và được chứng nhận sản phẩm OCOP.

Trong các nghề thủ công, nghề mây, tre hiện đang bảo tồn và phát triển tốt. Nét đặc trưng truyền thống trong sản phẩm mây tre là hình dáng đơn giản, mộc mạc nhưng kỹ thuật đan rất tinh xảo. Không thể phủ nhận, nghề mây tre đan đã giải quyết công ăn việc làm cho một lượng lớn lao động nông thôn, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người lao động. Tuy nhiên với sự phát triển hiện đại, trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm tinh xảo, thời thượng hơn, nguyên liệu giá rẻ hơn thì các sản phẩm mây tre đan đang bị cạnh tranh rõ nét. Bên cạnh đó, nguyên liệu đầu vào ngày một khan hiếm và đắt đỏ. Một số nguyên phụ liệu như bìa cát tông, xăng dầu, hóa chất cũng tăng, đẩy chi phí sản xuất lên cao. Trong khi đó, giá các đơn hàng lại không tăng bởi hầu hết các cơ sở đều ký hợp đồng từ đầu năm và do phải cạnh tranh để giành thị trường nên cơ sở khó tăng giá bán. Hiện mỗi ngày cả huyện Chương Mỹ cần hàng tấn mây, tre, giang nhưng vùng nguyên liệu ở địa phương lại chưa có. Các cơ sở phải tự tìm kiếm nguyên liệu ở rất xa như: guột và mây tươi mua từ các tỉnh Nam Trung bộ; tre, nứa mua từ các tỉnh miền núi phía Bắc…

Nghệ nhân Quang cũng bộc bạch: “Ngày khi Huyện có chủ trương triển khai chương trình OCOP tôi đã tiên phong tham gia bởi chương trình là hướng đi tốt, không những tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường mà còn giúp sản phẩm địa phương được quảng bá, tiêu thụ tốt hơn. Tuy nhiên quá trình triển khai vẫn tồn tại những khó khăn nhất định. Hiện nay chỉ còn một số ít người tâm huyết với nghề và mẫu mã sản phẩm bằng tính chất nghệ thuật ngày càng ít. Cũng chính vì lẽ đó mà thị trường tiêu thụ cũng dần bị bó hẹp”.

Thiết nghĩ để mây tre đan trở thành hàng hoá thương mại, các làng nghề cần có nhà tổ chức sản xuất, các doanh nghiệp xuất khẩu có quy mô lớn, trọng thẩm mỹ, biết khám phá thị hiếu, thị trường.

Đây là một bài toán khó cho cả lãnh đạo địa phương cũng như người dân. Theo Nghệ nhân Quang, muốn bảo tồn nghề truyền thống cần phải làm cho lớp trẻ ham nghề. Muốn vậy, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng mây tre đan phải thu hút lao động trẻ bằng các chế độ phúc lợi như bảo hiểm xã hội, y tế… Phải để họ được lao động trong môi trường chuyên nghiệp, nếu không thanh niên rất dễ quay lưng với nghề của cha ông.

Hà Linh – Đào Thúy