BVR&MT – Theo báo cáo nhanh ngày 2/7 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lớn gây nhiều thiệt hại về tài sản tại một số tỉnh. Diễn biến của áp thấp nhiệt đới rất phức tạp và có khả năng di chuyển về phía đất liền, gây mưa rất lớn, lũ quét, sạt lở đất trên khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trong khoảng ngày 03 – 04/7.
Cụ thể, tại Lào Cai, theo báo cáo số 177/BC-VPTT ngày 01/7/2019 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đêm ngày 29/6 rạng sáng ngày 01/7, mưa lớn kèm dông, sét trên địa bàn huyện Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai, Sa Pa làm 10 nhà bị thiệt hại một phần; 14 ha lúa, 0,5 ha ngô bị vùi lấp và ngập; 03 con gia súc bị chết; vỡ 02 bể nuôi cá nước lạnh 320 m3; 03 tuyến đường bị sạt 05 điểm dài 10m; 70m kênh bị hư hỏng. Ước tính thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng. Tại tỉnh An Giang, theo báo cáo số 13/BC-BCĐ ngày 01/7/2019 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, ngày 30/6/2019 tại ấp Phú An B, xã Phú Vĩnh, thị xã Tân Châu xảy ra sạt lở đất bờ bắc kênh Vĩnh An đoạn đầu vàm xã Phú Vĩnh (gần ngã tư kênh Thần Nông) với chiều dài 82m (sạt lở cơ đê chiều dài 50m, nứt đến mép đường nhựa chiều dài 32m) ảnh hưởng đến 05 nhà tạm của người dân.
Về tình hình áp thấp nhiệt đới, hồi 01h00 ngày 02/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 113,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 190km về phía Bắc Đông Bắc. Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 01 giờ ngày 03/7, vị trí tâm bão ở khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, trên bờ phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 11. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và tiếp tục có khả năng mạnh thêm. Đến 01 giờ ngày 04/7, vị trí tâm bão ở khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 11. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trước diễn biến của áp thấp nhiệt đới, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 28.641 phương tiện/103.267 người; 3.526 lồng bè, lều, chòi canh/4.654 người biết diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Trong đó: Đang hoạt động trên biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh 7.886 tàu/39.738 người. Neo đậu tại các bến: 20.755 tàu/63.529 người. Có 3.526 lồng bè, lều, chòi canh/4.654 người (Quảng Ninh: 2.502 lồng bè/3.417 người; Nam Định: 1.024 lều/1.237 người)…
Để ứng phó với thiên tai, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai – Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố và thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn đã ban hành Công điện số 05/CĐ-TW ngày 01/7/2019 chỉ đạo các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Bộ từ Quảng Ngãi trở ra chủ động các biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão trên biển Đông; mưa lớn, dông lốc cực đoan ở miền núi và đồng bằng. Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo thường xuyên theo dõi và chuyển các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai đến các tỉnh, thành phố.
Bộ Công An, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; các tỉnh, thành phố Tuyên Quang, Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng và Quảng Ngãi có Công điện chỉ đạo ứng phó áp thấp nhiệt đới và mưa lớn gửi về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo.
Những công việc cần triển khai tiếp theo, theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh thêm thành bão và mưa lớn, dông lốc cực đoan có thể xảy ra do hoàn lưu của bão, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương từ Quảng Ngãi trở ra, các Bộ, ngành triển khai nghiêm túc Công điện số 05/CĐ-TW.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng tăng thời lượng phát sóng; thường xuyên thông báo diễn biến vùng áp thấp/áp thấp nhiệt đới để các cấp chính quyền và nhân dân biết, chủ động phòng tránh.
Các thành viên Ban Chỉ đạo theo phân công tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị, ứng phó tại các địa phương.
Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia tăng cường công tác dự báo, thông tin tới cấp huyện trong các khu vực ảnh hưởng của thiên tai.
* Cũng theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, trong sáng ngày 2/7 tại Hà Nội, thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức họp chỉ đạo ứng phó với áp thấp nhiệt đới. Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương không được chủ quan, tăng cường công tác trực ban theo dõi diễn biến tình hình để có ứng phó kịp thời. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo chính xác về diễn biến bão và thông tin dự báo cảnh báo tới các địa phương, đặc biệt đối với khu vực miền núi phía Bắc có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất cần có các thông tin cảnh báo 72h, 48h, 24h tới cấp huyện. Đảm bảo công tác an toàn tàu thuyền, lồng bè đặc biệt tại khu vực neo đậu, tránh trú an toàn, khu nuôi trồng thủy hải sản, các khu du lịch; có phương án đảm bảo công tác tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp trong trường hợp mưa lớn cực đoan. Có giải pháp kiểm tra đảm bảo an toàn hồ chứa, hệ thống đê điều và công trình thủy lợi đặc biệt các công trình đang thi công. Bộ Ngoại giao chủ động liên hệ với các nước trong khu vực hỗ trợ cho ngư dân tránh trú an toàn trong tình huống khẩn cấp.