BVR&MT – Biển đã đem lại nhiều kết quả về phát triển kinh tế, tăng trưởng của các ngành du lịch và dịch vụ, nuôi trồng thủy sản… Thế nhưng, môi trường biển trong những năm gần đây đang phải đối mặt với nhiều sự cố và việc xác định mức độ ô nhiễm, khả năng ứng phó kịp thời khi sự cố xảy ra đến nay vẫn đang là bài toán khó.
PGS, TS Nguyễn Chu Hồi, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XV nêu rõ, ở trên rừng chặt một cây có thể ai cũng biết nhưng ở dưới biển, tài nguyên bị khai thác, hệ sinh thái bị ô nhiễm, hủy hoại thế nào thì dường như chỉ có những nhà khoa học mới rõ…
Môi trường biển đối mặt với nhiều nguy cơ
Theo PGS, TS Nguyễn Chu Hồi, các vấn đề môi trường vẫn luôn gắn liền và song hành với đời sống và phát triển. Sở dĩ môi trường biển phải đối mặt với nhiều nguy cơ, là bởi biển có yếu tố xuyên biên giới; bị tác động của biến đổi khí hậu cùng với biến đổi đại đương đã, đang tác động mạnh đến biển đảo và vùng ven biển. Các yếu tố này có thể khiến nước biển ấm lên, axit hóa đại dương, thiếu hụt ô-xy trong nước biển, suy thoái các hệ sinh thái, gia tăng xói lở bờ biển… Ngoài ra, nhiều bãi rác thải nhựa lớn tồn lưu ở các vùng ven biển, đảo và đáy biển; các nguồn thải từ các sông ở đất liền đổ ra biển, đặc biệt là chất thải hữu cơ và chất thải san lấp, nhận chìm cũng đang vượt quá, khiến đại dương bị đe dọa, “đầu độc”…
Thực trạng nêu trên đã tác động rất lớn tới môi trường biển, dẫn tới sự suy giảm của các nguồn đàn cũng như trữ lượng cá, các sinh vật biển, nhất là san hô. Số liệu nghiên cứu của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa công bố cho thấy đi kèm với sự phát triển đô thị ven biển là sự gia tăng dân số, khách du lịch dẫn đến gia tăng các nguồn thải. Tại các khu vực ven biển, lượng nước thải phát sinh ước tính vào khoảng 122-163 triệu m3/ngày. Như tại huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh), theo ước tính, mỗi ngày lượng rác thải sinh hoạt phát sinh khoảng 8-10 tấn, chủ yếu là chất thải rắn sinh hoạt. Lượng rác thải thu gom trên huyện đảo này hiện mới đạt mức 6-8 tấn/ngày, trong đó phần lớn là rác thải sinh hoạt. Nguồn rác thải từ các hộ gia đình, chợ, khách sạn… được tập kết về bãi rác Voòng Xi, thuộc khu 4, thị trấn Cô Tô để chôn lấp.
Tương tự huyện đảo Cát Bà (Hải Phòng), lượng chất thải chủ yếu tập trung từ hai nguồn là dân cư trên đảo và hoạt động du lịch. Trung bình mỗi ngày đảo Cát Bà phát sinh 58,6 m3 chất thải rắn các loại, thu gom được khoảng 40,74 m3 (chiếm tỷ lệ 71%).
Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm chất hữu cơ, dầu mỡ đang diễn ra ở mức khá cao và vượt mức cho phép ở gần các khu du lịch, khu đông dân cư trải dài từ bắc vào nam. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1989 đến nay, cả nước có hơn 100 vụ tràn dầu do tai nạn hàng hải, tràn ra biển từ vài chục đến hàng trăm tấn dầu. Điển hình như sự cố tràn dầu tàu Formosa One xảy ra năm 2001 tại vịnh Gành Rái, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu làm tràn dầu khoảng 900 m3, tương đương 750 tấn dầu DO.
Gần đây nhất, tối 14/11/2021, trong quá trình cập cảng Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh), tàu PVT Dragon mang số hiệu IMO 9140580 cũng đã bất cẩn để một số lượng lớn dầu tràn ra mặt biển… TS Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo Việt Nam (thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) cho biết, thông thường sự cố tràn dầu sẽ gây ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái biển, nhất là các rạn san hô. Ô nhiễm dầu làm giảm sức chống đỡ, tính linh hoạt và khả năng khôi phục của các hệ sinh thái.
Cần “tai mắt” của các nhà khoa học
Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam Phạm Văn Sơn cho biết, để kịp thời ứng phó xử lý sự cố môi trường, nhất là môi trường biển, hiện nay, ngoài “đường dây nóng thông báo khẩn cấp sự cố” 1800 6558, trung tâm cũng đang xây dựng ứng dụng công nghệ thông báo sự cố trên thiết bị điện thoại. Ngay sau khi nhận thông báo, Trung tâm sẽ nhanh chóng xác định được tọa độ vị trí cụ thể, qua đó kịp thời điều lực lượng đến hiện trường để ứng phó, nhất là sự cố xảy ra ở trên sông, trên biển… Tuy nhiên, thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã khiến việc kiểm tra, rà soát thực hiện các quy định bảo vệ môi trường không thể triển khai. Công tác thẩm định, phê duyệt các kế hoạch ứng phó sự cố cũng như việc triển khai các kế hoạch ứng phó sự cố; tập huấn, diễn tập ứng phó sự cố cũng phải dừng lại do dịch bệnh.
Với kinh nghiệm nhiều năm công tác ở Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, PGS, TS Nguyễn Chu Hồi cho rằng, những nhà khoa học biển là “tai mắt”, là những người cần cảnh báo đầu tiên cho các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý về các vấn đề môi trường biển từ đó có giải pháp và kịp thời có hướng giải quyết. Do vậy, để tránh bị chia cắt nguồn lực trong bảo vệ môi trường biển, cơ quan quản lý cần có sự kết nối thông tin với các nhà khoa học để có những cảnh báo kịp thời.
Đối với việc xử lý các sự cố tràn dầu trên biển, các địa phương cần tăng cường thực hiện “Bốn tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, bảo đảm chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và “Ba sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả). Cùng với đó, Nhà nước cần phân cấp mạnh cho địa phương trong công tác bảo vệ môi trường biển, ven biển, trên đảo; tăng cường các giải pháp ứng dụng công nghệ cao cũng như triển khai áp dụng phương thức đồng quản lý tài nguyên và môi trường biển, kiểm soát chặt các nguồn thải từ các cửa sông, từ đất liền…