Tìm hướng đi hiệu quả cho người chăn nuôi

BVR&MT – Thời gian qua, dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến khó lường, giá nguyên liệu cao, đầu ra sản phẩm chăn nuôi bấp bênh, đã khiến nhiều nông hộ lao đao.

Chăm sóc đàn lợn tại Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai, TP Hà Nội).

Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, hiện tại giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi còn cao, sản phẩm tiêu thụ khó, cho nên người chăn nuôi quy mô nhỏ ngày càng lâm vào cảnh khó khăn khi những sản phẩm chăn nuôi gia cầm không bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn được “tuồn” vào nước ta qua đường tiểu ngạch.

Việc buôn bán, vận chuyển, nhập khẩu trái phép động vật qua biên giới còn nhiều khiến dịch bệnh có thể bùng phát trở lại. Chia sẻ với chúng tôi, bà Cấn Thị Quy (Sơn Tây, Hà Nội) cho biết, hiện người nuôi gia cầm phải bù lỗ vì giá bán thấp hơn giá thành sản xuất. Thông tin thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Hưng Thỉnh (Hợp tác xã sản xuất-kinh doanh sản phẩm nông nghiệp Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) bộc bạch, thời gian qua, các hộ chăn nuôi lợn cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Nếu trước đó, có thời điểm giá lợn hơi tăng lên gần 70 nghìn đồng/kg, nông hộ “dễ thở” hơn thì đến đầu tháng 10/2023 lại “quay đầu” giảm về mức từ 50 đến 55 nghìn đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi không có lãi. Đó là chưa kể từ nay đến hết năm 2023, thời tiết diễn biến bất thường, bệnh dịch tả lợn châu Phi tiềm ẩn nguy cơ khiến nhiều hộ e dè trong việc tái đàn. Thực trạng nêu trên dẫn đến số hộ tham gia chăn nuôi giảm hẳn.

Nguyên nhân là bởi chăn nuôi nông hộ đã bộc lộ nhiều hạn chế như: Vẫn còn tình trạng nuôi theo phong trào, khi thì bỏ chuồng hàng loạt, lúc lại tái đàn ồ ạt. Do thiếu vốn, thiếu quỹ đất, người chăn nuôi khó có thể mở rộng chuồng trại, đầu tư sản xuất và áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thiếu kiến thức về chế độ dinh dưỡng cho vật nuôi theo từng giai đoạn cho nên năng suất đạt còn thấp.

Việc áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong chăn nuôi, xử lý chất thải chưa được chú trọng (nhiều hộ chăn nuôi chưa có giải pháp xử lý nước thải và phân hiệu quả, xả thải ra sông, suối gây ô nhiễm môi trường). Các hộ chưa tuân thủ nghiêm ngặt công tác thú y, vệ sinh chuồng trại, cho nên dịch bệnh dễ phát sinh và lây lan. Bên cạnh đó, việc người chăn nuôi hoạt động đơn lẻ dẫn đến khó tiếp cận các nguồn lực, khả năng cạnh tranh kém, sản phẩm đưa ra thị trường không đồng nhất.

Sự liên kết giữa nông hộ với hợp tác xã/tổ hợp tác chăn nuôi chưa nhiều, việc tham gia thị trường tìm “đầu ra” cho sản phẩm còn hạn chế, khiến người chăn nuôi dễ bị thua lỗ và giảm thu nhập do phải chịu phí tổn vào các khâu “trung gian”. Nông hộ ít được đào tạo về quản lý, tổ chức sản xuất và hạch toán kinh tế cho nên hay gặp rủi ro khi phải bỏ ra số tiền lớn đầu tư vào chăn nuôi (chi phí đất, xây dựng cơ bản, con giống, thức ăn, thuốc thú y…).

Theo các chuyên gia, để người chăn nuôi có hướng đi hiệu quả, tới đây cơ quan quản lý nhà nước nên tiếp tục có chính sách mới hỗ trợ nông hộ; gắn kết người chăn nuôi vào chuỗi sản xuất khép kín với vai trò trung tâm là các hợp tác xã/tổ hợp tác. Khi đó, hợp tác xã sẽ đứng ra liên kết với doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đầu vào và doanh nghiệp giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; giúp các hộ chăn nuôi yên tâm sản xuất.

Các địa phương cần tiếp tục ưu tiên, quan tâm hỗ trợ nông hộ, hướng đến sản xuất chuyên nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo sản phẩm có lợi thế về cạnh tranh; bảo đảm điều kiện về chuồng trại; xây dựng hầm biogas, đệm lót sinh học, để giảm ô nhiễm môi trường. Theo Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Ngọc Sơn, để giải quyết rốt ráo vấn đề này, cần xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân chăn nuôi vi phạm trong lĩnh vực môi trường, nhất là xả thải ra môi trường các chất thải từ chăn nuôi, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật.

Mặt khác, nông hộ cần quan tâm yếu tố kỹ thuật, tuân thủ theo quy trình; áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới để đạt năng suất cao hơn. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, thời gian tới, chăn nuôi nông hộ vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và mưu sinh của nông dân. Trong Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045, cùng với đẩy mạnh chăn nuôi trang trại quy mô lớn, cần quan tâm chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi truyền thống với những sản phẩm đặc sản gắn với du lịch sinh thái, góp phần thúc đẩy chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung.

NGUỒNnhandan.vn
Tags:
CHIA SẺ