Tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản bền vững

BVR&MT – Toàn ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2018 đạt 40 tỷ USD, vượt mốc lịch sử năm 2017 (36,4 tỷ USD). Để đạt con số này trong năm nay là vấn đề đặt ra cho liên Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc thúc đẩy xuất khẩu bền vững.

Ảnh minh họa.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 3 năm 2018 ước đạt 3,1 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 3 tháng đầu năm đạt 8,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. So với quý I năm 2017, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 4,6 tỷ USD, tăng 9%; giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 1,7 tỷ USD, tăng 11,5% và giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt gần 2 tỷ USD, tăng 6,6%.

Tại cuộc họp bàn về các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đánh giá những nỗ lực xuất khẩu của nhóm hàng này. Tuy nhiên, ông Khánh cũng chỉ ra những hạn chế của các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đòi hỏi cần có những giải pháp tháo gỡ. Trước hết, đó là cơ cấu xuất khẩu. Xuất khẩu nhóm hàng này vẫn dựa mạnh vào thị trường Đông Á, chiếm tới 44% kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, Trung Quốc lớn nhất chiếm hơn 26%, xuất sang Hoa Kỳ và EU là 35%. Một số mặt hàng đẩy mạnh vào thị trường Trung Quốc như: Rau quả gồm thanh long, dưa hấu, sắn lát, cao su… và chủ yếu qua đường tiểu ngạch.

Bên cạnh đó, dù kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng không bền vững vì một số loại sản phẩm gặp phải vấn đề về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng với đó, câu chuyện tổ chức sản xuất của chúng ta manh mún, chất lượng không đồng đều, cũng là vấn đề nhóm hàng này cần quan tâm.

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền (Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam), những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của ngành gỗ nhanh, mạnh. Năm 2017, xuất khẩu đạt 8 tỷ USD trong đó 7,7 tỷ USD là gỗ, còn 300 triệu là song mây tre trúc. Dự kiến đạt 9 tỷ USD năm 2018. Để đạt con số này, theo ông Quyền, trước hết là nguồn nguyên liệu.

Đại diện doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu cũng đề xuất, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để sản phẩm gỗ có nguồn gốc minh bạch nhằm mang lại sự tin cậy cho khách hàng. Cần có định hướng cho doanh nghiệp chuyển cơ sở chế biến lên vùng sâu, xa nhằm giảm chi phí vận chuyển, chi phí hạ tầng rẻ hơn. Vấn đề logistics cũng được đại diện doanh nghiệp kiến nghị, vì chi phí vận chuyển hiện nay quá cao, trong khi khối lượng vận chuyển gỗ lớn. Chính điều này tạo ra điểm yếu cho các doanh nghiệp gỗ…

Với mặt hàng gạo, Hiệp hội lương thực Việt Nam cho biết, khó khăn với doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong 2 năm nay là sự sàng lọc mạnh mẽ của thị trường, doanh nghiệp mạnh thì vượt qua còn doanh nghiệp yếu về vốn, về thị trường bị đào thải ra khỏi thị trường. Nhiều doanh nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long bán kho và rời mảng kinh doanh này do không vay được ngân hàng. Ngân hàng điều chỉnh chính sách cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo bằng siết chặt vay vốn. Cùng đó, lãi suất cho vay tăng: 2017 VND là 5,5% sang 2018 là 6,5%; còn USD tăng từ 2,5% lên 3,5% trong năm nay. Hơn nữa, chi phí logisitcs cao hơn so với các nước khác. Việc phụ thuộc vào một số thị trường cũng khiến doanh nghiệp bị động khi có biến động. Do đó, cần sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Các bộ ngành, ngân hàng cần phối hợp nhịp nhàng để gỡ khó cho doanh nghiệp lúa gạo…