Tìm giải pháp cho nông nghiệp công nghệ cao vùng duyên hải Nam Trung Bộ

BVR&MT – Các địa phương cần phải lập quy hoạch vùng nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với điều kiện của từng địa phương, từng vùng.

Toàn cảnh diễn đàn.

Đó là giải pháp mà các đại biểu nhấn mạnh tại Diễn đàn khuyến nông và nông nghiệp với chủ đề “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu khu vực duyên hải Nam Trung Bộ” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng tổ chức ngày 4/5.

Nhiều nút thắt cần tháo gỡ

Theo TS. Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ, vùng có diện tích đất tự nhiên trên 4,42 triệu ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 18,7%. Khí hậu của vùng có 2 mùa mưa và khô rõ rệt, lượng mưa biến động 500-2.500 mm.

Vùng thường xuyên hứng chịu thiên tai bão, lũ nặng nề, gây thiệt hại lớn cho vụ mùa của bà con. Nhằm giảm sự phụ thuộc vào thời tiết khí hậu, sản xuất nông nghiệp (NN) theo hướng công nghệ cao (CNC) là yêu cầu tất yếu của vùng. Tuy nhiên, thời gian qua, việc ứng dụng CNC trong NN tại đây vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo ông Đặng Văn Hồng, Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư nông lâm Đà Nẵng, thực tế tại Thành phố, sản xuất NNCNC mới tập trung chủ yếu vào việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hoá sản xuất, công nghệ sinh học, các quy trình canh tác tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp để sản xuất ra các sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn VSTP còn ít.

Đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều, các mô hình ứng dụng thiếu bền vững, chưa bảo đảm tính khoa học dẫn đến sản phẩm sản xuất ra không ổn định, chưa đáp ứng yêu cầu thị trường đô thị.

Trong thời gian qua, Đà Nẵng đã rất nỗ lực trong việc đưa ra các cơ chế chính sách ưu đãi hỗ trợ NNCNC, tuy nhiên, việc tiếp cận các chính sách vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là tiếp cận đất đai đầu tư dự án.

Ngoài ra, đại diện các địa phương nêu lên khó khăn như sản xuất NNCNC đòi hỏi vốn đầu tư lớn và là lĩnh vực có nhiều rủi ro nên việc thu hút đầu tư còn hạn chế. Tình trạng sản xuất manh mún, phân tán ở nông hộ, sản xuất nhiều loại cây trồng trên cùng một diện tích đã cản trở việc ứng dụng CNC. Trình độ tiếp nhận kỹ thuật KHCN của người dân còn yếu…

Mô hình trồng hoa công nghệ cao tại xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng.

Ông Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho rằng các địa phương cần phải lập quy hoạch vùng, khu NNCNC phù hợp với từng địa phương, từng vùng.

Lập quy hoạch vùng, khu NNCNC phù hợp với từng địa phương

“Không phải nơi nào cũng làm được mà xác định mức độ ứng dụng, quy trình công nghệ phù hợp cho từng vùng, từng địa phương, từng đối tượng và từng cây con. Nếu như tất cả mọi cây trồng, cây con đều đưa vào ứng dụng thì hiệu quả không cao. Nếu ta lựa chọn những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, sản xuất trong điều kiện thời tiết mà đại trà không làm được, quy trình sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm gắn với xây dựng thương hiệu và liên kết với các chuỗi siêu thị bán với giá cao hơn thì thị trường vẫn chấp nhận”, ông Trần Văn Khởi nói.

Bổ sung cho ý kiến của ông Khởi, ông Dương Hoa Xô, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TPHCM nhấn mạnh rằng việc quy hoạch vùng NNCNC phù hợp cho từng vùng là rất quan trọng.

“Chúng ta không đầu tư tràn lan mà quy hoạch những vùng ít bị ảnh hưởng của mưa bão nhất, kèm theo các biện pháp về hạ tầng, ví dụ như vùng bị ngập lụt thì khoanh vùng, bờ rào để giảm thiểu ngập lụt. Bên cạnh đó, cũng không nên quá máy móc khi nói đến NNCNC là phải làm nhà giàn, nhà lưới mà có thể trồng trên cánh đồng với các biện pháp tưới nhỏ giọt, tưới tự động hay biện pháp về giống, tranh thủ thời điểm không bị ảnh hưởng bởi thiên tai thời tiết”, ông Dương Hoa Xô cho hay.

Về vấn đề vốn, ông Xô đánh giá đây là “nút thắt” khó gỡ nhất đối với người muốn tiếp cận làm NNCNC. Để tạo điều kiện cho họ, ngân hàng nên tính toán lại, dựa trên sản phẩm tạo ra trong tương lai, thế chấp theo sản phẩm họ làm ra chứ không phải là diện tích đất đi vay.

Theo TS. Hồ Huy Cường, đối tượng cây trồng ở vùng đa dạng nhưng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất còn thấp so với tiềm năng. Nguyên nhân cơ bản là do giống sử dụng trong sản xuất vẫn còn hạn chế về khả năng chống chịu sâu bệnh hại và độ đồng đều của sản phẩm sau thu hoạch (đặc biệt là rau, quả) chưa cao. Do đó, việc ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất NNCNC là rất cần thiết.

“Xuất phát từ thực tiễn của vùng, công nghệ lai tạo giống cây trồng có ứng dụng các kỹ thuật sinh học phân tử, công nghệ nhân giống bằng nuôi cấy mô tế bào và công nghệ sinh học trong sản xuất phân bón hữu cơ là các giải pháp được ưu tiên lựa chọn trong sản xuất nông nghiệp CNC tại vùng”, ông Cường cho hay.

Từ đó, TS. Hồ Huy Cường đề xuất giải pháp cần tập trung nguồn lực xây dựng mô hình trình diễn ứng dụng cây con được nhân giống từ nuôi cấy mô tế bào thực vật để làm cơ sở cho nông dân đánh giá học hỏi và nhân rộng sản xuất. Xây dựng chính sách hỗ trợ cây giống từ nuôi cấy mô tế bào thực vật như các chương trình hỗ trợ khác đã có để chuyển đổi tập quán canh tác từ nguồn giống thông thường sang sử dụng giống từ nuôi cấy mô thực vật…

Bên cạnh đó, đại diện các địa phương cũng đề xuất ý kiến Nhà nước cần có những chính sách đặc thù để hỗ trợ cho doanh nghiệp như: Chính sách thu hút những doanh nghiệp có năng lực đầu tư vào lĩnh vực NNCNC; chính sách tín dụng; chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng; chính sách tích tụ ruộng đất; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; chính sách bảo đảm sự minh bạch về quy chuẩn chất lượng sản phẩm…