Tìm giải pháp cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm

BVRMT – Với hiện trạng môi trường hồ Hoàn Kiếm đang rơi vào tình trạng lớp bùn lắng đọng ngày càng dày, thậm chí có nguy cơ trở thành bãi lầy… nên việc cải tạo môi trường hồ là việc làm cần thiết và cấp bách, song phải tiến hành một cách thận trọng.

Hồ Hoàn Kiếm đang rơi vào tình trạng lớp bùn lắng đọng ngày càng dày. (Ảnh minh họa)

Đây là nội dung quan trọng được thảo luận tại hội thảo Cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm do Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tổ chức chiều 15/2 tại Hà Nội, thu hút sự tham gia của các nhà khoa học và đại diện các sở, ngành chức năng trên địa bàn.

Báo cáo hiện trạng môi trường hồ Hoàn Kiếm của Công ty Thoát nước Hà Nội cho thấy, hồ Hoàn Kiếm rộng 12 ha, tách biệt hoàn toàn nước thải, đã được kè bê tông và đá, song một số nơi đã xuống cấp. Lớp đất sét, lớp bùn lắng dưới đáy hồ ngày càng dày, gây ảnh hưởng tới môi trường sống của những sinh vật dưới hồ do chứa nhiều kim loại nặng và khí độc. Nếu không tiến hành nạo vét, nguy cơ hồ Hoàn Kiếm trở thành một bãi lầy sẽ xảy ra. Ngoài ra, mật độ thực vật phù du có xu hướng tăng dần, kéo theo hàm lượng ô xy hoà tan giảm đột ngột vào từng thời điểm khác nhau, ảnh hưởng tới sự tồn tại của nhiều động thực vật trong hồ. Hồ đang trong tình trạng bị ô nhiễm hữu cơ gấp 2 lần so với quy chuẩn cho phép…

Theo đề xuất của Công ty Thoát nước Hà Nội, đơn vị sẽ đề xuất xử lý duy trì chất lượng nước hồ Hoàn Kiếm bằng chế phẩm Redocy-3C, chế phẩm đặc biệt xử lý hồ của CHLB Đức sản xuất theo đơn đặt hàng độc quyền của TP. Hà Nội. Phương án thực hiện theo đúng quy trình xử lý chất lượng nước hồ bằng Redocy-3C đã được Sở Xây dựng chấp thuận.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, hồ Hoàn Kiếm là một địa chỉ văn hoá, tâm linh đặc biệt quan trọng với người dân Thủ đô Hà Nội và cả nước. Hồ cũng gắn liền với lịch sử văn hoá Thăng Long-Hà Nội, là khu tham quan du lịch của TP. Hà Nội. Khi thực hiện phương án xử lý, cải tạo môi trường hồ Hoàn Kiếm, cần thực hiện thận trọng, tính toán đầy đủ các yếu tố tác động, đặc biệt là việc bảo vệ hệ sinh thái đang sinh sống trong lòng hồ.

Những ý kiến của các nhà khoa học sẽ được Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tiếp thu nhằm hoàn thiện phương án cải tạo môi trường hồ Hoàn Kiếm, trình UBND TP. Hà Nội trong thời gian sớm nhất.