Tiếp sức đổi thay diện mạo vùng bãi ngang Nghệ An

BVR&MT – Nguồn tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã góp phần giảm nghèo, xây dựng thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đây còn là công cụ, giải pháp lâu dài để huyện đồng bằng ven biển này thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội.

Mô hình chăn nuôi gà thịt của gia đình anh Lê Văn Thế, xóm 4, xã Diễn Trung vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội.

Về xã Diễn Trung “mục sở thị” mô hình chăn nuôi gà thịt của gia đình anh Lê Văn Thế, xóm 4. Anh Thế chia sẻ: “Gia đình tôi hoàn cảnh khó khăn, đông đến năm người con. Tôi đã từng vào nam ra bắc bươn chải đủ nghề nhưng vẫn không thoát nghèo. Năm 2019 trở về quê, nhờ được vay từ vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, chương trình hộ cận nghèo 100 triệu đồng cùng với 200 triệu đồng vốn gia đình để đầu tư trại nuôi gà theo tiêu chuẩn VIETGAP với quy mô 3.000 con giống nên hiện nay cuộc sống gia đình ổn định hơn, có điều kiện nuôi con cái ăn học.

Tại xã Diễn Trung, vốn vay từ tín dụng ưu đãi các đối tượng được thụ hưởng đã tập trung phát triển kinh tế, chủ yếu tập chăn nuôi gà và nuôi tôm. Với lợi thế vùng đất cát ven biển, những năm gần đây, xã bãi ngang Diễn Trung phát triển mạnh nghề nuôi tôm trên cát, trong đó có mô hình nuôi tôm của hộ anh Nguyễn Tiến Cường, xóm 2. Để đầu tư nuôi, anh Cường được vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn hộ mới thoát nghèo. Với 4 ao, diện tích 1.000m2 đã giúp gia đình nhanh chóng có thu nhập cao. Mô hình anh Cường là đột phá của xã Diễn Trung, trong việc tận dụng đất nhiễm mặn, đất trống đưa vào quy hoạch để bà con nông dân nuôi trồng thủy sản.

Mô hình nuôi tôm của anh Nguyễn Tiến Cường ở xóm 2, xã Diễn Trung phát triển từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội.

Ở Diễn Vạn, một xã nằm trong số xã bãi ngang thuần nông khó khăn của Diễn Châu, đường làng ngõ xóm nay đã được bê tông hóa, những ngôi nhà tân kỳ khang trang mọc lên san sát như phố. Gia đình ông Hoàng Văn Thụ, xóm Xuân Bắc là một gia đình thuần nông có 5 con liên tiếp thi đậu đại học. Kinh tế khó khăn, nhờ được vay nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho vay chương trình học sinh, sinh viên, các con ông đã học xong đại học, ra trường có việc làm ổn định, hai con học giỏi có việc làm ở nước ngoài thu nhập cao. Số tiền vay 125,5 triệu đồng, gia đình đã trả hết nợ, các con còn hỗ trợ 2 tỷ đồng làm nhà mới khang trang… Ông Hồ Ngọc Quyến, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Xuân Bắc cho biết, tổ có 38 thành viên, với số dư nợ đến hết tháng 8/2022 hơn 2 tỷ đồng.

Ngoài gia đình ông Hoàng Văn Thụ còn nhiều gia đình ở xóm Xuân Bắc đã hỗ trợ kinh phí cho các cháu học xong cao đẳng, đại học nhờ được vay vốn chương trình học sinh, sinh viên. Ông Trần Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Diễn Vạn cho biết rõ: Xã có 21 tổ ủy thác tiết kiệm và vay vốn; trong đó, riêng Hội nông dân xã có tám tổ, với 300 thành viên vay vốn có số dư nợ 16 tỷ/43 tỷ đồng toàn xã. Trước đây là xã thuần nông, nhờ sự năng động và được tiếp sức từ vốn vay ưu đãi nhiều hộ nghèo đã mạnh dạn đầu tư phát triển dịch vụ thương mại, phát triển nghề truyền thống như: chế biến hải sản, bánh kẹo và đi xuất khẩu lao động… nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên giàu.

Diễn Châu là một trong những huyện đồng bằng ven biển của Nghệ An, có 28km bờ biển qua tám xã vùng bãi ngang. Trước đây, trong số này có năm xã khó khăn vùng bãi ngang. Thời gian qua, nhờ sự phối hợp các chương trình, các chính sách hỗ trợ để thực hiện công tác giảm nghèo, như thu hút đầu tư, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đặc biệt vay vốn chính sách ưu đãi để hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, cận nghèo nên tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của vùng này giảm mạnh.

Giám đốc Ngân hàng Chính sách huyện Diễn Châu Nguyễn Văn Tuấn cho biết, với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” và cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị, xã hội gồm: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên. Trong 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời.

Mô hình phát triển nghề truyền thống làm bánh kẹo của gia đình anh Nguyễn Thế Lực, xóm Xuân Bắc được công nhận là sản phẩm OCOP ở xã Diễn Vạn.

20 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Diễn Châu đã cho 117.535 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách, nhất là ở các vùng khó khăn được vay vốn với doanh số hơn 2.816 tỷ đồng. Qua đó, giúp hơn 15 nghìn hộ thoát nghèo, có nhiều hộ đã trở thành khá giàu. Nhiều mô hình kinh tế được triển khai và mang lại hiệu quả cao, điển hình như mô hình của ông Võ Trọng Phong ở Diễn Thọ, vay vốn chương trình hộ cận nghèo, gây dựng xưởng may tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 6 lao động; bà Ngô Thị Loan, xã Diễn Nguyên vay vốn làm xưởng mộc tạo việc làm và thu nhập ổn định cho bốn lao động; ông Chu Văn Thọ, xã Diễn Liên vay vốn hộ nghèo xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp cho thu nhập ổn định 100 triệu đồng/năm…đã thoát nghèo.

Thông qua các chính sách tín dụng đã thu hút tạo việc làm cho hơn 38 nghìn lao động, giúp 26.218 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo hơn 30.600 công trình nước sạch và công trình vệ sinh đạt chuẩn giúp cải thiện môi trường sống ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa hơn 2.000 ngôi nhà cho hộ nghèo. Đã có 1.335 lao động ở các xã: Diễn Xuân, Diễn Tháp, Diễn Hồng, Diễn Liên….được vay vốn đi xuất khẩu lao động đã có mức thu nhập khá cao, ổn định và thoát nghèo.

Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, đã từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo…

Đến 31/5/2022, tổng dư nợ 17 chương trình tín dụng chính sách ở huyện Diễn Châu đạt 790,7 tỷ đồng. Đây là con số dư nợ lớn nhất của tỉnh Nghệ An, gấp 27 lần số dư nợ khi thành lập… Kết quả đạt được trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn Diễn Châu trong 20 năm qua đã đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách. Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm; góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Phạm Xuân Sanh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Diễn Châu, Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Diễn Châu