Tiếp cận cổ và kim trong quản trị tài nguyên thiên nhiên – đôi điều luận bàn

BVR&MT – Khi thực hiện một dự án, một hành động về quản trị tài nguyên hay một can thiệp về phát triển là chúng ta muốn hướng tới sự thay đổi theo chiều hướng tích cực. Quản trị sự thay đổi vì vậy đang trở thành một cách tiếp cận được nói đến nhiều trong các dự án phát triển gần đây. Tuy nhiên, phương pháp quản trị hiện nay chủ yếu áp dụng theo lý thuyết phương Tây – vốn thiên về duy lý và chú trọng tới các nội dung về kỹ năng, kỹ thuật nhiều hơn. Trong khi đó, cách tiếp cận truyền thống theo triết lý phương Đông thường tập trung vào sự thay đổi trong nhận thức hay còn gọi là sự “khai tâm”. Khoa học về quản trị sự thay đổi được phương Đông gọi là Dịch lý và thuật ngữ này bao gồm toàn bộ hệ thống tư duy, lý luận, phương pháp thực hiện, có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực. Trong phạm vi bài viết, tác giả chỉ khơi gợi một số khác biệt giữa hai cách tiếp cận cổ – kim trong lĩnh vực quản trị tài nguyên thiên nhiên, qua đó góp phần bổ khuyết cho các phương pháp quản trị đang được áp dụng hiện nay trong lĩnh vực này.

Quản trị tài nguyên thiên nhiên là sự tham gia của tất cả các bên vào quá trình xây dựng, thực hiện các chiến lược, kế hoạch, hoạt động… nhằm khai thác, sử dụng, bảo vệ và phát triển tài nguyên thiên nhiên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững. Tuy nhiên, phương pháp quản trị ngày nay và khi xưa có nhiều điểm khác biệt về cả đối tượng tác động, tiêu chí đánh giá, mô hình phân tích.

Đối tượng tác động

Trong khi quản trị hiện đại cho rằng đối tượng tác động chính của các can thiệp là thiên nhiên, là mối quan hệ giữa thiên nhiên với con người, trong đó bao gồm cả thể chế luật pháp quy định các vấn đề về tài nguyên thiên nhiên thì Dịch học xác định đối tượng của quản trị nói chung, quản trị tài nguyên thiên nhiên nói riêng là con người. Triết học phương Đông mà trong đó Việt Nam là một quốc gia từng đóng góp cho việc hình thành, thừa hưởng và áp dụng trong một thời gian lâu dài, luôn đặt con người ở vị trí trung tâm. Con người sánh ngang với trời đất trong Tam tài: Thiên – Nhân – Địa. Trời ở đây không chỉ nghĩa ở trên trời mà còn tượng trưng cho thời gian (Thiên thời) hay lĩnh vực tinh thần. Địa không chỉ nghĩa dưới đất mà biểu tượng cho không gian (Địa lợi) hay lĩnh vực vật chất. Cả tinh thần – vật chất hay không gian – thời gian đều chỉ có thể tồn tại thông qua cảm nhận của con người. Do đó, vai trò của con người là quan trọng nhất trong tất cả các hoạt động, can thiệp hay bất cứ lĩnh vực quản trị nào, đặc biệt là quản trị tài nguyên thiên nhiên – một trong những đối tượng chịu nhiều tác động nhất của con người, thậm chí con người phải nương nhờ vào đó để sinh tồn, phát triển. Điều này khác hẳn quan niệm duy lý của phương Tây khi con người chỉ được coi là một thực thể trong môi trường vật lý và thiên nhiên mới là đối tượng chính của quản trị.

Tiêu chí quản trị

Khi nói về mục tiêu hay các nguyên tắc của quản trị nói chung, quản trị tài nguyên thiên nhiên nói riêng, các nhà nghiên cứu phương Tây thường dùng nhiều tiêu chí đánh giá như: Trách nhiệm giải trình (Accountability), Hiệu quả (Efficiency), Hiệu suất (Effectiveness), Công bằng (Equitably), Sự tham gia (Participation), Minh bạch (Transparency)i. Trong phương pháp đánh giá dự án, tức đánh giá một hành động can thiệp nhằm tạo sự thay đổi, lý thuyết phương Tây cũng chú ý nhiều tới tính Hợp lý (Relevance), tính Hiệu suất (Effectiveness), tính Hiệu quả (Efficiency) và tính Bền vững (Sustainablility). Đây cũng là những chỉ tiêu dùng để đánh giá một chính sách, chẳng hạn như  Chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES), Chương trình giảm phát thải khí nhà kính do mất rừng và suy thoái rừng (REDD+)ii.

Dịch học phương Đôngiii trái lại xác định các nguyên lý quản trị thông qua cặp quẻ Kiền – Khôn (Càn – Khôn) với bốn tiêu chí chủ đạo: Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh. Nguyên là gốc ban đầu, tức chỉ con người, nằm ở vị trí trung tâm của Tam tài. Nguyên cũng chính là tính Nhân bản. Hanh là xuôi thuận, hiểu theo ngôn ngữ ngày nay là sự hợp lẽ, chính xác hơn là tính Khoa học. Lợi là lợi ích thiết thực. Còn tiêu chuẩn thứ tư (Trinh) thể hiện sự bền lâu, bền vững. Trong cả hai quẻ Kiền và Khôn đều có bốn tiêu chí Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh, tuy nhiên, Trinh trong quẻ Khôn (còn gọi là Tẫn mã chi trinh) chỉ sự thuận theo, trong khi Trinh trong quẻ Kiền chỉ sự bền lâu, bền vững – điều này ngụ ý nền khoa học (tượng trưng bởi quẻ Khôn) phải theo sự định hướng hay được dẫn dắt bởi nền minh triết (tượng trưng bởi quẻ Kiền) thì sự nghiệp khoa học mới bền lâu.

So sánh hai hệ thống tiêu chí ta thấy quan điểm Dịch học rộng và bao quát hơn nhiều. Tiêu chuẩn Nhân bản (Nguyên) bao hàm hơn nguyên tắc Công bằng của quản trị phương Tây. Tiêu chuẩn Khoa học (Hanh) cũng rộng hơn tính Phù hợp, Hiệu quả. Tiêu chuẩn Thiết thực (Lợi) rộng hơn tính Hiệu suất trong quản trị phương Tây. Riêng tính Bền vững (Trinh) đã được triết lý phương Đông nói đến từ lâu trong khi tư duy về “phát triển bền vững” mới xuất hiện vào  khoảng thế kỷ 20.

Khung phân tích quản trị

Cả hai phương thức quản trị đều xây dựng những mô hình phân tích khái quát, ở đây tạm gọi là Khung quản trị. Trong đó, mô hình của Berkesiv hướng đến việc phân tích cấu trúc và đặc điểm của kiến thức truyền thống đối với tài nguyên thiên nhiên khá điển hình theo quan điểm triết lý phương Tây. Mô hình này chia kiến thức truyền thống thành bốn cấp độ:

  • Kiến thức về vùng đất và động vật: Bao gồm kiến thức cơ bản về đặc điểm tự nhiên, sinh vật của khu vực sinh sống. Những kiến thức này phục vụ cho sự sinh tồn của người dân.
  • Hệ thống quản lý đất đai và tài nguyên: Bao gồm kiến thức về những sinh vật địa phương và đất đai áp dụng trong việc quản lý tài nguyên của vùng thông qua vận dụng những kỹ thuật và công cụ nhất định.
  • Thể chế xã hội: Những hoạt động có tác dụng duy trì việc sử dụng kiến thức trong cuộc sống hàng ngày, ví dụ như luật tục, điều kiêng kị, phong tục, lễ nghi…
  • Thế giới quan: Những nhận thức có tác dụng giải thích và gán ý nghĩa cho kiến thức và các hoạt động, bao gồm nhận thức xã hội, niềm tin và giá trị văn hóa.

Mặc dù Berkes khái quát được hầu hết các vấn đề trừu tượng và cụ thể của môi trường tự nhiên và xã hội, song bốn lĩnh vực trong mô hình lại được phân chia khá tách biệt, không thể hiện được mối tương quan và tác động qua lại lẫn nhau. Ngược lại, Dịch học từ xa xưa đã biểu thị chặt chẽ mối tương tác giữa con người với tự nhiên và xã hội, trước hết ở đồ hình Tứ tượng. Tứ tượng là đồ hình mô tả con người trong vũ trũ gồm 4 dạng (tượng) hay 4 mặt bao gồm:

  • Thái âm chỉ Tinh thần
  • Thái dương chỉ Thân thể
  • Thiếu âm chỉ Môi trường tự nhiên
  • Thiếu dương chỉ Môi trường xã hội

Khi so với mô hình của Berker, ta thấy khung Tứ tượng cũng đề cập những phạm trù tương ứng, song bao quát hơn nhiều. Trung tâm của Tứ tượng là Con người – nhân tố chi phối tất cả các mối tương tác:

  • Mối quan hệ giữa Con người và Môi trường tự nhiên hay Tài nguyên thiên nhiên (Berker gọi là vùng “Kiến thức về vùng đất và động vật”)
  • Mối quan hệ giữa Con người với nhu cầu vật chất của bản thể – tương ứng với “Hệ thống quản lý đất đai và tài nguyên” trong mô hình của Berker
  • Mối quan hệ giữa Con người với Con người (Berker gọi là “Thể chế xã hội”)
  • Mối quan hệ giữa Con người với chính bản ngã là Tinh thần (Berker gọi là “Thế giới quan”)

Mặc dù về tên gọi có nhiều điểm tương đồng, song Dịch học khác với mô hình của Berker ở chỗ nó mô tả công thức Ngũ hành tương sinh dựa trên sự tác động qua lại giữa các thành tố và chính sự tác động này mới là động lực của phát triển và tiến hóa của xã hội. Khi phối hợp Ngũ hành với Tứ tượng, ta có:

  • Hành Cam ở vị trí trung tâm chỉ Con người hay Cộng đồng
  • Hành Thủy biểu diễn cho phần Thể xác
  • Hành Hỏa biểu diễn cho phần Tinh thần
  • Hành Thổ biểu diễn cho Môi trường tự nhiên
  • Hành Mộc biểu diễn cho Môi trường xã hội

Vị trí trung tâm của Ngũ hành là Cam hay Kim, tượng trưng cho Con người – chủ thể của Dịch học. Điều này khác với sơ đồ Ngũ hành hiện nay (theo một số tài liệu của Trung Quốc) khi đặt hành Thổ tượng trưng cho Tự nhiên vào trung tâm, ngược so với triết lý cơ bản của Dịch học.

Triết lý cơ bản của Dịch học luôn đặt Con người (tức hành Cam/Kim) ở vị trí trung tâm và vị trí này chi phối toàn bộ sự vận hành của mô hình quản trị, trong đó phương thức Ngũ hành tương sinh được thể hiện theo chiều từ Cam –> Thổ –> Thủy –> Mộc –> Hỏa –> Cam:

  • Trước tiên, Con người (hành Cam/Kim) cần tăng tiến tri thức khoa học và cải tiến công cụ (hai yếu tố thuộc về Thế giới tự nhiên hay tượng trưng bởi Thổ) để tạo ra năng suất mỗi ngày cao hơn, tạo ra của cải vật chất ngày càng nhiều hơn, do đó mới có Cam sinh Thổ.
  • Sự thăng tiến về khoa học kỹ thuật (Thổ) sẽ giúp đời sống vật chất (Thủy) của con người được cải thiện, nâng cao lên, do đó ta có Thổ sinh Thủy.
  • Thủy sinh Mộc thể hiện ngụ ý khi của cải vật chất dồi dào (Thủy) thì con người dễ thông cảm, tôn trọng, chia sẻ (Mộc) với nhau hơn.
  • Sự thăng tiến trong đời sống tinh thần cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn khi con người có cuộc sống ổn định về vật chất và các mối quan hệ xã hội được cải thiện, ở đây ý chỉ mối tương sinh Mộc sinh Hỏa.
Cờ ngũ sắc, hình tượng của Ngũ hành trong văn hóa dân gian (Ảnh: Nguyễn Đức Tố Lưu)

Đáng chú ý là từ mô hình Ngũ hành tương sinh, khi kết hợp với Tiên thiên Bát quái (mô hình 8 quẻ tượng trưng cho 8 lĩnh vực triết lý đời sống), ta có mô hình ngoại quan dùng cho phân tích cộng đồng như sau:

Trong đó

  • Quẻ Đoài tương ứng tri thức khoa học
  • Quẻ Chấn chỉ công cụ kỹ thuật
  • Quẻ Cấn là Kinh tế
  • Quẻ Tốn chỉ Chính trị

Áp dụng lý thuyết Ngũ hành tương sinh, ta có sơ đồ tương ứng:

Theo quan điểm Dịch học, điểm bắt đầu để tạo sự thay đổi là cải tiến công cụ lao động hay còn gọi là Xuất hồ Chấn. Chấn là quẻ tượng trưng cho công cụ. Và điểm kết thúc một vòng xoáy để trở về là ở quẻ Tốn (Tề hồ Tốn, quẻ Tốn chỉ thể chế chính trị). Nói cách khác, để tạo được những thay đổi về mặt cơ chế chính sách thì việc cần bắt đầu không phải là từ vận động chính sách mà là từ những bước thay đổi nền tảng kiến thức và vật chất của cộng đồng, xã hội. Khi cơ sở hạ tầng thay đổi thì các quy tắc xã hội (tức các chính sách) sẽ buộc phải thay đổi theo. Đây là điểm rất khác trong cách vận động chính sách giữa cách tiếp cận cổ và kim.

Có thể lấy ví dụ về mô hình sự thay đổi hiện đang được tổ chức Oxfam áp dụng cho các hoạt động phát triển để thấy rõ sự khác biệt này.

Mô hình Oxfam chia cấu trúc quản trị thành hai trục vấn đề: trục Cá nhân – Tập thể và trục Chính thức – Phi Chính thức. Từ hai trục này, mô hình xác định bốn loại hình hay bốn lĩnh vực thay đổi gồm: Các quy tắc (chính sách, cơ cấu, luật pháp…); Hành vi thay đổi (hay Khả năng tiếp cận tài nguyên); Tâm thức (suy nghĩ, cảm xúc, niềm tin, tín ngưỡng…) và Văn hóa. Tuy nhiên, mô hình không chỉ ra được mối quan hệ của sự vận hành/thay đổi giữa bốn thành tố. Trong khi đó, Dịch học thể hiện rất rõ mối quan hệ tương sinh của các thành tố trong Khung phân tích, nhờ vậy, chúng ta có được quy luật vận động và có được chỉ dẫn về khu vực cần can thiệp để tạo ra sự thay đổi cho cả cộng đồng. Điều này khác những cách tiếp cận hiện nay về phát triển đang áp dụng cho rằng sự thay đổi chỉ theo một chiều, tức từ nấc này sang nấc khác cao hơn.

Kết luận

Dịch học là lý thuyết truyền thống về quản trị sự thay đổi, vốn là triết lý được đúc kết qua hàng ngàn năm lịch sử của xã hội phương Đông. Dịch học chứa đựng các quan niệm về vũ trụ, về con người trong tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội. Bằng ngôn ngữ biểu tượng, Dịch học cung cấp các sơ đồ, khung phân tích cho quản trị và những công thức để phát triển đời sống của con người, tiến đến giúp con người làm chủ (trong mối quan hệ với) thiên nhiên, làm chủ (trong các mối quan hệ với) xã hội và làm chủ bản thân mình. Có thể nói quản trị sự thay đổi theo quan điểm Dịch học là một quá trình phát triển theo vòng xoáy hình trôn ốc, bắt đầu từ con người và cũng trở về với con người. Sự thay đổi ở vị trí này sẽ kéo theo thay đổi ở vị trí khác và cứ thế, con người/cộng động bước đi trên những nấc thang xoắn của tiến hóa xã hội theo mô hình cân bằng động.

Chính những mô hình, công thức và cách tiếp cận của Dịch học có thể giúp soi đường cho việc xây dựng nền quản trị tốt tài nguyên thiên nhiên, giúp bổ sung và hoàn chỉnh những gì mà cách tiếp cận hiện nay đang còn lúng túng, rời rạc. Tiếp tục hiểu sâu hơn những mô hình của Dịch học phương Đông sẽ cho phép có những ý tưởng cải tiến đáng kể cách thức quản trị tài nguyên thiên nhiên hiện nay. Chẳng hạn, trong các hoạt động, dự án phát triển được thực hiện tại địa phương, thay vì chỉ tập trung tập huấn nâng cao năng lực, đầu tư kỹ thuật, máy móc (tức Công cụ kỹ thuật) cho người dân hoặc tập trung vận động chính sách, các nhà phát triển nên lưu ý việc xây dựng các mô hình thực hành tốt về quản trị tài nguyên thiên nhiên tại địa bàn (Kinh tế), đồng thời tuyển chọn đội ngũ tập huấn viên/nông dân giỏi và mẫu mực (Tri thức) tại cơ sở nhằm đồng hành với các hoạt động của bà con, giúp bà con yên tâm “thực” và “hành” một cách chủ động, hiệu quả và bền vững. Trong Dự án Biến đổi khí hậu và đồng bào các dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam (CEMI), phương thức quản trị này cũng đã được áp dụng khá bài bản với các hoạt động lựa chọn và đào tạo Tập huấn viên cơ sở (Tri thức); thành lập Nhóm nông dân sở thích (Cộng đồng) do chính Tập huấn viên địa phương đứng lớp; xây dựng mô hình thực tế kết hợp tập huấn đầu bờ (Công cụ kỹ thuật), đồng thời xây dựng Bộ chỉ số thích ứng biến đổi khí hậu trong nông nghiệp cấp xã (Chính sách). Theo đó, các thành tố trong Ngũ hành tương sinh (Cộng đồng, Tri thức, Kỹ thuật, Kinh tế, Chính sách) được vận dụng triệt để và cho kết quả khá tốt trong thực tế triển khai dự án.

Hội thảo đầu bờ về mô hình canh tác ngô trên đất dốc ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu (Ảnh: Hoàng Chiên)

[i] FAO. 2012. Strengthening Effective Forest Governance Monitoring Practice, by A.J.van Bodegom, S.Wigboldus, A.G.Blundell, E.Harwe.

[ii] Pham, T.T., Brockhaus, M., Wong, G., Dung, L.N., Tjajadi, J.S., Loft, L., Luttrell C. and Assembe Mvondo, S. 2013 Approaches to benefit sharing: A preliminary comparative analysis of 13 REDD+ countries. Working Paper 108. CIFOR, Bogor, Indonesia, 2013.

[iii] Dịch học Hùng Việt. Nguyễn Quang Nhật, 2007.

[iv] Berkes, F., Colding, J., & Folke, C. (2000). Rediscovery of traditional ecological knowledge as adaptive management. Ecological Applications, 10(5), 1251-1262.

Nguyễn Đức Tố Lưu

CHIA SẺ