Tiến sĩ người Sán Chay bảo tồn cây thuốc quý

BVR&MT – Là người dân tộc Sán Chay đầu tiên bảo vệ thành công học vị tiến sĩ, PGS, TS Trần Văn Ơn, giảng viên Bộ môn Thực vật, Trường đại học Dược Hà Nội, đang miệt mài trên hành trình thực hiện niềm đam mê của mình – bảo tồn và phát triển cây thuốc quý, biến “nguồn quặng vàng” thiên nhiên thành sản phẩm chất lượng cao.

TS Trần Văn Ơn là người phát hiện cây dây thìa canh lá to – một cây thuốc trị tiểu đường. Ảnh: Phú Lương

Tiến sĩ Trần Văn Ơn sinh năm 1966, trong một gia đình mà ông nội và ông ngoại đều sở hữu những bài thuốc gia truyền quý của người Sán Chay ở xã Yên Ninh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Là một trong hai vị tiến sĩ về Bảo tồn tài nguyên cây thuốc hiện nay ở nước ta (người nữa là TS Nguyễn Văn Tập, từng công tác ở Viện Dược liệu), TS Trần Văn Ơn luôn có suy nghĩ, con người quay lại hòa nhập thiên nhiên cây cỏ sẽ là xu thế trong tương lai không xa. Những cây thuốc trong tự nhiên sẽ trở thành nguồn vốn quý quan trọng với sức khỏe con người.

Thành công đáng nể của nhà khoa học là khi ông thực hiện đề tài cấp Bộ “Sàng lọc các dược liệu có tác dụng điều trị đái tháo đường ở Việt Nam và nghiên cứu thành phần hóa học, độc tính, tác dụng hạ đường huyết của một số dược liệu điển hình”. Đề tài cho ra đời các sản phẩm hỗ trợ điều trị tiểu đường.

Trong số dược liệu làm nên sản phẩm này, cây dây thìa canh (Gymnema sylvestre), là một loại dược liệu quý mà Tiến sĩ Ơn đã tìm thấy và nghiên cứu để sản xuất ra sản phẩm có tác dụng hạ đường huyết, ổn định và kiểm soát đường huyết, giảm cholesterol, giúp cho bệnh nhân đái tháo đường kiểm soát đường huyết ở mức an toàn. Trong quá trình nghiên cứu, Tiến sĩ Ơn còn phát hiện cây dây thìa canh lá to (Gymnema latifolium), có tác dụng vượt trội và đặc biệt không có độc tính. Tiến sĩ Ơn đã khởi xướng trồng cây này ở nhiều địa phương, mở ra hướng mới trong phát triển cây dược liệu mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con người dân tộc Tày và một số dân tộc khác. Ông vừa trực tiếp nghiên cứu, vừa hướng dẫn kỹ thuật bà con nông dân trồng, phát triển vùng trồng. Với các sinh viên Bộ môn Thực vật, Trường đại học Dược Hà Nội, ấn tượng về người thầy của mình – TS Trần Văn Ơn là lòng yêu khoa học và làm khoa học một cách nghiêm túc.

Tiến sĩ Ơn cùng các học trò đã hỗ trợ bà con người dân tộc Ráy ở Bát Xát, Lào Cai thành lập công ty để tập trung trồng cây gừng tía (Zingiber montanum), tạo nguồn dược liệu và chiết xuất tinh dầu từ cây thuốc này. Đây là công ty do người nông dân làm chủ và trực tiếp sản xuất. Ở Thái Lan, Indonesia, tinh dầu gừng tía được đưa vào các sản phẩm mỹ phẩm, dầu xoa bóp giảm đau được người tiêu dùng ưa chuộng.