“Tiến sĩ Dương Xỉ”

BVR&MT – Đó là cái tên thường được gán với TS. Lữ Thị Ngân, vì tâm huyết, đam mê và những đóng góp của chị cho khoa học nghiên cứu về loài thực vật này.

Bằng những cống hiến không ngừng nghỉ của mình, đầu năm 2022, chị Ngân đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường vinh danh với Bằng khen dành cho cá nhân có nhiều đóng góp trong bảo tồn loài hoang dã giai đoạn 2010 – 2020 và Giải vinh danh cá nhân có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học năm 2021. TS. Lữ Thị Ngân đã dành cho chúng tôi đôi chút chia sẻ về hành trình đến với sự công nhận này.

PV:  Điều gì đã thôi thúc chị quyết định trở thành một nhà thực vật học?

TS. Lữ Thị Ngân: Tình yêu và sự gắn bó với thiên nhiên, cây cỏ từ tuổi ấu thơ đã thôi thúc tôi quyết định ghi danh vào Khoa Sinh, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong quá trình chọn hướng nghiên cứu cho khóa luận tốt nghiệp và luận văn thạc sĩ, tôi đã định hướng nghiên cứu về cây cỏ, cây thuốc của đồng bào dân tộc Thái tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An – mảnh đất quê hương mình. Từ đó, tôi có một mối gắn kết đặc biệt với cây cỏ, rừng xanh bằng nghề nghiệp của mình, biến ước mơ thuở bé trở thành hiện thực.

“Tôi chọn dương xỉ như một cái duyên từ thuở bé” – TS. Lữ Thị Ngân (Ảnh nhân vật cung cấp).

PV: Chị có thể chia sẻ những khó khăn trong quá trình nghiên cứu loài cây này không?

TS. Lữ Thị Ngân: Nghiên cứu về dương xỉ rất đặc thù do cây chỉ mọc ở núi cao, đá vôi hiểm trở cho nên quá trình thực địa, thu thập mẫu vật gặp rất nhiều khó khăn. Những ngày đầu mới ra trường, tôi tự đầu tư nghiên cứu, thu thập rất nhiều dương xỉ với đủ dạng hình hài khác nhau, hăm hở đem vào phòng nghiên cứu để rồi nhận ra chúng chỉ là một loài. Tôi cũng không nhớ đã phải leo qua bao nhiêu ngọn núi hiểm trở, cheo leo, băng qua bao khu rừng mà đến dân bản địa còn ngao ngán. Rất nhiều chuyến đi thực địa, người dân dẫn đường cũng phải bỏ cuộc vì leo rừng quá vất vả, chúng tôi gọi điện họ tắt máy… Nhưng so với niềm vui nghiên cứu, kết quả là các loài dương xỉ mới được phát hiện thì khó khăn không hề gì!

PV: Với tư cách là một nhà khoa học nữ, chị đánh giá ra sao về vai trò của phụ nữ trong công tác bảo tồn, nghiên cứu hiện nay?

TS. Lữ Thị Ngân: Nữ cũng như nam đều có vai trò như nhau trên mọi lĩnh vực của nghiên cứu cũng như trong công tác bảo tồn. Nhưng phụ nữ thiệt thòi hơn sau khi lập gia đình vì họ cần cân bằng giữa công việc và gia đình, con cái… Bên cạnh đó, phụ nữ sẽ vất vả hơn đôi chút, chẳng hạn như khi đi thực địa, nam họ là phái mạnh mà, sức khỏe hơn mình, chịu đựng những vất vả sẽ tốt hơn phụ nữ chứ.

PV: Chị đã có cơ hội theo học ở Đại học Thành Đô – Trung Quốc, theo chị, điều kiện nghiên cứu thực vật ở Việt Nam và nước ngoài có gì khác biệt?

TS. Lữ Thị Ngân: Nghiên cứu ở Việt Nam và nước ngoài có nhiều điểm khác nhau. Bên nước ngoài, kiến thức sinh học, khoa học được đào tạo, giáo dục rất bài bản từ lứa tuổi học sinh, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Đặc biệt, học sinh, nghiên cứu sinh được thực hành, thực địa rất nhiều. Khi tôi học ở Trường Đại học Khoa học hàn Lâm Trung Quốc, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, tôi quan sát thấy số lượng và nội dung công việc của một thạc sĩ bên đó rất nhiều. Họ đã tiếp cận từ rất sớm các phương pháp nghiên cứu hiện đại, mẫu vật nghiên cứu lớn do thường xuyên được đầu tư kinh phí đi thu thập mẫu, có nhiều phòng mẫu chuẩn trong nước để nghiên cứu cùng phòng thí nghiệm hiện đại. Hơn nữa, họ cũng có điều kiện nghiên cứu do được tiếp xúc nguồn tham khảo đa dạng từ các chuyên gia đầu ngành và công trình nghiên cứu lớn.

TS. Lữ Thị Ngân trong một chuyến thực địa nghiên cứu (Ảnh nhân vật cung cấp).

PV: Chị đánh giá như thế nào về tài nguyên thiên nhiên của chúng ta hiện nay, có khác gì so với xưa không?

TS. Lữ Thị Ngân: Câu thành ngữ “Rừng vàng biển bạc” thể hiện quan điểm của người xưa về thiên nhiên, chúng ta luôn luôn tự hào và ca ngợi sự phong phú, đa dạng về tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Sự đa dạng về thiên nhiên ấy cho đến nay vẫn đúng và đã được chứng minh bằng những con số, nghiên cứu khoa học. Cụ thể, nước ta là một trong 16 nước có đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển kinh tế xã hội thì tài nguyên đa dạng sinh học của Việt Nam đang trong tình trạng báo động. Con người đang tác động nghiêm trọng đến tự nhiên, đặc biệt khi chúng ta còn sống phụ thuộc quá nhiều vào việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên. Các cơ quan, tổ chức và các nhà khoa học đang nỗ lực rất nhiều để nghiên cứu, phát hiện thêm các loài mới cho khoa học, loài bổ sung cho Việt Nam để ghi nhận giá trị đa dạng sinh học nước nhà, đồng thời nỗ lực trong công tác bảo tồn loài nguy cấp, quý hiếm. Trong khi đó, vẫn còn các đối tượng buôn bán trái pháp luật ĐVHD, họ đáng bị lên án, bị pháp luật trừng trị.

TS. Lữ Thị Ngân vinh dự nhận Bằng khen của Bộ Tài nguyên Môi trường do có nhiều đóng góp trong bảo tồn loài hoang dã giai đoạn 2010 – 2020 (Ảnh: Thùy. Dung).

PV: Chị có lời nhắn nhủ gì tới các bạn trẻ đang theo đuổi ước mơ trở thành nhà thực vật học, nhà bảo tồn không?

TS. Lữ Thị Ngân: Ngành nghề nghiên cứu chưa bao giờ là dễ, là một nghề cần những ai có đam mê và quyết tâm thật sự để khi gặp khó khăn sẽ không bỏ cuộc. Nghiên cứu thực vật, đặc biệt là nấm, rêu, dương xỉ, địa y đang rất thiếu nhân lực trẻ, hy vọng các bạn trẻ đủ đam mê và can đảm để theo đuổi con đường này. Tất nhiên, nghề nào, nghiên cứu nào cũng sẽ gặp nhiều gian nan trong giai đoạn đầu khởi nghiệp. Nhưng khi các bạn tin vào chính mình, tin vào sự lựa chọn của bản thân thì khó khăn đến mấy cũng sẽ vượt qua thôi.

TS. Lữ Thị Ngân đang công tác tại Phòng sinh học thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Chị đã công bố 5 chi mới, 30 loài dương xỉ mới cho khoa học và 37 loài bổ sung cho hệ thực vật Việt Nam. Những bài báo của TS. Ngân về dương xỉ liên tiếp được đăng tải trên các tạp chí trong và ngoài nước, trong đó có những tạp chí quốc tế tên tuổi như Cladistics, Molecular Phylogenetics and Evolution, Taxon… Hiện tại, chị đang là chủ nhiệm một đề tài của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia (Nafosted) và một dự án bảo tồn của Quỹ Rufford (Vương quốc Anh). Tất cả các đề tài và dự án trên đều liên quan đến nhóm dương xỉ.