BVR&MT – Vaccine chính là giải pháp tối ưu phòng, chống dịch Covid-19. Nếu chậm trễ, không tranh thủ lúc giãn cách xã hội để tiêm vaccine thì “thời gian vàng” sẽ qua đi. Hiện, Hà Nội đang tăng tốc tối đa công suất tiêm vaccine, đặt mục tiêu đến ngày 15/9, 100% người dân đủ điều kiện tiêm chủng hoàn thành tiêm mũi 1.
Người dân phấn khởi khi được tiêm chủng
Hôm qua (9/9), tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội tiếp tục triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Cùng với các địa bàn khác, quận Thanh Xuân đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 để đảm bảo miễn dịch cộng đồng. Trong đợt tiêm thứ 12, quận tổ chức tiêm chủng ngay sau khi nhận được phân bổ vaccine; từ ngày 7 – 20/9 tùy theo tiến độ phân bổ vaccine của Sở Y tế Hà Nội.
Còn tại quận Đống Đa, bắt đầu từ 8 giờ ngày 9/9, quận bước vào đợt “thần tốc” mới trong tiêm vaccine cho người dân từ 18 tuổi trở lên và dự kiến hoàn thành trước ngày 12/9 với tổng là gần 86.000 liều vaccine. Thời gian tiêm trong ngày sẽ không hạn chế tại 22 điểm trên địa bàn quận, kể cả tiêm buổi tối để đảm bảo tiến độ theo quy định.
Có mặt tại điểm tiêm trường Tiểu học Trung Tự, bác Hoàng Thị Minh Thân cho biết: “Khi được phường gọi đi tiêm bản thân tôi rất vui, chờ đợi đã lâu, nay được gọi tên đi tiêm chủng. Hy vọng với sự quyết liệt của TP, Hà Nội sẽ sớm dập được đợt dịch lần này”. Trong khi đó, đang ngồi tại khu vực chờ, theo dõi sau tiêm, bác Nguyễn Thị Hữu – năm nay 65 tuổi chia sẻ: “Tôi rất mong được chính quyền cho tiêm vaccine bởi cũng đã có tuổi. Hôm nay theo giấy mời tôi ra đây để tiêm, thấy rất đông người dân đến tiêm nhưng công tác phục vụ rất chu đáo và sắp xếp khoa học, hợp lý. Tôi hy vọng người dân toàn TP sẽ sớm được tiêm đủ vaccine để có thể sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường”.
Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị trong sáng ngày 9/9 tại điểm tiêm trường Tiểu học Trung Tự (phường Trung Tự, quận Đống Đa) cho thấy, có rất đông người dân trên 65 tuổi đến tiêm vaccine. Ai nấy đều phấn khởi, hồ hởi khi đến tiêm chủng.
Trong khi đó, tại Hoàng Mai, Phó Chủ tịch UBND quận Trần Quý Thái cho biết, để tăng tốc chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, UBND quận đã xây dựng kế hoạch phân bổ và quyết liệt triển khai tiêm vaccine trên toàn địa bàn. Tại các điểm tiêm chủng cố định (trạm y tế, bệnh viện, cơ sở tiêm chủng dịch vụ, phòng khám đa khoa cả trong và ngoài công lập) và điểm tiêm chủng lưu động (đặt tại các trường học) trên địa bàn 14 phường đã triển khai tiêm ngay cho người dân khi tiếp nhận vaccine đảm bảo đúng tiến độ.
Vaccine về đến đâu, tiêm ngay đến đó
Số liệu về tiến độ tiêm chủng Covid-19 được ngành Y tế Hà Nội cập nhật liên tục trong tuần đầu của tháng 9 này cho thấy, số liều vaccine được tiêm hằng ngày đã tăng lên rõ rệt, nhất là trong những ngày qua. Ngày cao nhất, Hà Nội tiêm được 268.027 mũi, gấp hơn 3,5 lần so với ngày tiêm cao điểm trong tháng 8/2021 (hơn 72.000 mũi).
Tính đến sáng 9/9, Hà Nội đã tiếp nhận thêm 999.600 liều vaccine Vero Cell của Sinopharm, nâng tổng số vaccine phòng Covid-19 được Bộ Y tế phân bổ lên 4,3 triệu liều. Đến nay, TP đã tiêm được 2.888.643 mũi (số liệu tính đến cuối ngày 8/9), trong đó có 2.570.866 người đã tiêm mũi 1 và 317.777 người tiêm đủ 2 mũi, tương đương với gần 40% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vaccine phòng Covid-19.
Nếu tính thêm số liệu từ các viện, bệnh viện, đơn vị T.Ư trên địa bàn Hà Nội, đến nay có khoảng 3,7 triệu liều vaccine được tiêm. Tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên ở Hà Nội được tiêm vaccine hiện khoảng 55%
Để tăng tốc tiêm chủng, TP đã huy động toàn bộ lực lượng y tế công lập, tư nhân, các bộ, ngành T.Ư, huy động cả hệ thống chính trị xã hội và sự hỗ trợ của 11 tỉnh, TP lân cận. Để tăng công suất, Hà Nội còn tổ chức tiêm cả buổi tối, mở thêm điểm tiêm tại nhà văn hóa, trường học, các điểm tiêm tại các cơ sở y tế tư nhân… “Hà Nội nâng tổng số dây chuyền tiêm chủng của lên 1.500 (kế hoạch trước đó là 1.200 dây chuyền) và không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm, phát huy năng lực tối đa của các điểm tiêm chủng” – TS Trần Thị Nhị Hà – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết. Cũng theo TS Nhị Hà, việc tiêm chủng và xét nghiệm thần tốc giúp Hà Nội nhanh chóng có nhiều vùng xanh an toàn để người dân sớm trở về trạng thái bình thường mới. Hiện, vaccine về đến đâu, TP tổ chức tiêm ngay đến đó, giảm tối đa mọi thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân được tiêm chủng nhanh nhất, an toàn nhất.
Vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất
Tình hình dịch Covid–19 vẫn đang diễn biến phức tạp, mong muốn cấp bách hiện tại của người dân là được tiêm vaccine phòng Covid-19 sớm nhất có thể. Tuy nhiên, trước thông tin Hà Nội vừa được phân bổ gần 1 triệu liều vaccine Sinofarm, một số người dân vẫn còn e dè.
Còn nhớ, khi vaccine AstraZeneca mới về Việt Nam, rất nhiều thông tin trái chiều được đưa ra bàn luận trên các trang mạng xã hội. Thậm chí, nhiều thông tin bất lợi xung quanh các phản ứng phụ sau tiêm… khiến người dân trở nên nghi ngại. Tâm lý lo lắng và mong được tiêm vaccine tốt là điều hoàn toàn hợp lý và chính đáng. Tuy nhiên, trong trường hợp cấp bách với hơn 10.000 ca nhiễm trên cả nước mỗi ngày như hiện nay thì không nên chờ đợi. “Ai cũng muốn chờ vaccine được cho là tốt nhất, nhưng virus thì không chờ một ai, chúng lây lan với tốc độ cấp số nhân. Nếu chần chừ tiêm chủng, rủi ro có thể đến với bất kỳ ai” – bác sĩ Nguyễn Chiến – chuyên gia dịch tễ cho biết.
Cũng theo bác sĩ Chiến, các loại vaccine Covid-19 tác động theo những cách khác nhau để tạo ra khả năng bảo vệ cơ thể. Nhưng tất cả các loại vaccine này đều giúp cơ thể phát triển khả năng miễn dịch, chống lại virus gây bệnh. Vaccine là vũ khí giảm số ca tử vong và mắc Covid-19 nghiêm trọng. “Khi đã có vaccine trong tay, dù là vaccine gì khi đã được WHO và Bộ Y tế thẩm định, kiểm định đạt chất lượng, người dân cần ủng hộ và sẵn sàng tiêm phòng để cuộc sống sớm được trở lại bình thường mới. Trên thực tế, đã có rất nhiều người từ chối tiêm vaccine khi đến lượt được ưu tiên và tính mạng bị đe dọa khi nhiễm bệnh”, bác sĩ Chiến nhấn mạnh.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, các vaccine phòng Covid-19 được cấp phép đưa vào sử dụng tại Việt Nam đều đã tiến hành kiểm định theo quy trình nghiêm ngặt. Do đó, trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, người dân nên tiêm ngay khi có vaccine, bởi “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”.
CDC Hà Nội cũng đề nghị, tại các đơn vị triển khai tiêm chủng phải xây dựng kế hoạch tiêm chủng hợp lý, bảo đảm sử dụng vaccine hiệu quả, tránh hao phí. Tại mỗi điểm tiêm chủng chỉ tiêm một loại vaccine ở cùng một thời điểm để tránh thắc mắc, bảo đảm công bằng, minh bạch cho đối tượng được tiêm.
Đến thời điểm hiện nay, có 6 loại vaccine phòng Covid-19 đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam: 1. Vaccine AstraZeneca 2. Vaccine Gam-Covid-Vac (tên khác là SPUTNIK V) 3. Vaccine Vero Cell của Sinopharm 4. Vaccine Comirnaty của Pfizer/BioNTech 5. Vaccine Spikevax (Tên khác là: Covid-19 Vaccine Moderna) 6. COVID-19 Vaccine Janssen |