Tiềm năng phát triển Nho Hạ đen tại miền Bắc

BVR&MT – Ngày 11/9, Đại học Nông Lâm Bắc Giang đã tổ chức lễ đón nhận bằng bảo hộ và công bố lưu hành giống Nho Hạ đen. Đến tham dự có bà Trần Thị Hòa – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Đại diện sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bắc Giang, sở Khoa học và công nghệ Bắc Giang, các lãnh đạo nhà trường đại học Nông Lâm Bắc Giang, các doanh nghiệp gia ứng dụng trồng cây Nho Hạ đen.

Lễ đón nhận bằng bảo hộ và công bố lưu hành giống Nho Hạ đen tại Đại học Nông Lâm Bắc Giang.

Báo cáo đánh giá tiềm năng phát triển giống Nho Hạ đen tại miền Bắc

Ông Phùng Duy Hiếu – Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và Chuyển giao Công nghệ Nông lâm nghiệp – Đại học Nông Lâm Bắc Giang cho biết: Cây nho là một trong những cây ăn quả có giá trị dinh dưỡng cao và hiệu quả kinh tế cao được trồng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Cây nho được du nhập vào Việt nam từ khoảng năm 1970 và được trồng từ Bắc Bình Thuận đến Nam Khánh Hòa. Ở miền Bắc nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nho tươi lớn, nhưng chưa hình thành các vùng sản xuất.

Nho là loại cây trồng có những yêu cầu tương đối khắt khe về khí hậu, độ ẩm không khí và lượng mưa. Ở miền Bắc việc trồng nho là rất khó vì có độ ẩm cao, khi độ ẩm cao sẽ phát sinh rất nhiều bệnh cho cây nho, khi mưa nhiều gây úng thủy thì bộ rễ của cây nho dễ bị thối và chết dần.

Mong muốn đưa cây nho trồng được ở Miền Bắc thành một loại cây trồng nông nghiệp mang lại giá trị kinh tế. Các nhà khoa học Đại học Nông Lâm Bắc Giang đã tìm hiểu và nghiên cứu để khắc phục những điều kiện bất lợi của cây nho.

Nhà trường đã thực hiện nghiên cứu đối với giống Nho Hạ đen trong nhà trường thời điểm tháng 2/2018 gần được 1 năm cây phát triển tốt. Nho Hạ đen ra hoa sau khi chấm mềm 10 ngày; sau 3,4 ngày xử lý giãn chùm hoa bằng giberelin; Chùm được kéo dài bằng giberenlin sau 7, 10 ngày. Xử lý giberelin giúp quả to và tạo quả không hạt.

Nho Hạ đen đã trồng tại 8 tỉnh phía Bắc

Từ nghiên cứu thực nghiệm tại trường trong thời gian từ tháng 3/2017 đến tháng 12/2018. Đến tháng 3/2019, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đồng ý cho trồng thử nghiệm Nho Hạ đen ra 8 tỉnh phía Bắc gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Sơn La, Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Giang với quy mô 5 ha.

Trong điều kiện nước ta nắng và mưa nhiều rất thuận lợi cho cây trồng phát triển nhưng đây cũng là điều kiện cho sâu bệnh hại phát triển. Được biết, nho khá mẫn cảm với một số sâu bệnh thường gặp như bọ trĩ, sâu xanh da láng, sương mai, gỉ sắt, phấn trắng, thán thư.

Với kỹ thuật được sử dụng tiên tiến nhất, cùng với độ thích nghi của cây nho, với biện pháp căng giàn ngang và giàn hình chữ Y theo dọc luống. Bên trên làm vòm mái che bằng nilon, sử dụng dây thép để cố định khung vòm mái che và căng các hàng dây cho nho leo, các loại dây thép sử dụng để căng giàn đều là thép không gỉ. Để tiết kiệm chi phí công lao động đồng thời giữ ẩm cho đất, các nhà khoa học đã sử dụng bạt che toàn bộ phần gốc bên dưới và áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt để tưới nước và bón phân.

Ông Phùng Duy Hiếu khẳng định: Qua thực tiễn nghiên cứu thử nghiệm và đánh giá trong thời gian qua. Có thể nhận định cây Nho Hạ đen sinh trưởng phát triển tốt trên điều kiện sinh thái khác nhau ở các tỉnh miền Bắc, Cây cho năng suất cao trung bình 16 tấn/ha/năm, đánh giá trong thời gian nghiên cứu cây Nho Hạ đen cho hiệu quả kinh tế cao so với các cây trồng khác.

Đánh giá cao những nghiên cứu và ứng dụng của các nhà khoa học trường đại học Nông Lâm Bắc Giang trong thời gian qua, đặc biệt là ứng dụng vào hoạt động sản xuất và nghiên cứu giống Nho Hạ đen trên các tỉnh miền Bắc, bà Trần Thị Hòa – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: Kết quả của giống Nho Hạ đen là công sức, trí tuệ của các nhà khoa học, các thầy cô của trường đại học Nông Lâm Bắc Giang. Ban lãnh đạo nhà trường đã đánh giá được tầm quan trọng của công sức, tâm sức của các thầy cô với các sản phẩm nông lâm nghiệp khi đăng ký bảo hộ sản phẩm trí tuệ. Mong rằng nhà trường sẽ quan tâm hơn nữa vào việc nghiên cứu ứng dụng các giống cây trồng và sản xuất và có nhiều sản phẩm được bảo hộ trí tuệ.

PGS.TS Nguyễn Quang Hà – Hiệu trưởng Đại học Nông Lâm Bắc Giang.

Thay mặt nhà trường và nhóm nghiên cứu giống Nho Hạ đen trên các tỉnh miền Bắc trong thời gian qua, PGS.TS  Nguyễn Quang Hà – Hiệu trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang cho biết: Lễ đón nhận bằng bảo hộ Nho Hạ đen là sự kiện quan trọng đáng vui đáng mừng của nhà trường trong hành trình chuyển giao một giống cây đang rất mới thành quen thuộc hơn với người nông dân tỉnh Bắc Giang và một số tỉnh phía Bắc. Đạt được những kết quả như hiện nay, lãnh đạo nhà trường đánh giá cao các nhà nghiên cứu, các đối tác hợp tác cùng thực hiện.

Nhận định đây là những thành công ban đầu, trong cuộc hành trình nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất. PGS.TS  Nguyễn Quang Hà đề nghị nhóm nghiên cứu giống cây Nho Hạ đen trong thời gian tới hết sức cẩn trọng nghiên cứu, đặc biệt là lai tạo giống, sản xuất giống, quy trình công nghệ chăm sóc, sản xuất chế phẩm sinh học đảm bảo sạch phù hợp. Để giống Nho Hạ đen được khẳng định là một giống cây trồng hiệu quả về các mặt kỹ thuật, công nghệ và thị trường tiêu thụ là cả một quá trình phía trước.

Văn Trì – Quỳnh Anh