Thủy điện Pak Beng sẽ nhấn chìm bản sắc của cộng đồng địa phương

Chính phủ Lào đang chuẩn bị cho việc xây dựng đập thủy điện Pak Beng trên dòng chính sông Mê Kông, phía Tây Bắc của đất nước, bất chấp các quan ngại từ chính cộng đồng cư dân xung quanh khu vực dự án.
Nụ cười bừng sáng đã biến mất trên khuôn mặt những người dân tại Luangtong, một ngôi làng nhỏ thuộc tỉnh Oudomxay, phía Tây Bắc Lào. Những ngày này, người dân cảm thấy thất vọng và choáng váng khi biết rằng, chẳng bao lâu nữa, mảnh đất quê hương của bao nhiêu thế hệ sẽ bị nhấn chìm trong biển nước, phía sau con đập Pak Beng.
Đập Pak Beng khi hoàn thiện sẽ làm tăng mực nước ở thượng nguồn, tạo nên một hồ chức nước lớn và sau đó, nước được chuyển đến tua-bin và tạo ra điện năng. (Ảnh: Datang)
Luangtong có khoảng 370 hộ gia đình sinh sống ven sông Mê Kông, bao quanh là những vách đá dựng đứng và những khu rừng nguyên sinh. Những ngôi nhà gỗ nằm rải rác trên những cánh đồng màu mỡ giữa núi và con sông, nơi người dân trồng rau và cây ăn trái.
Phong cảnh như tranh vẽ và lối sống truyền thống đó sẽ biến mất vĩnh viễn, thay vào đó là hồ chứa nước của con đập thủy điện mới cách vài km về phía hạ lưu được chính phủ Lào dự kiến xây dựng với với vốn đầu tư của Trung Quốc.
Phó Trưởng làng Pheb Santitham (64 tuổi) bày tỏ: “Chúng tôi không muốn rời khỏi vùng đất của tổ tiên. Chúng tôi muốn ở đây. Đây là quê hương của biết bao nhiêu thế hệ. Mọi thứ chúng tôi cần đều ở đây, thực phẩm từ đồng lúa, vườn cây ăn quả, và những con sông. Chúng tôi không biết bắt đầu lại mọi thứ như thế nào trên vùng đất mới, trong khi phần lớn người dân ở đây là người già và trẻ nhỏ.”
Luangtong là một ngôi làng bình yên từ bao năm nay. Để duy trì cuộc sống hàng ngày, người dân canh tác nông nghiệp quy mô nhỏ bên bờ sông, chăn thả gia súc và bắt cá trên sông. Phần lớn các trang thiết bị đều được người dân làm thủ công và họ không cần điện.
Tất nhiên, chính phủ cũng đã hứa hẹn cấp cho người dân những ngôi nhà mới tiện nghi hơn với đủ điện nước và hệ thống giao thông tiện lợi. Thế nhưng, những thứ đó không thể nào bù đắp được sự mất đi lối sống truyền thống cũng như khả năng tự cung, tự cấp của người dân nơi đây.
Phó thôn Pheb bày tỏ sự lo lắng khi sẽ phải mua thực phẩm ở nơi ở mới, điều mà người dân không hề quen. Điều gì xảy ra khi họ tiêu hết số tiền bồi thường? Cũng theo bà, những người sẽ phải chịu ảnh hưởng không hề được tham gia vào quá trình ra quyết định của dự án.
Những người già sử dụng thời gian rảnh để đan nồi hấp cơm truyền thống từ tre. (Ảnh: Visarut Samkham)
Công ty xây dựng Thủy điện Datang Pak Beng, một chi nhánh của Công ty China Datang Overseas Investment, đã khẳng định trong báo cáo được công bố trên website của Ủy hội sông Mê Kông (MRC), rằng tất cả người dân bị ảnh hưởng từ việc xây dựng con đập sẽ nhận được sự quan tâm tốt nhất. Theo báo cáo, con đập sẽ tác động tới 26 ngôi làng tại Lào, trong đó, 6 ngôi làng sẽ tái định cư trong khu vực. Một số khác, bao gồm Luangtong, sẽ phải chuyển đi khá xa.
Cũng theo báo cáo, 63 hộ dân bị ảnh hưởng ở Luangtong sẽ được đền bù và hưởng lợi từ chương trình tái định cư, đồng thời nhấn mạnh rằng cộng đồng sẽ được đảm bảo tham gia vào quá trình tham vấn, quy hoạch và thiết kế các khu định cư. Đồng thời, một kế hoạch phục hồi sinh kế sẽ được thực hiện nhằm hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng chuyển từ lối sống tự cung tự cấp sang định hướng thị trường.
Công ty này hứa hẹn sẽ giúp những người bị ảnh hưởng có nơi ở mới tại khu tái định cư, với diện tích thổ cư 600m2/hộ và diện tích canh tác 200m2. Những người lựa chọn không thay đổi chỗ ở sẽ được nhận toàn bộ số tiền bồi thường và có thể tái định cư ở một nơi khác.
Cách 14 km về phía tây thành phố Pak Beng, một máy kéo trên công trường đang làm đường và chuẩn bị cho các hoạt động xây dựng đập trong năm tới. (Ảnh: Visarut Samkham)
Mặc dù những hứa hẹn trên giấy rất hay, người dân không hề cảm thấy thuyết phục. Họ lo ngại rằng kế hoạch tái định cư này đã lỗi thời và không dành cho tất cả mọi người. Và có thể họ đúng. Phó thôn cho biết, chính quyền địa phương và các công ty xây dựng đã thực hiện một cuộc khảo sát tại ngôi làng từ 2 năm trước. Tuy nhiên, một số gia đình dân tộc thiểu số Khmu không được đề cập trong kế hoạch dù đang định cư trong làng.
Gia đình anh Jeng, thuộc nhóm dân tộc Khmu, vừa chuyển tới định cư tại Luangtong vào khoảng 2 năm trước cùng vợ và 3 đứa con để lũ trẻ có thể tới trường và gia đình có một cuộc sống tốt hơn. Anh cho biết, nếu chính phủ xây dựng con đập và ngôi làng không còn nữa, gia đình anh sẽ không rời khỏi đây mà chỉ dời nhà lên vị trí cao hơn.
Theo GS. Chainarong Sretthachau (Đại học Maha Sarakham), câu chuyện tại Luangtong không chỉ xảy ra tại Lào, mà còn ở Thái Lan và những nơi mà quyền cộng đồng không được tôn trọng đúng mức.

GS. Chainarong khẳng định, “nhiều quốc gia đang phát triển đang bỏ qua quyền cộng đồng, một tiêu chuẩn quốc tế, và hi sinh lợi ích của các nhóm thiểu số vì lợi ích kinh tế của đa số… Đây là cách phát triển hoàn toàn sai lầm bởi chỉ có thể dẫn đến chênh lệch giầu nghèo và bất công xã hội”.

Theo GS, đập Pak Beng sẽ không chỉ ảnh hưởng tới người dân tại 26 ngôi làng được nhắc tới trong báo cáo của Datang, mà còn ảnh hưởng tới sinh kế của hàng triệu người đang phụ thuộc vào con sông Mê Kông. Ông kêu gọi những người chịu trách nhiệm trong dự án cân nhắc và cho phép tất cả các bên liên quan cùng đưa ra quyết định.
Là công trình thứ 3 trong chuỗi 11 dự án thủy điện dự kiến xây dựng trên hạ lưu vực Mê Kông, tiếp sau Xayaburi và Don Sahong, dự án thủy điện Pak Beng là con đập dâng (run-off-river) với công suất 912 megawatts (MW). 90% nguồn năng lượng từ con đập sẽ được bán cho Thái Lan. Hiện, dự án đang trong quá trình Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận (PNPCA) và dự kiến sẽ khởi công trong năm tới. Đường xá và các cơ sở vật chất cần thiết cho việc xây đập đang được tiến hành. Dự kiến, con đập sẽ được hoàn thành sau 7 năm xây dựng. Khi đó, hồ chứa sẽ có thể tích khoảng 780 triệu m3 nước, nhấn chìm 97km phía thượng nguồn tính từ con đập, ảnh hưởng tới 26 ngôi làng tại Lào và có thể thêm 2 ngôi làng thuộc tỉnh Chiang Rai, Thái Lan. Theo kế hoạch hiện tại, người dân sẽ phải di dời hoặc tái định cư trước năm thứ tư hoặc thứ năm của dự án. Ước tính, tổng chi phí bồi thường cho dự án rơi vào khoảng 8,58 tỷ USD.
Ảnh: Một người đàn ông trở về nhà với chiến lợi phẩm từ con sông. (Ảnh: Visarut Samkham)
Đức Anh/Mekong Eye
CHIA SẺ