Thương vụ Việt Nam tại Australia lưu ý các nguy cơ về gian lận thương mại khi giao dịch quốc tế

BVR&MT – Gian lận thương mại là hành vi sử dụng mánh khóe, lừa đảo trong lĩnh vực thương mại thông qua hoạt động mua, bán, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thu lợi bất chính.

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Australia Nguyễn Phú Hòa tại một hội chợ triển lãm quảng bá các sản phẩm của Việt Nam tại Australia. Ảnh: TTXVN phát

Trong bối cảnh thương mại quốc tế tiềm ẩn nhiều rủi ro về gian lận và nguy cơ lừa đảo, các doanh nghiệp Việt Nam cần được trang bị đầy đủ thông tin và kỹ năng nghiệp vụ cần thiết để có thể tránh các rủi ro và tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh cũng như hoạt động thành công tại các thị trường nước ngoài, trong đó có Australia.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Sydney liên quan đến những rủi ro trong thương mại quốc tế đã xảy ra tại một số thị trường, ông Nguyễn Phú Hòa – Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Australia – cho biết tại Australia cũng xảy ra một số trường hợp nhà nhập khẩu không thanh toán, hoặc thanh toán không đủ, cho nhà xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian gần đây Thương vụ không thấy xảy ra tình trạng lừa đảo quy mô lớn.

Về các giải pháp mà Thương vụ Việt Nam tại Australia đưa ra để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Phú Hòa cho biết tùy theo từng trường hợp, Thương vụ đưa ra đề xuất để doanh nghiệp quyết định. Thứ nhất, nếu đó là nhà nhập khẩu nhỏ, thanh toán chậm, mặt hàng không để lâu được, Thương vụ đề nghị kiên quyết thu lại hàng hóa, có thể bán cho đơn vị khác để thu hồi vốn. Thứ hai, đối với những nhà nhập khẩu vẫn có thể liên lạc được và nhận thấy có thiện chí, Thương vụ sẽ phân tích để nhà nhập khẩu hợp tác vì lợi ích lâu dài. Thứ ba, đối với các trường hợp khi trao đổi, thấy có dấu hiệu né tránh, Thương vụ đề nghị doanh nghiệp Việt Nam tham khảo ý kiến và làm việc với luật sư ngay. Quy trình sẽ là tiến hành điều tra trước khi khởi kiện do chi phí khởi kiện rất tốn kém và phải xác định khả năng thu hồi, đặc biệt là các doanh nghiệp bỏ trốn hoặc khai báo phá sản.

Qua một số vụ việc diễn ra tại địa bàn cũng như những bài học rút ra từ các hành vi gian lận thương mại tại một số nước, Tham tán Nguyễn Phú Hòa đã đưa ra một số khuyến cáo cho doanh nghiệp.

Một là, tại Australia, việc kiện tụng khá tốn kém. Do vậy, trước khi ký hợp đồng, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ, cố gắng tránh để xảy ra tranh chấp, kiện cáo. Nếu cần thiết, trước khi ký hợp đồng, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đề nghị Thương vụ xác minh về đối tác. Đối với các hợp đồng lớn, cần phải có kỹ năng chuyên môn để nghiên cứu, xem xét kỹ về đối tác. Nếu cần thiết, phải mua các thông tin có liên quan và làm việc với luật sư tại Australia và Thương vụ sẽ phối hợp hỗ trợ.

Hai là, Australia có loại thị thực (visa) dành cho người nước ngoài tạm trú và đầu tư kinh doanh, có loại hình với số vốn kinh doanh không phải là lớn, nên nếu hợp tác, nhất là doanh nghiệp nhỏ lẻ, cần phải hết sức chặt chẽ ngay từ đầu.

Ba là, đối với việc thu hồi nợ, doanh nghiệp cần có bộ phận theo dõi sát sao, tránh tình trạng mong muốn có hợp đồng lớn hơn mà nợ chồng nợ.

Bốn là, Thương vụ có hệ thống luật sư hỗ trợ, giúp đỡ, vì vậy nếu doanh nghiệp nào cần có thể liên hệ. Những bước tư vấn ban đầu sẽ được luật sư miễn phí theo cam kết với Thương vụ.

Năm là, tại Australia, việc thành lập các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp rất đơn giản, tên gọi cũng dễ đặt. Khác với Việt Nam, các hiệp hội có ràng buộc chặt chẽ và có mạng lưới hội viên đông đảo. Do vậy, không chỉ trong hợp tác kinh doanh mà trong việc thực hiện các xúc tiến thương mại, đầu tư, các doanh nghiệp cần chọn đối tác thực chất để tránh tốn kém mà không mang lại hiệu quả.

Sáu là, ở chiều ngược lại, nếu nhà xuất khẩu Việt Nam không cam kết đúng hợp đồng, không giữ chữ tín, Thương vụ cũng sẽ giúp nhà nhập khẩu Australia đòi lại công bằng.