Thung lũng Ba Khan (Hòa Bình): Viên ngọc quý bị lãng quên

BVR&MT – Nằm giữa 2 điểm du lịch nổi tiếng Mai Châu và Mộc Châu, khoác lên mình vẻ hoang sơ, thơ mộng hiếm có nhưng do đường đèo Thung Khe quanh năm bao phủ bởi mây mù mà Ba Khan trở thành nơi đang dần bị lãng quên.

Thung lũng Ba Khan được đèo Thung Khe và núi non trùng điệp ôm trọn vào lòng. Nhìn từ trên cao chỉ thấy Ba Khan mờ ảo, huyền bí trong làn mây mù. Một bên là vách đá sừng sững, một bên là dòng sông Đà xanh biếc uốn lượn qua những hòn đảo nhấp nhô. Cảnh sắc hiện lên tựa như bức tranh sơn thủy hữu tình.

Ba Khan là vùng đất nằm ở phía Đông Bắc của huyện Mai Châu, được bao phủ bởi những ngọn đồi núi trùng điệp. Đường dẫn đến Ba Khan phải trải qua đường đèo Thung Khe quanh năm mây mù che phủ. Chính vì thế cho đến nay, dù được khai thác nhất định thì thung lũng Ba Khan vẫn giữ nguyên cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ rất riêng.

Ba Khan là tên gọi cũ của xã miền núi thuộc huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình), gồm ba xóm Khan Thượng, Khan Hạ, Khan Hò. Năm 2020, Ba Khan cùng các xã Phúc Sạn, Tân Mai sáp nhập thành xã Sơn Thủy. Tuy nhiên, cái tên Ba Khan luôn đọng lại trong tâm trí của nhiều người với hình ảnh về một vùng đất còn nguyên vẻ hoang sơ và những bản Mường yên bình…

Thung lũng Ba Khan vẫn giữ nguyên cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ rất riêng.

Theo con đường nhỏ ngoằn ngoèo chạy dưới những bụi tre, vầu nghiêng mình trong nắng, du khách được tận mắt ngắm nhìn những ngôi nhà sàn đặc trưng của người Mường ẩn mình sau những nương ngô xanh rì hay vườn cây đầy hoa trái. Người dân nơi đây chủ yếu dựa vào nông nghiệp để phát triển kinh tế. Mặc dù nằm cạnh con sông Đà, Thủy điện Hòa Bình và nguồn nước suối tự nhiên nhưng bà con nơi đây không lựa chọn việc nuôi cá làm kinh tế chủ lực. Tâm sự với chúng tôi, họ đều lắc đầu bảo rằng: “Kinh tế thiếu thốn, kinh nghiệm không có và hơn hết chỉ ở khu Mai Châu người ta nuôi nhiều lắm rồi. Nới đây còn ít người đến lắm”. Tôi nghĩ, con đường vào cũng không quá khó khăn, thậm chí nó còn đẹp và thơ mộng bởi vẫn giữ được nét nguyên sơ và những phong tục đậm nét của người dân tộc Mường. Nhưng có lẽ do dãy núi Thung Khe kia quá hùng vĩ, nó đã che lấp đi một nàng thơ e ấp và rồi khiến du khách lỡ may phát hiện mảnh đất này thì cũng sẽ muốn trở lại lần hai.

Chỉ có một con đường thẳng dẫn tới đồi Tây – ngọn đồi hình bát úp nằm ở cuối làng. Đường lên đỉnh đồi chỉ khoảng 1km nhưng khá dốc. Bù lại, lên đến nơi là một khung cảnh nên thơ như một thiên đường bị quên lãng. Từ đây, chúng tôi có thể thu vào tầm mắt khung cảnh lòng hồ Hòa Bình đẹp như bức tranh thủy mặc. Những ngọn núi nhô lên giữa mặt nước mênh mông khiến người ta liên tưởng đến những chú rồng nhỏ đang uốn mình lặn ngụp. Những dãy núi trùng điệp xếp thành từng lớp xa – gần, nhuộm mình tím thẫm trong ráng chiều..

Đến đây điều có lẽ khiến chung tôi thấy thoải mái nhất chính là khí hậu. Do điều kiện địa hình và vị trí địa lý nên khí hậu ở Ba Khan mang những nét đặc trưng của 4 mùa trong một ngày. Sáng sớm, Ba Khan hiện lên mờ ảo dưới lớp sương trời dày đặc. Thời tiết se se lạnh, mây giăng kín lối, phủ kín rừng, bao quanh khắp triền đồi núi và che phủ những con đường quanh co uốn lượn. Nán lại đến trưa, khi sương đã tan hết và mây cũng cao hơn, không gian dần trở nên rõ nét hơn. Theo ánh nắng, những ngọn núi hùng vĩ hiện lên ngay trước mắt. Những căn bếp nghi ngút khói mang theo chút hương vị quê nhà. Quanh quẩn vùng đất Ba Khan, nắng buông những giọt cuối cùng trên vạt lau, ánh lên thứ màu vàng đầy khắc khoải, những gợn sương trắng chỉ còn len lỏi trong khe sâu hay khuất sau đỉnh núi cao chót vót. Hoàng hôn đến, bầu trời trở nên cao và trong hơn. Toàn bộ cảnh sắc non nước hữu tình hiện lên một cách rõ ràng, trong vắt. Giữa lòng hồ, nhũng hòn núi nhấp nhô khiến nơi đây giống như một vịnh Hạ Long thu nhỏ. Khi mặt trời buông xuống sau núi cũng là Ba Khan khoác lên mình vẻ đẹp diễm lệ. Những ráng mây vàng ruộm, hồng đỏ đẹp đến mức chẳng một góc hình nào có thể thể hiện được.

Món thịt lợn muối chua ăn tha hồ tốn cơm. Chưa kể còn có món măng chua nấu thịt gà, béo mà không ngấy hoặc món xôi nếp nướng vừa ngọt lại thơm.

Con người cũng như cảnh sắc nơi đây vậy. Họ nhẹ nhàng, e ấp như một nàng thơ trong những bộ váy truyền thống nhưng cũng rất mạnh mẽ, gan góc để lao động, cày quốc trên từng vách đồi cao ngất. Họ không ngần ngại để chia sẻ về những nét văn hóa, nguồn thực phẩm dồi dào tạo nên món đặc sản trứ danh. Những món ăn như cá nướng, cơm lam, thịt lợn muối chua, xôi nếp nương, măng chua nấu thịt gà, thịt trâu lá lồm, rượu cần,…đã dần trở nên quen thuộc với du khách mà mỗi lần đến đều phải trải nghiệm.

Theo chia sẻ của anh Gia Huy – quản lý của một khu resost cho biết: “Du khách sử dụng bữa tối sẽ đặt trước để đảm bảo nguồn thực phẩm được tươi nhất. Người dân ở xã Ba Khan không nuôi cá nhưng các xã lân cận nuôi rất nhiều loại và chất lượng đảm bảo. Cá nướng 9 tiếng thông qua tẩm ướp những gia vị riêng của người Thái vì thế nên có hương vị độc đáo và lạ miệng trở thành món ăn nổi tiếng ở đây”. Không chỉ dừng lại ở đấy, du khách còn được đắm chìm trong những tiếng khèn điệu múa của các cô gái, chàng trai lâng lâng trong men rượu cần.

Đêm ca nhạc của người dân tộc Mường, Thái chắc chắn sẽ là một trai nghiệm thú vị với du khách.

Bên cạnh đó, bạn còn có thể khám phá thác nước Gò Lao hùng vĩ ẩn sâu trong rừng trúc xanh rì. Dòng chảy mãnh liệt như sức sống của tự nhiên. Làn nước ào ào tuy mạnh mẽ trút xuống nhưng sự nối tiếp liên tục lại tạo nên cảm giác mượt mà như dải lụa. Có lẽ chính sự “nhu – cương hòa hợp” này đã khiến du khách luôn muốn đến đây một lần để ngắm nhìn và lắng nghe âm thanh của tự nhiên.

Đến Ba Khan du khách như được đắm chìm trong thế giới của thiên nhiên, của núi rừng Tây Bắc, được cảm nhận sự bình yên và chân chất đến từ con người nơi đây. Nó khiến chúng tôi quên đi cái mùi khói ngột ngạt của phố thị, quên đi nhưng muộn phiền của của sống để tận hưởng, để si mê với viên ngọc quý đang bị lãng quên.

Hà Linh