Thúc đẩy tài chính bền vững giúp giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp

BVR&MT – Biến đổi khí hậu không chỉ tác động lên các cộng đồng và xã hội mà còn là một rủi ro đối với các tổ chức tài chính. Do đó, các tổ chức tài chính cần phải tính đến các tác động cũng như những rủi ro hoặc cơ hội từ biến đổi khí hậu trong quá trình đánh giá và quyết định hạng mục đầu tư.

Ngành tài chính đóng một vai trò quan trọng trọng việc chuyển đổi nền kinh tế sang mô hình phát triển các-bon thấp thông qua từ chối đầu tư vào các hoạt động không bền vững. Đặc biệt đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, các tổ chức tài chính, các ngân hàng chính là chìa khóa để thúc đẩy quá trình chuyển đổi này bằng cách áp dụng chặt chẽ các chính sách đánh giá tác động môi trường và xã hội trong đầu tư, đồng thời phân bổ nguồn vốn cho các hoạt động bền vững.

Trên đây là thông tin được bà Naomin Tan, Quản lý chương trình Tài chính Bền vững của WWF-Singapore chia sẻ trước thềm Hội thảo “Tài chính Bền vững về Khí hậu và Năng lượng” diễn ra vào sáng nay (29/3) – tin từ WWF.

Cũng theo bà Naomin Tan, mặc dù Việt Nam đã có những chính sách và quy định nhằm thúc đẩy tài chính bền vững, song việc thực thi các chính sách này vẫn chưa thực sự tốt. Thời gian tới, WWF sẽ hợp tác với các ngân hàng, hiệp hội và các đối tác trong việc thúc đẩy thực hiện tài chính bền vững tại Việt Nam thông qua các hoạt động tăng cường năng lực, xây dựng các công cụ và hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động ngân hàng.

Bên cạnh việc trao đổi về xu hướng chuyển dịch nền kinh tế phát triển các-bon thấp trên thế giới, kinh nghiệm trong đánh giá rủi ro các dự án đầu tư về môi trường và xã hội, các sản phẩm cho vay bền vững cũng như các khó khăn và cơ hội khi áp dụng tài chính bền vững, Hội thảo còn tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến năng lượng bền vững. Theo báo cáo “Kịch bản bền vững cho ngành điện Việt Nam – Tầm nhìn đến năm 2050” của WWF và Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam, tới năm 2050, năng lượng tái tạo có thể đáp ứng 100% nhu cầu điện của Việt Nam, đồng thời giảm được đáng kể lượng khí thải các-bon độc hại có liên quan tới biến đổi khí hậu.

Đầu tư vào năng lượng tái tạo có thể là lĩnh vực ngành ngân hàng quan tâm đầu tư đầu tiên, giúp loại bỏ dần sự hiện diện của các nhà máy nhiệt điện than dự kiến chiếm tới 53% trong tổng sản lượng điện của Việt Nam vào năm 2030.

PV