Thúc đẩy quản trị rừng và thương mại gỗ hợp pháp thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam

BVR&MT – Sáng ngày 25/8, Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững (SRD) đã phối hợp với Tổng Cục lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổ chức Diễn đàn giám sát Quản trị rừng và Thương mại gỗ bền vững lần thứ Tư thông qua hình thức trực tuyến.

Toàn cảnh các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến. (Ảnh chụp từ màn hình).

Bà Vũ Thị Bích Hợp, Giám đốc SRD cho biết: Đây là một trong những hoạt động thường niên được tổ chức hàng năm từ năm 2018, nhằm thúc đẩy hiệu quả sự tham gia của các tổ chức xã hội vào giám sát quản trị rừng và theo dõi việc thực hiện Hiệp định Đối tác tự nguyện thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (VPA FLEGT) và đặc biệt trong bối cảnh, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực tròn một năm (từ ngày 01 tháng 8 năm 2020).

Bà Vũ Thị Bích Hợp, Giám đốc SRD, phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến.

Bên cạnh đó, đây cũng là sự kiện để SRD tổng kết và báo cáo kết quả hoạt động năm Thứ nhất của Dự án do EU tài trợ từ 9/2020 đến tháng 8/2021. Có thể nói hai Hiệp định VPA và EVFTA đã tạo ra cơ hội rất lớn và thực sự mang ý nghĩa về “sự tham gia” cho các tổ chức xã hội (TCXH). Lần đầu tiên hai Hiệp định đã tạo ra cơ chế để các tổ chức xã hội được tham gia vào cơ chế đa bên, theo dõi việc thực hiện hai Hiệp định và đưa ra các ý kiến với quan điểm khách quan, cũng như phản ánh các vấn đề thực tế từ các nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương như các cộng đồng nghèo sống phụ thuộc vào rừng, cộng đồng dân tộc thiểu số, các hộ trồng rừng quy mô nhỏ lẻ, các doanh nghiệp vi mô chế biến gỗ, phụ nữ và trẻ em tham gia trong chuỗi cung ứng gỗ…

Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến đóng góp  từ các Chuyên gia và Nhà Quản lý đứng đầu trong lĩnh vực lâm nghiệp. Tham gia trình bày tại Hội nghị, GS.TS. Nguyễn Bá Ngãi, đại diện Hội Chủ rừng Việt Nam cũng công bố những kết quả nghiên cứu của mình khi bàn về vấn đề mức độ đánh giá yêu cầu của Hiệp định EVFTA về gỗ tại Việt Nam. Ông cho biết, hiện cả nước có 463.695 ha rừng được cấp chứng chỉ và phê duyệt PA QLBVR chiếm 12,5% tổng diện tích rừng trồng sản xuất (FSC: 196.721 ha tại 28 tỉnh với 36 đơn vị, nhóm hộ gia đình, phương án quản lý bảo vệ rừng được phê duyệt: 266.974 ha tại 24 địa phương). Như vậy, dựa vào số liệu trên có thể thấy mức độ đáp ứng đánh giá yêu cầu của Hiệp định EVFTA về gỗ được khai thác từ những khu rừng có PA QLBVR ở nước ta còn rất hạn chế, diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững là quá thấp so với yêu cầu. Đây là vấn đề cần nhiều nỗ lực khi diện tích rừng trồng sản xuất của các hộ gia đình chiếm tỷ trọng cao nhưng không yêu cầu xây dựng PA QLBVR.

Thêm nữa, kết quả nghiên cứu dựa trên thực tiễn cho biết, gỗ rừng trồng sản xuất không đủ cung ứng cho chế biến. Cụ thể, năm 2020, đạt mốc 20,5 triệu M3. Sản lượng gỗ khai thác đáp ứng 65 – 70% cho chế biến, chủ yếu là gỗ nhỏ. Tỷ lệ gỗ đưa vào chế biến các sản phẩm như ván ghép thanh, đồ gỗ xuất khẩu bình quân trên 50% sản lượng khai thác. Tại một số địa phương, tỷ lệ này rất thấp xuống 25% còn lại cung ứng cho các nhà máy sản xuất bột giấy, băm dăm xuất khẩu. Gỗ khai thác từ rừng trồng hiện nay không đáp ứng đủ nhu cầu về số lượng cũng như chất lượng. Thách thức đặt ra là nếu không có giải pháp đột phá thì gỗ rừng trồng sản xuất vẫn không đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho chế biến vào năm 2025 và 2030.

Gỗ rừng trồng sản xuất chưa đáp ứng đủ yêu cầu về gỗ hợp pháp 

Gỗ được khai thác từ rừng trồng sản xuất của các Công ty Lâm nghiệp cơ bản đáp ứng yêu cầu gỗ hợp pháp, trong khi bảo đảm gỗ hợp pháp của hộ gia đình còn hạn chế bởi liên quan đến quyền sử dụng đất hiện nay. Đây là một trong những vấn đề tồn tại nhiều nhất và cũng được xem như một điểm tắc nghẽn quan trọng cần tháo gỡ về đảm bảo tính hợp pháp của gỗ được khai thác từ 1.874. 659 ha rừng trồng sản xuất của hộ gia đình.

Loài cây của các rừng trồng sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu về đa dạng sinh học. Bởi, người dân vẫn chủ yếu trồng keo, diện tích keo theo tính toán là 80%, số lượng cây bạch đàn và cây bản địa lại rất thấp. Cùng với đó, trên 90% diện tích trồng sản xuất là thuần loài, đều tuổi; dưới 10% rừng trồng hỗn giao 2 loài, chu kỳ kinh doanh ngắn (5- 10 năm). Rừng trồng của các hộ gia đình chủ yếu xử lý thực bì phát, đốt.

Tuy nhiên…

Trong 3.691. 240 ha là rừng trồng sản xuất, có 489.016,8 ha rừng trồng gỗ lớn chiếm 13%, trong đó có 126.175 ha rừng trồng chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn. Rừng trồng sản xuất ngày càng đáp ứng giảm phát thải khí nhà kính được quy định trong Hiệp đinh EVFTA bằng việc không chuyển rừng tự nhiên sang rừng trồng theo phương thức cải tạo rừng tự nhiên. Mặt khác, trữ lượng gỗ rừng trồng tăng nhanh, diện tích trồng gỗ lớn với chu kì kinh doanh dài đang được mở rộng. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy rừng trồng sản xuất đang góp phần tăng khả năng hấp thụ và lưu giữ cacbon phần nào chống lại được tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu.

Đứng trước những tồn tại như vậy, ông Ngãi cũng khuyến nghị một số giải pháp rõ ràng nhằm khắc phục, hoàn thiện như phía Nhà nước, cần có nhiều chính sách hỗ trợ trồng rừng thâm canh, tăng năng suất rừng trồng tập trung; hỗ trợ chuyển hóa rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn và trồng rừng gỗ lớn. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng nên tạo điều kiện cho vay lãi suất thấp, thậm chí là không lãi suất cho các hộ trồng rừng để họ yên tâm mở rộng diện tích trồng trọt. Chính sách hỗ trợ kinh phí cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đối với rừng trồng gỗ lớn với mức cao hơn tại Quyết định số 38/ 2016/ QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ…

Để đạt được hiệu quả hơn nữa, cần phát triển mô hình tổ chức sản xuất tổ, nhóm, các hợp tác xã lâm nghiệp, các doanh nghiệp cộng đồng. Hình thành các mô hình liên doanh, liên kết giữa các hộ trồng rừng sản xuất tập trung với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu. Đổi mới hoạt động của Công ty Lâm nghiệp, tăng cường việc giao đất cho các hộ nông dân và doanh nghiệp để có đất trồng rừng. Phía các cấp lãnh đạo cần tập trung cho hai đột phá lớn về giống và rừng trồng thâm canh như: sử dụng các loại giống năng suất cao, đầu tư thâm canh cho các khâu rừng, chăm sóc, tỉa thưa rừng, kéo dài chu kỳ kinh doanh từ 5 – 7 năm lên trên 10 năm. Sau nữa, chọn một số loài cây giống bản địa để trồng rừng gỗ lớn vừa để tăng năng suất rừng, vừa là để thay thế dần các lầm phần keo sau chu kỳ thứ 3 đang thoái hóa giúp quản lý rừng bền vững…

Quỳnh Anh (Phóng viên Tạp chí tham dự Hội nghị và đưa tin)

LTS: Bài viết chỉ ghi nhận một phần nội dung nổi bật trong các tham luận báo cáo của các chuyên gia tại Diễn đàn. Ngoài ra, còn có sự tham gia báo cáo của TS. Đoàn Diễm (thành viên Viện Quản lý rừng bền vững & chứng chỉ rừng) về vấn đề tuân thủ pháp luật môi trường và xã hội của các doanh nghiệp nghành gỗ hướng tới đáp ứng các quy định của Hiệp định EVFTA.