Thừa Thiên Huế: Tác động của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

BVR&MT – Với nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng, từ năm 2011 đến nay, đặc biệt là thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), sau 7 năm thực hiện Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Ảnh minh họa.

Tổng tiền DVMTR thu được đến nay là 152,038 tỷ đồng, chi trả cho các chủ rừng quản lý, bảo vệ gần 156.000 ha rừng/283.000 ha rừng của tỉnh, chiếm trên 55%, góp phần giữ vững độ che phủ rừng của tỉnh đồng thời tạo thêm nhiều công ăn việc làm, đem lại thu nhập đáng kể cho hàng ngàn lao động vùng nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh.

Phần lớn chủ rừng là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ học vấn còn hạn chế, nhiều hộ gia đình không biết chữ nên việc sử dụng tiền DVMTR là vấn đề khó khăn, nhận biết được việc đó Quỹ luôn đề cao công tác kiểm tra giám sát để giúp người dân sử dụng tiền hiệu quả, đúng mục đích. Trong bối cảnh đang còn “thiếu vắng” hệ thống giám sát, đánh giá trong chi trả DVMTR ở các địa phương trên cả nước, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng và triển khai thực hiện bộ biểu mẫu giám sát, đánh giá trong chi trả DVMTR đối với các chủ rừng là tổ chức, là cộng đồng, nhóm hộ, đồng thời lồng ứng dụng công nghệ thông tin (WebGIS) vào hệ thống giám sát, đánh giá nhằm phát huy tính công bằng, minh bạch, hiệu quả và kịp thời.

Quỹ đã thực hiện nhiều cuộc kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tiền chi trả DVMTR của các chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ. Qua đó, đã kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc quản lý, sử dụng tiền DVMTR của các chủ rừng.

Bên cạnh đó, Quỹ đã chủ động ứng dụng công nghệ GIS và viễn thám trong công tác theo dõi diễn biến tài nguyên rừng cung ứng DVMTR, giúp công tác nghiệm thu, giám sát được thuận lợi, đảm bảo tính khách quan, minh bạch, tiết kiệm được chi phí, thời gian và công sức.

Công tác thu chi luôn được đơn vị chú trọng, đặc biệt tính hiệu quả minh bạch, an toàn, chính vì vậy ngay từ những ngày đầu chi trả (năm 2014) đơn vị đã chủ động chi thí điểm qua tài khoản đối với các cộng đồng. Sau đánh giá tính hiệu quả đơn vị đã nhân rộng công tác chi trả qua tài khoản cho tất cả các đối tượng chủ rừng, trừ hộ gia đính, tính đến nay số tiền được chi trả qua tài khoản của đơn vị lên đến 96%.

Ngoài ra chính sách tác động rất lớn đến các đối tượng:

Đối với hoạt động quản lý nhà nước

Chính sách chi trả DVMTR là chính sách đúng đắn nên nhận được sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền các cấp. Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm có thêm chức năng, nhiệm vụ là đầu mối đánh giá nghiệm thu kết quả bảo vệ rừng của các chủ rừng, làm thay đổi cách nhìn nhận của người dân vào lực lượng này một cách tích cự hơn, ngoài công tác quản lý bảo vệ rừng, thực thi lâm luật còn có trách nhiệm hỗ trợ dân trong công tác thực hiện chính sách chi trả DVMTR giúp gần nhau hơn. Hạt kiểm lâm huyện giữ vai trò đầu mối trong việc thực hiện Chính sách chi trả DVMTR đối với chủ rừng là hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng.

Đối với các đơn vị sử dụng DVMTR

Đã nâng cao hơn trách nhiệm thực thi chính sách cho các đơn vị sử dụng DVMTR. Từ đó, việc kê khai và nộp tiền chi trả DVMTR của các cơ sở thủy điện và nước sạch đã được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Thiết lập được mối quan hệ chặt chẽ với bên cung ứng dịch vụ thông qua đơn vị ủy thác là Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh và thông qua các hoạt động truyền thông, kiểm tra, giám sát kết quả chi trả DVMTR.

Đối với các chủ rừng

Đã góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập cho hàng ngàn hộ gia đình là đồng bào miền núi vùng cao và quản lý, bảo vệ trên 55% diện tích rừng của tỉnh, giữ vững độ che phủ rừng, giúp cho việc quản lý bảo vệ rừng của tỉnh được hiệu quả hơn, nhất là 32.000 ha rừng giao cho cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình quản lý. Với nguồn kinh phí ổn định hàng năm từ chi trả DVMTR đã giúp cho các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng tăng cường thêm lực lượng quản lý bảo vệ rừng. Đã có 148 người được tham gia lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách theo Quyết định số 44/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, các đơn vị cũng đã tăng cường tổ chức giao khoán cho các cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình, cá nhân quản lý, bảo vệ rừng cung ứng DVMTR. Đã có 05 cộng đồng thôn, 35 nhóm hộ và 148 hộ gia đình, cá nhân được ký hợp đồng nhận khoán quản lý bảo vệ rừng, phần lớn trong số đó là người dân địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này đã nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng đồng thời tạo thêm công ăn việc làm, cải thiện thu nhập cho các hộ dân sống ven rừng. Chi trả DVMTR đã tạo cơ hội gắn kết các chủ rừng là hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng dân cư thôn, bản với chính quyền và các tổ chức nhà nước về lâm nghiệp, các đơn vị sử dụng DVMTR, nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng và cải thiện đời sống cho cộng đồng.

Hiện có hơn 4.682 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân tham gia quản lý bảo vệ rừng được thụ hưởng tiền DVMTR, tập trung chủ yếu là bà con đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 197 chủ rừng là hộ gia đình và 4.485 hộ gia đình, cá nhân là thành viên của 276 Ban quản lý rừng cộng đồng, nhóm hộ. Tổng số tiền chi trả DVMTR năm 2017 cho các chủ rừng là hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng là 6.880.136.200 đồng, bình quân mỗi hộ gia đình nhận được 1.467.000 đồng.

Tiền DVMTR đã được các chủ rừng sử dụng đúng mục đích, đúng quy định, đặc biệt là các cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình đã sử dụng tiền chi trả chủ yếu để chi cho hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, trong đó tập trung là chi hỗ trợ hoạt động tuần tra, canh gác rừng, mức chi phổ biến từ 100.000 – 150.000đ/ngày đi tuần tra rừng. Nhờ vậy, đã tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của cộng đồng. Thông qua thực hiện chính sách DVMTR, có thể khẳng định, rừng giao cho người dân quản lý đã có chủ thực sự.

Bên cạnh đó, một số cộng đồng thôn ở huyện Phong Điền, A Lưới đã trích một phần tiền DVMTR để cho các thành viên trong thôn vay vốn phát triển sinh kế hộ gia đình.Trung bình mức cho vay là 2 -3 triệu đồng, với thời hạn vay là 1-2 năm và mức lãi suất thấp hơn lãi suất của ngân hàng thương mại. Tiền vay để mua giống phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, kiên cố hóa chuồng trại chăn nuôi gia súc. Nhìn chung, các hộ gia đình khi thực hiện vay vốn đều phải viết đơn xin vay vốn và có xác nhận của Ban quản lý nhóm, cộng đồng.

Trần Quốc Cảnh – Phó Giám đốc Quỹ BVPTR Thừa Thiên Huế