Thừa Thiên – Huế hạn chế thiệt hại do mưa lớn bất thường

BVR&MT – Mưa lớn bất thường những ngày đầu tháng 5/2022, khiến hàng nghìn ha lúa Đông Xuân sắp thu hoạch tại tỉnh Thừa Thiên – Huế bị ảnh hưởng và đổ ngã, có nguy cơ mất trắng.

Nhiều diện tích bị đổ ngã khi sắp đến ngày thu hoạch.

Do vậy, ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế đang tích cực triển khai các giải pháp tiêu úng, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch nhằm hạn chế tối đa thiệt hại.

Đối mặt với khó khăn

Vụ Đông Xuân năm nay, gia đình ông Lê Đức Phúc, phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy sản xuất 8 sào lúa. Mưa gió trong những ngày qua đã làm ngã đổ gần như toàn bộ diện tích lúa của gia đình ông. Nhìn đồng lúa ngã rạp nằm sát đất, ông Phúc thở dài chán nản bởi hiện nay lúa vừa chắc hạt, khoảng mười ngày nữa sẽ đến kỳ thu hoạch dự kiến năng suất khoảng 4 tạ/sào. Nhưng thời tiết bất lợi, số diện tích lúa bị ngã đổ này sản lượng sẽ giảm từ 70- 80% và công gặt cũng đắt hơn nhiều do phải gặt tay. Hy vọng, các cấp chính quyền quan tâm, có giải pháp hỗ trợ phân bón và giống để người nông dân tái sản xuất vụ Hè Thu.

Ảnh hưởng từ đợt không khí lạnh, kèm theo mưa to gió mạnh trong những ngày qua đã khiến nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế bị thiệt hại nặng nề, nhất là tại các địa phương vùng đồng bằng thấp trũng, đầm phá ven biển.

Ông Lê Viết Hòa, phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy cho biết, đợt lũ đầu tháng 4 gia đình có 4 sào lúa đang thời kỳ trổ bông bị ngập úng tử đòng; đến đợt này lại có thêm 10 sào bị ngã đổ. Vụ lúa này coi như mất trắng, chưa kể tiền giống và phân bón đã đầu tư. Chưa có năm nào bà con nông dân phải đối diện với khó khăn như năm nay.

Hợp tác xã Nông nghiệp Thuận Hòa, xã Hương Phong, thành phố Huế có hơn 35 ha lúa bị đổ ngã do mưa lớn trên tổng số 145 ha lúa Đông Xuân. Tranh thủ trời tạnh mưa nhiều bà con xã viên đã ra đồng vớt lúa, bó thành từng bụi để lúa không bị úng hay nảy mầm, chờ đến ngày gặt.

Ông Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thuận Hòa cho biết, vụ Đông Xuân năm nay, bà con trong hợp tác xã gặp quá nhiều khó khăn, đợt mưa lũ trái mùa đầu tháng 4 đã có 60 ha lúa bị ngập úng, đến nay lại có hơn 35 ha lúa chuẩn bị thu hoạch bị đổ ngã; ảnh hưởng đến năng suất và tăng chi phí trong sản xuất. Ước tính thiệt hại khoảng từ 25 – 30% sản lượng so với mọi năm. Hiện hợp tác xã huy đang đông máy bơm hết công suất, quyết tâm trong 3 – 5 ngày tới tiêu úng toàn bộ diện tích để đưa máy gặt xuống đồng, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho bà con nông dân.

Vụ Đông Xuân 2021-2022, toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đưa vào gieo cấy hơn 28.100 ha lúa. Hiện nay, cây lúa đang trong giai đoạn chắc xanh và chín, diện tích đã thu hoạch đạt khoảng 1.200 ha. Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thừa Thiên – Huế, mưa lớn những ngày qua đã khiến gần 8.000 ha lúa bị đổ ngã, gây thiệt hại nặng; trong đó, tập trung nhiều nhất ở huyện Phú Vang với 1.800 ha, Phong Điền 1.500 ha, thị xã Hương Thủy 1.350 ha, thành phố Huế 1.200 ha.

Trước đó, đợt mưa từ ngày 31/3 đến ngày 3/4 cũng khiến hơn 20.800 ha diện tích lúa toàn tỉnh bị ngập úng; trong đó, ước tính diện tích bị ảnh hưởng trên 70% khoảng 17.700 ha, diện tích bị ảnh hưởng từ 30 – 70% là trên 3.000 ha. Diện tích ngập úng các lại cây trồng khác khoảng hơn 2.300ha.

Hạn chế thiệt hại

Để hạn chế tối đa thiệt hại cho bà con nông dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã chỉ đạo các địa phương huy động tối đa nhân lực, vật lực để tiêu úng thoát nước nhanh diện tích lúa đang bị ngập úng, không để ruộng lúa bị ngâm nước nhiều ngày.

Việc này giúp hạn chế lúa bị mọc mầm và các nấm gây bệnh như đạo ôn cổ bông, lem lép hạt, khô vằn phát sinh gây hại nặng ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng gạo. Đối với diện tích lúa đã chín ở nơi cao đẩy nhanh tiến độ thu hoạch khi thời tiết tạnh ráo.

Ông Lê Văn Anh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thừa Thiên – Huế khuyến cáo bà con nông dân, đối với diện tích lúa giai đoạn trổ chín đến đỏ đuôi, có tỷ lệ hạt chín trên bông trên 85% cần tiến hành thu hoạch sớm, với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”để hạn chế thiệt hại.

Đối với diện tích lúa giai đoạn chắc xanh, sau khi tháo cạn nước trong ruộng cần tiến hành dựng lúa bằng cách túm 3-5 gốc lúa lại với nhau bằng sợi nilon nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lúa vào chắc và chín.

Sau khi thời tiết tạnh ráo tiến hành phun bổ sung phân bón lá siêu kali để cây lúa nhanh chóng phục hồi và thúc đẩy lúa trổ thoát; tăng cường kiểm tra các đối tượng sinh vật gây hại như bệnh lem lép hạt, khô vằn, rầy nâu…để chỉ đạo phun trừ kịp thời, hạn chế thiệt hại, nhất là trên diện tích lúa bị ngập úng, đổ ngã.

Bên cạnh đó, các địa phương huy động tối đa công suất của các loại máy gặt để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa đã chín khi thời tiết tạnh ráo; sử dụng các loại máy cày lớn để cày lật đất ngay sau khi thu hoạch để gieo cấy vụ Hè Thu 2022 kịp thời vụ; hướng dẫn, tập huấn các biện pháp kỹ thuật xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học ngay trên đồng ruộng nhằm hạn chế đốt rơm rạ, bảo vệ môi trường.

Do ảnh hưởng của thiên tai, Thừa Thiên – Huế đã có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Thủ tướng Chính phủ, quan tâm hỗ trợ tỉnh 1.500 tấn giống lúa, 10 tấn hạt giống rau và 5 tấn giống ngô để phục sản xuất.

“Chúng tôi mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị cung ứng giống, sớm tạm ứng giống cho các địa phương, để kịp thời sản xuất vụ Hè Thu 2022 đảm bảo khung thời vụ”, ông Lê Văn Anh cho biết thêm.