Thừa Thiên Huế: Đánh giá ảnh hưởng của các nhân tố sinh thái đến phân bổ các loại mây nước trong rừng tự nhiên ở Huyện A Lưới

Tóm tắt – Mục tiêu của nghiên cứu là tích hợp các lớp nhân tố sinh thái ảnh hưởng đến phân bố thông qua mô hình sinh thái dựa trên cơ sở GIS để xác định vùng phù hợp Mây nước mỡ và Mây nước nghé dưới tán rừng tự nhiên ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nghiên cứu đã sử dụng phương pháp phân tích thứ bậc AHP (Analytic Hierarchy Process) để xác định trọng số của các nhân tố ảnh hưởng đến phân bố của từng loài Mây nước. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có khoảng 53.566,6 ha, chiếm 43,7 % tổng diện tích tự nhiên được xác định là vùng phân chung cho hai loài mây. Vùng phù hợp chung cho hai loài Mây nước mỡ và Mây nước nghé tập trung ở đai cao dưới 700 mét so với mực nước biển. Diện tích được đánh giá có Mây nước mỡ và Mây nước nghé phân bố riêng biệt tương ứng lần lượt là 51.223,0 ha (41,8 %) và 66.013,8 ha (26,1%).

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

A Lưới là một huyện miền núi của tỉnh thừa Thiên Huế, có tổng diện tích tự nhiên 122.521,5 ha với khoảng 70 % tổng diện tích là rừng tự nhiên, phần lớn diện tích rừng tự nhiên đã được ghi nhận là nơi phân bố của các loài song Mây. Mây mọc trong rừng tự nhiên ở huyện A Lưới rất phong phú về chủng loại, là một trong những bộ phận quan trọng của hệ sinh thái rừng tự nhiên. Mây là nguồn thu nhập sau cây gỗ của cộng đồng các dân tộc thiểu số Tà ôi và Pa cô. Mây mọc trong rừng tự nhiên chỉ được người dân quan tâm đến khai thác mà chưa chú ý đến bảo tồn và sử dụng bền vững. Trong số các loài Mây có mặt dưới tán rừng tự nhiên ở huyện A Lưới, có hai loài Mây nước, đó là Mây nước mỡ (Daemonorops poilanei J.Dransf) và Mây nước nghé (D.jenkinsiana Mart) có giá trị kinh tế và bảo tồn cao, đã và đang được khai thác để bán nguyên liệu thô trên thị trường. Điều này, dẫn đến tình trạng trữ lượng Mây trong các khu rừng tự nhiên ở huyện A Lưới giảm đi nhanh chóng, gây ảnh hưởng đến sinh kế của người dân sống phụ thuộc vào song Mây và ảnh hưởng đến phát triển bền vững cây Mây dưới tán rừng tự nhiên.

Qua kết quả điều tra trên thực địa cho thấy, sự biến động trữ lượng và phân bố các loài Mây có liên quan mật thiết với thảm thực vật rừng che phủ, nguồn nước và địa hình khu vực. Hiện tại, vẫn chưa có thông tin chính xác về sự phù hợp và thực trạng vùng phân bố của hai loài Mây nước này dưới tán rừng tự nhiên, nên rất khó khăn trong việc phát triển, quản lý, lập kế hoạch khai thác sử dụng Mây hợp lý. Để có kế hoạch phát triển và quản lý rừng Mây bền vững dưới tán rừng tự nhiên trên địa bàn huyện A Lưới, nhu cầu xác định chính xác vùng thích hợp phân bố cho loài Mây nước là rất cần thiết. Hiện nay, ứng dụng tư liệu ảnh viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong nghiên cứu vùng thích hợp các loài thực vật, trong đó có các loài Mây đã và đang được các nhà khoa học quan tâm. Phương pháp phân tích thứ bậc AHP cũng được nhiều các nhà khoa học áp dụng để xác định mức độ quan trọng và tầm ảnh hưởng của từng nhân tố sinh thái đến sự vùng thích hợp phân bố của từng loài Mây nước. Các lớp nhân tố ảnh hưởng đến phân bố của các loài Mây nước, có thể được tích hợp thông qua mô hình sinh thái trong GIS để xác định vùng thích hợp cho phân bố của các loài Mây nước dưới tán rừng tự nhiên là hướng tiếp cận mới, đảm bảo độ tin cậy mong muốn. Kết quả của nghiên cứu không chỉ giúp cho các nhà quản lý lâm nghiệp biết được chính xác vùng phân bố của các loài Mây nước, mà còn góp phần vào công tác quản lý và lập kế hoạch khai thác, sử dụng, phát triển các loài Mây nước dưới tán rừng tự nhiên bền vững, nâng cao thu nhập của người dân địa phương ở huyện A Lưới trong tương lai.

II. VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Vật liệu nghiên cứu

Dữ liệu không gian : i) Bản đồ ranh giới hành chính huyện A Lưới, ii) bản đồ kiểm kê tài nguyên rừng năm 2016,iii) bản đồ địa hình, iv) bản đồ hệ thống thủy văn và v) tư liệu ảnh vệ tinh Landsat 8 OLI tháng 9 năm 2017.

Dữ liệu thuộc tính : Thông tin về độ tàn che, tầng thứ của các thảm thực vật rừng và thông tin yêu cầu về mặt sinh thái của hai Mây nước mỡ (Daemonorops poilanei J.Dransf) và Mây nước nghé (D.jenkinsiana Mart).

2. Phương pháp nghiên cứu

a. Xác định các nhân tố sinh thái và các chỉ tiêu đến phân bố các loài Mây nước

Sử dụng kỹ thuật GIS và phương pháp phân tích thứ bậc AHP để đánh giá các nhân tố sinh thái ảnh hưởng đến phân bố và xác định vùng thích hợp cho phân bố của từng loài Mây nước mỡ và Mây nước nghé dưới tán rừng tự nhiên theo trình tự các bước sau:

Bước 1. Xác định các nhân tố sinh thái và các chỉ tiêu ảnh hưởng đến vùng thích hợp cho phân bố của từng loài Mây nước: Phân bố và sự biến động về mật độ Mây có liên quan khá rõ nét với thảm thực vật che phủ, địa hình và nguồn nước. Trên cơ sở căn cứ yêu cầu sinh thái của từng loài Mây, nghiên cứu đã xác định các chỉ tiêu của từng nhân tố sinh thái ảnh hưởng đến phân bố cho từng loài Mây nước.

Bước 2. Xác định trọng số và điểm thích hợp của các nhân tố sinh thái ảnh hưởng đến phân bố của từng loài Mây nước. Vai trò và tầm quan trọng của 4 nhân tố sinh thái lựa chọn (thảm thực vật rừng, độ cao tuyệt đối, độ dốc và tiếp cận nguồn nước được xác định dựa trên cơ sở so sánh giữa các chỉ tiêu của từng nhân tố sinh thái với yêu cầu về mặt sinh thái và môi trường sống của từng loài Mây nước. Thực tế cho thấy, vai trò và tầm quan trọng của các nhân tố sinh thái ảnh hưởng đến phân bố các loài Mây nước là hoàn toàn khác nhau. Nên việc xác định trọng số tương ứng cho mỗi nhân tố sinh thái là rất cần thiết. Để xác định trọng số của các nhân tố sinh thái, nghiên cứu đã sử dụng phương pháp phân tích thứ bậc AHP (Analytic Hierarchy Process) của Saaty, năm 2000 kết hợp với việc tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn địa phương thông qua ma trận so sánh cặp đôi tương quan giữa các nhân tố sinh thái lựa chọn.

Bước 3. Xây dựng cơ sở dữ liệu nghiên cứu: Xây dựng dữ liệu lớp dữ liệu thảm thực vật rừng che phủ: Ảnh Landsat 8 OLI tháng 9 năm 2017 được chọn để phân tích và tách các lớp thảm thực vật rừng tự nhiên. Trước khi tiến hành phân phân loại, đã thực hiện nắn chỉnh ảnh để đưa về hệ thống tọa độ quy chuẩn VN2000 ở múi chiếu 3 độ và trộn 6 kênh có độ phân giải không gian 30 m (kênh 2,3,4,5,6 và 7) với kênh toàn sắc có độ phân giải 15 m (kênh 8), chọn kênh và vùng nghiên cứu. Sử dụng kết quả phân loại không có sự giám sát ISODATA, kết quả phân tích chỉ số thực vật NDVI, cùng với dữ liệu thứ cấp và số liệu điều tra trên thực địa để chọn mẫu phân loại. Nghiên cứu đã sử dụng thuật toán Maximum Likelihood để phân loại thảm thực vật rừng.

Phương pháp lấy mẫu ngoại nghiệp để đánh giá độ chính xác phân loại ảnh : Nghiên cứu đã sử dụng 300 mẫu đánh giá ngẫu nhiên, tối thiểu mỗi thảm thực vật rừng sử dụng 50 mẫu. Tuyến khảo sát để chọn mẫu đánh giá và xác định vùng phân bố các loài Mây nước được thiết kế đi qua các thảm thực vật rừng có độ tàn che khác nhau. Vị trí mẫu đánh giá và điều tra vùng phân Mây được xác định dưới sự hỗ trợ của thiết bị định vị toàn cầu GPS.

Đánh giá độ chính xác của phân loại trên ảnh Landsat 8 được thực hiện theo phương pháp mô tả của Congalton [3, 4], dựa trên cơ sở mẫu đánh giá thông qua ma trận sai số, mẫu đánh giá được chọn theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên. Thủ tục phân loại ảnh được phân tích và xử lý thông qua phần mềm ENVI.

Xây dựng lớp dữ liệu đai cao và độ dốc: Lớp đai cao và độ dốc ảnh hưởng đến phân bố hai loài Mây nước mỡ và Mây nước nghé được xây dựng từ mô hình số độ cao (DEM) bằng phần mềm 3D Analyst và Spatial Analyst.

Xây dựng lớp dữ liệu tiếp cận nguồn nước: Lớp tiếp cận nguồn nước được xây dựng từ công cụ buffer có sẵn trong phần mềm chuyên dụng GIS. Sử dụng phần mềm ArcGIS để nội suy và tính toán khoảng cách tiếp cận nguồn nước tương ứng với các mức độ ảnh hưởng của nó đến phân bố các loài Mây.

Bước 4. Xây dựng bản đồ phân bố cho từng loài Mây nước sẽ được xây dựng dựa trên cơ sở các phép tính phân tích không gian và thuộc tính trong phần mềm chuyên dụng GIS. Sau khi xác định trọng số của các lớp bản đồ nhân tố sinh thái và chỉ tiêu ảnh hưởng đến phân bố của từng loài Mây. Các lớp được tích hợp từng bước trong GIS thông qua mô hình sinh thái dựa trên cơ sở GIS theo phương trình:
Trong đó:
SI : Chỉ số vùng thích hợp phân bố cho từng loài Mây nước.
Wj : Trọng số chỉ mức độ quan trọng của nhân tố sinh thái thứ j
Rij: Điểm thích hợp cho từng loài Mây của lớp thứ i trong nhân tố sinh thái và môi trường thứ j.
n: Số lượng các nhân tố sinh thái và môi trường được xem xét cho mục tiêu xác định vùng phân bố cho từng loài Mây.
Cj là giá trị giới hạn của nhân tố sinh thái thứ j cho từng loài Mây nước và nhận giá trị giới hạn bằng 0.

Bước 5. Xây dựng bản đồ vùng thích hợp phân bố chung cho các loài Mây nước :
Để xây dựng bản đồ vùng thích hợp cho phân bố chung cho các loài Mây, hai bản đồ thích hợp vùng phân bố cho hai loài Mây thương mại được chồng lên nhau để nhận đề nghị cuối cùng cho phân bố của từng loài.

Trình tự các bước tích hợp các lớp dữ liệu ảnh hưởng đến phân bố các loài Mây nước thông qua mô hình sinh thái dựa trên cơ sở GIS được thể hiện ở hình 1.

Hình 1. Mô hình dựa trên cơ sở GIS để xác định vùng thích hợp phân bố các loài Mây nước.

III. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

1. Đánh giá ảnh hưởng nhân tố sinh thái và môi trường đến phân bố các loài Mây nước

a. Nhân tố thảm thực vật rừng

Thực tế ở vùng nghiên cứu cho thấy, mức độ phong phú và phân bố các loài Mây nước thường có quan hệ chặt chẽ với độ tàn che của thảm thực vật rừng. Hai loài Mây nước phân bố chủ yếu ở những khu rừng đã bị tác động có độ tàn che từ 0,3-0,5 và ở những khu rừng ít bị tác động có độ tàn che > 0,7 hầu như không thấy sự xuất hiện hai loài Mây này. Lớp dữ liệu thảm thực vật rừng được thiết lập dựa trên cơ sở sử dụng phương pháp phân loại có sự giám sát (Maximum Likelihood) trên tư liệu ảnh Landsat 8 OPI tháng 9 năm 2017. Phân loại ảnh ban đầu được phân ra làm 35 lớp, rồi sau đó được hợp nhất lại thành 5 dạng thảm thực vật rừng che phủ chính. (Đã tổng hợp được bảng ảnh hưởng của nhân tố thảm thực vật rừng che phủ đến phân bố các loài Mây nước).

Kết quả đánh giá độ chính xác cho thấy, chỉ số thống kê Kappa biểu thị cho mức độ chấp thuận giữa kết quả phân loại trên ảnh và quan sát trên thực địa là 0,87. Độ chính xác phân loại của người sản xuất và sử dụng đều đạt trên 85 % cho mỗi thảm thực vật rừng riêng biệt. Chỉ số Kappa biểu thị cho mức độ chấp thuận giữa kết quả của các loại phân loại trên ảnh và điều tra trên thực địa. Theo Landis and Koch, giá trị Kappa dưới 0,4 cho thấy mức độ chấp thuận thấp, giá trị nằm trong khoảng từ 0,4 đến 0,8 thể hiện mức độ chấp thuận vừa và giá trị lớn hơn 0,8 cho thấy, mức độ chấp thuận cao. Với chỉ số thống kê Kappa đã đạt được, có thể khẳng định kết quả phân loại trên ảnh Landsat 8 đảm bảo độ chính xác, có thể ứng dụng để thiết lập lớp dữ liệu thảm thực vật rừng ảnh hưởng đến vùng phân bố các loài Mây nước dưới tán rừng tự nhiên ở huyện A Lưới. Qua bảng 1 kết quả cho thấy, khoảng 66,4 % tổng diện tích vùng nghiên cứu được đánh giá là có thể có hai loài Mây nước phân bố, trong đó phần lớn diện tích được đánh giá có Mây nước phân bố với mật độ trung bình ở thảm thực vật rừng tự nhiên có độ tàn che 0,1-0,3 chiếm 29,9%, trong khi đó diện tích được đánh giá có Mây nước phân bố với mật độ cao ở thảm thực vật rừng có độ tàn che 0,3-0,5 chỉ chiếm có 14,6%.

b. Nhân tố độ cao

Qua kết quả điều tra trên thực đia cho thấy, loài Mây nghé có thể bắt gặp ở độ cao tuyệt đối dưới 900 m, trong khi đó loài Mây nước chỉ có thể bắt gặp ở độ cao tuyệt đối dưới 700 m so với mực nước biển. Kết quả này cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu trước đây của của Nguyễn Văn Lợi và cộng sự (2013) về thực trạng về phân bố các loài Mây dưới tán rừng tự nhiên. Dựa vào sự phân chia địa hình đai cao có ảnh hưởng đến phân bố từng loài Mây nước và các nhân tố khác, độ cao được chia ra 4 mức độ khác nhau. Lớp dữ liệu độ cao được xây dựng thông qua mô hình số độ cao (DEM). Kết quả phân tích và thống kê diện tích ở mỗi cấp độ cao tương ứng với mức độ tác động của nó đến phân bố từng loài Mây nước được thể hiện ở bảng 1.

Bảng 1. Ảnh hưởng của nhân tố độ cao đến phân bố loài các Mây nước.

Kết quả bảng 2 cho thấy: Địa hình đai cao < 300 m được đánh giá là vùng phân bố thích hợp phân bố cao cho cả hai loài Mây nước, chiếm khoảng 19,7 % tổng diện tích đất tự nhiên của huyện A Lưới. Trong khi đó cấp độ cao trên 700 m không ghi nhận có sự hiện diện của Mây nước mỡ và cấp độ cao trên 900 m không ghi nhận có sự hiện diện của Mây nước nghé có diện tích tương ứng lần lượt là 33.615,8 ha (27,4%) và 15.096,7 ha (12,3%).

c. Nhân tố độ dốc

Qua điều tra, kết quả cho thấy, mật độ các loài Mây nước có quan hệ mật thiết với độ dốc. Vùng phân bố có mật độ cao tập trung ở những địa điểm có độ dốc thấp. Dựa vào sự phân chia cấp độ dốc có ảnh hưởng đến phân bố các loài Mây nước, độ dốc được chia ra 4 mức độ khác nhau ảnh hưởng đền vùng phân bố của từng loài Mây nước. Lớp dữ liệu độ dốc cũng được thiết lập thông qua mô hình số độ cao (DEM). Tương tự như thiết lập lớp dữ liệu cấp độ cao, lớp dữ diệu cấp độ dốc cũng được thiết lập trên phần mềm ArcGIS dưới sự hỗ trợ của các phần mềm phân tích không gian (3D Analyst và Spatial Analyst) thông qua mô hình TIN, (kết quả xem bảng 2).

Bảng 2. Ảnh hưởng của nhân tố độ dốc đến phân bố loài các Mây nước.

Qua kết quả bảng 3 cho thấy, phẩn lớn diện tích được đánh giá vùng thích hợp cao cho phân bố loài Mây nước mỡ và Mây nước nghé tương ứng lần lượt là 71.260,1 (chiểm 58,2%) và 89.337,3 ha (72,9%). Trong khi đó cấp độ dốc được đánh giá không thích hợp cho cả hai loài Mây nước chỉ chiếm 0,2% tổng diện tích tự nhiên của huyện A Lưới.

d. Nhân tố tiếp cận nguồn nước

Kết quả điều tra trên thực địa để nhận biết những khu vực được xác định là những vùng phân bố Mây nước. Lớp dữ liệu tiếp cận nguồn nước được thiết lập bằng công cụ buffer có sẵn trong phần mềm chuyên dụng ArcGIS. Kết quả phân tích và thống kê diện tích ở mỗi cấp khoảng cách tiếp cận nguồn nước tương ứng với mức độ ảnh hưởng của nó đến phân bố của hai loài Mây nước được thể hiện ở bảng 3.

Bảng 3. Ảnh hưởng của nhân tố tiếp cận nguồn nước đến phân bố loài các Mây nước.

Qua bảng 4 cho thấy, khoảng 78,9 % tổng diện tích vùng nghiên cứu được đánh giá là có thể có hai loài Mây nước phân bố, trong đó phần lớn diện tích được đánh giá có Mây nước phân bố với mật độ cao chiếm 38,4%, trong khi đó diện tích được đánh giá có Mây nước phân bố với mật độ trung bình và thấp chiếm lần lượt tương ứng là 25,3 % và 21,1 %.

2. Xây dựng bản đồ thích hợp vùng phân bố các loài Mây nước

a. Đánh giá trọng số của các nhân tố sinh thái

Vùng thích hợp phân bố cho các loài Mây nước được đánh giá thông qua mô hình sinh thái dựa trên cơ sở so sánh giữa môi trường sống với nhu cầu về mặt sinh thái của từng loài Mây. Theo Saaty, T. L (2000) thì tổng trọng số của các nhân tố ảnh hưởng có giá trị bằng 1, nhân tố có mức độ tác động ảnh hưởng cao, có giá trị trọng số lớn hơn. Sử dụng kết quả ma trận so sánh cặp đôi để tính toán trọng số của các nhân tố sinh thái ảnh hưởng đến phân bố cho từng loài Mây. Trên cơ sở căn cứ yêu cầu sinh thái của loài Mây nước mỡ và Mây nước nghé, nghiên cứu đã tiến hành sắp xếp các chỉ tiêu của nhân tố sinh thái ảnh hưởng đến vùng phân bố cho từng loài Mây. Mỗi chỉ tiêu của từng nhân tố tương ứng với số điểm như sau: Mật độ cao (3 điểm), mật độ trung bình (2 điểm), mật độ thấp (1 điểm) và không có Mây nước phân bố (0 điểm). Trọng số tính toán theo phương pháp AHP và điểm thích hợp của các chỉ tiêu theo từng nhân tố sinh thái ảnh hưởng đến vùng thích hợp cho phân bố hai loài Mây lựa chọn được tích hợp vào GIS để xác định vùng thích hợp phân bố cho từng loài Mây nước được thể hiện bảng 4.

Bảng 4. Trọng số và điểm phù hợp của các nhân tố sinh thái ảnh hưởng đến phân bố Mây.

Theo phương pháp phân tích thứ bậc AHP, để kiểm tra lại độ tin cậy của các trọng số hay tầm quan trọng của các nhân tố ảnh hưởng đến phân bố của các loài Mây nước thì cần phải tính toán các tham số của ma trận so sánh cặp đôi. Kết quả tính toán các tham số được thể hiện ở bảng 5.

Bảng 5. Các tham số của AHP.

Qua bảng 6 cho thấy, tỷ số nhất quán < 0,1 đạt yêu cầu, nên các trọng số của các nhân tố sinh thái ảnh hưởng đến vùng phân bố của các loài Mây nước được chấp nhận để đưa vào tích hợp trong mô hình sinh thái trong GIS tính toán các chỉ số thích hợp vùng phân bố.

b. Đánh giá và xây dựng bản đồ vùng phân bố các loài Mây nước

Bản đồ thích hợp vùng phân bố cho từng loài Mây nước được thiết lập dựa trên cơ sở phân tích các lớp dữ liệu ảnh hưởng đến phân bố từng loài Mây. Các lớp dữ liệu sau khi đã được phân hạng phân bố, xác định trọng số và điểm tương ứng với mật độ phân bố, được chuyển từ dữ liệu Vector sang dữ liệu Raster, rồi sau đó tích hợp từng lớp trong GIS độc lập cho từng loài Mây thông qua mô hình sinh thái theo phương trình sau:

SI = (0,367*TTVR+ 0,279*TCNN+0,218*ĐC + 0,135*ĐD) ÕCj

Trong đó, SI : Chỉ số thích hợp vùng phân bố Mây nước mỡ và Mây nước nghé
TTVR: Thảm thực vật rừng ĐC: Đai cao
TCNN: Tiếp cận nguồn nước ĐD: Độ dốc
Cj là giá trị giới hạn của nhân tố thứ j giá trị giới hạn nhận giá trị 0 cho đất không có thực vật và đai cao trên 700 mét đối với Mây nước mỡ và trên 900 mét đối với Mây nước nghé.

Kết quả tích hợp các lớp dữ liệu sinh thái ảnh hưởng đến phân bố là 2 bản đồ dự báo vùng thích hợp cho phân bố của 2 loài Mây nước với các giá trị chỉ số vùng thích hợp phân bố khác nhau cho mỗi pixel. Thực chất các bản đồ này nó chưa thể hiện đặc trưng cho mức độ thích hợp cho phân bố của từng loài. Để xây dựng bản đồ vùng thích hợp cho vùng phân bố của từng loài, nghiên cứu đã tiến hành phân loại lại chỉ số vùng thích hợp phân bố (SI) thành 4 hạng vùng phân bố: Mật độ cao, mật độ trung bình, mật độ thấp và không có Mây nước phân bố tương ứng với ngưỡng giá trị ≥ 2,5 ; 1,5-2,5; 0,5-1,5 và 0-0,5. Diện tích và vị trí các phân hạng phân bố cho hai loài Mây nước trên toàn bộ huyện A Lưới được thể hiện ở bảng 6 và hình 2 và 3.

Bảng 6. Tổng hợp diện tích phân hạng thích hợp vùng phân bố theo các loài Mây Mây nước.
Hình 2. Bản đồ dự báo các khu vực có Mây nước mỡ phân bố.
Hình 3. Bản đồ dự báo các khu vực có Mây nước nghé phân bố.

Qua bảng 6 kết quả cho thấy, diện tích vùng nghiên cứu được đánh giá là có Mây nước mỡ và và Mây nước nghé phân bố ở các mật độ khác nhau tương ứng lần lượt là 51.223,0 ha (chiếm 41,8 % tổng diện tích tự nhiên vùng nghiên cứu) và 66.013,8 ha (54,0%). Trên toàn bộ diện tích có Mây phân bố, phần lớn diện tích được đánh giá có Mây nước mỡ và Mây nước nghé phân bố ở mật độ trung bình với diện tích tương ứng là 31.999,3 ha (26,1%) và 42.334,4 ha (34,6%). Trong khi đó, diện tích được xác định phân bố mật độ cao cho Mây nước mỡ và Mây nước nghé chỉ chiếm một tỷ lệ thấp, tương ứng lần lượt là 7,1% và 8,1%.

3. Xây dựng bản đồ thích hợp phân bố chung cho các loài Mây nước

Bản đồ thích hợp phân bố chung cho hai loài Mây nước được xây dựng dựa trên cơ sở phân tích các bản đồ phân bố của từng loài. Hai bản đồ phân bố cho hai loài Mây nước được chồng lên nhau để tạo ra một lớp bản đồ phối hợp chung cho cả hai loài Mây nước (hình 4). Kết quả phân tích và thống kê diện tích vùng phân bố chung cho hai loài Mây nước trên toàn bộ huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế được thể hiện ở bảng 7.

Bảng 7. Diện tích phân bố chung cho hai loài Mây nước.
Hình 4. Bản đồ dự báo phân bố chung của loài Mây nước mỡ và Mây nước nghé.

Qua bảng 7 và hình 4 cho thấy, vùng phân bố chung của 2 loài Mây nước mỡ và Mây nước nghé tập trung ở độ cao dưới 700 m là 53.566,6 ha, chiếm 43,7% tổng diện tích tự nhiên của huyện A Lưới, trên độ cao này chỉ còn thấy xuất hiện Mây nước nghé với 18.865,7 ha (chiếm 15,4%), đến độ cao 900 m trở lên hầu như không thấy xuất hiện hai loài Mây này.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy hai loài Mây nước mỡ và Mây nước nghé chiếm ưu thế ở đai cao từ 300- 500 m, đặc biệt dọc ở hai bên ven các con suối khoảng 500 m, dưới tán rừng tự nhiên có độ tàn che từ 0,3- 0,5. Ở các khu vực xung quanh các đỉnh núi, gần khu dân cư được xác định là không có hai loài Mây nước phân phân bố vì rằng ở các địa điểm này hiện tại đang chiếm giữ bởi những diện tích đất trống, đồi núi trọc, rừng trồng và đất nông nghiệp. Những địa điểm có hai loài Mây nước phân bố tập trung chủ yếu ở các xã (Hương Nguyên, A Roàng, Hương Phong, Hương Lâm, Hồng Trung, Hồng Trung và Hồng Hạ) thuộc khu vực quản lý của ở KBT Saola Huế và Ban QLRPH A Lưới. Kết quả này phù hợp với kết quả điều tra trên thực địa, phỏng vấn người dân địa phương và các nhà nghiên cứu Mây trước đây ghi nhận về vùng phân bố của hai loài Mây này ở vùng nghiên cứu. Điều này khẳng định mức độ chính xác của bản đồ phân vùng thích hợp cho hai loài Mây nước ở huyện A Lưới thông qua mô hình sinh thái dựa trên cơ sở GIS.

IV. KẾT LUẬN

1) Kết quả phân tích các lớp dữ liệu của các nhân tố sinh thái dựa trên cơ sở GIS để xác định vùng thích hợp phân bố cho các loài Mây nước dưới tán rừng tự nhiên là hướng tiếp cận mới trong nghiên cứu vùng phân bố thích hợp cho các loài Mây.

2) Vùng phân bố đã được kiểm chứng trên thực tế là minh chứng khẳng định độ chính xác vùng thích hợp phân bố cho hai loài Mây nước mỡ và Mây nước nghé. Địa điểm phân bố của hai loài này có mối quan hệ chặt chẽ với nguồn nước, độ tàn che của thảm thực vật rừng và địa hình. Khoảng 43,7% tổng diện tích tự nhiên huyện A Lưới được xác định là vùng phân bố chung cho hai loài Mây nước mỡ và Mây nước nghé, phân bố ở độ cao dưới 700 mét so với mực nước biển. Hai loài Mây này có phân bố tập trung chiếm ưu thế ở những khu rừng tự nhiên thứ sinh có độ tàn che từ 0,3- 0,5, dọc ở hai bên ven các con suối ở độ cao tuyệt đối từ 300- 500 mét.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ninh Khắc Bản,(2006). Tài nguyên song mây ở Vườn Quốc gia Bạch Mã, Thừa Thiên Huế.
2. Charles M.Peters and al et, (2014). System, ecology and management of rattans in Cambodia, Laos and Vietnam. The biological bases of sustainable use.
3. Congalton, R. G., Green, K (1999). Assessing the accuracy of remote sensed sata. Lewis, London -New York-Washington.
4. Landis, J.R. and G.G. Koch,(1977). The measurement of observer agreement for categorical data. Biometrics 33(1): 159-174.
5. Nguyễn Văn Lợi và cs, (2013). Thực trạng trữ lượng các loài Mây dưới tán rừng tự nhiên và vai trò của các bên liên quan đến quản lý tài nguyên rừng Mây ỏ huyện Nam Đông, tỉnh TT- Huế. Tạp chí Rừng và Môi trường, 60: 17-21.
6. Nguyen Van Loi, (2013). GIS-based assessment of rattan production potential for sustainable management and harvesting at Nam Dong watershed protection forest management board in Thua Thien Hue province. Journal of Science, Hue University, 5: 59-66.
7. Nguyen Van Loi, (2012). GIS–risk map for sustainable rattan project in Quang Nam and Thua Thien Hue provinces, WWF-Vietnam.
8. Saaty, T. L., (2000). Fundamentals of decision making and priority theory with the Analytic Hierarchy Process. RWS publications, Pittsburgh, 6: 21-28.


Nguyễn Văn Lợi – Lê Quang Thảo – Hồ Thanh Hà – Dương Văn Thành – Hoàng Văn Dưỡng
(Trường Đại học Nông Lâm Huế)

Người phản biện:
Ngày nhận bài: Tháng 2/2018
Ngày nhận bài: Tháng 2/2018
Ngày duyệt đăng: Tháng 2/2018