BVR&MT – Những năm gần đây, nhiều địa phương ở tỉnh Nghệ An phát triển mạnh cây cam. Tuy nhiên, do trồng ồ ạt, lại thiếu kiến thức, sử dụng nguồn giống trôi nổi đã khiến không ít hộ trồng cam bị thua lỗ, thậm chí trắng tay…
Đổ nợ vì phải chặt bỏ cam
Đi qua các xã Minh Hợp và Xuân Thành (thuộc Nông trường: 3-2 và Xuân Thành trước đây), nơi được mệnh danh “thủ phủ” cam Vinh, chúng tôi bắt gặp cảnh những vườn cam xơ xác, lá rụng đầy vườn, quả vừa ít, vừa còi cọc. Không ít chủ vườn đã phải chặt bỏ thân, đào gốc đối với vườn cam mà mình bấy lâu chăm sóc kỹ lưỡng. Chị Võ Thị Thơ ở xóm Minh Thành, xã Minh Hợp (Quỳ Hợp) cho biết: “Gia đình tôi trồng hơn 1 ha cam từ năm 2013. Suốt mấy năm, chúng tôi dốc toàn bộ vốn liếng tích cóp từ trồng mía và vay mượn, với hơn 200 triệu đồng để đầu tư, chăm sóc. Tuy nhiên, mới cho quả đầu mùa, cây đã nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ, lá rụng đầy gốc. Đến nay một phần ba số cây cam đã bị chặt bỏ, và có nguy cơ phải chặt bỏ hết”. Cách đó không xa, vườn cam của gia đình ông Hoàng Văn Kỷ cũng chất đầy những gốc cam khô khốc. Ông cho biết: “Gia đình tôi trồng 260 gốc cam, nhưng năm nay chỉ có hơn 100 gốc cho quả, chất lượng lại thấp. Số cây còn lại đều bị bệnh vàng lá, dù đã sử dụng nhiều loại thuốc nhưng không hiệu quả”.
Đây là tình trạng của nhiều hộ dân trồng cam tại “thủ phủ” cam Vinh, nhất là các hộ mới trồng cam từ 5 năm trở lại đây. Sau từ ba đến bốn năm xây dựng cơ bản, cam đổ bệnh Greenning, vàng lá rồi chết lụi dần. Cây nào sống sót thì quả lại không ai mua vì chất lượng thấp. Theo các hộ dân, để trồng được 1 ha cam, từ khi làm đất đến lúc cây ra quả bói, chi phí đã lên tới cả trăm triệu đồng. Chưa kể, mỗi năm sau đó đều cần đầu tư 50 đến 70 triệu đồng để cho quả đều. Nếu vườn cam tốt, 1 ha cam có thể thu về bình quân 400 đến 600 trăm triệu đồng. Nhưng nếu mất mùa thì thiệt hại rất lớn, người dân có thể mất cả khoản tiền đầu tư, nhiều hộ lâm vào cảnh “khuynh gia bại sản”, nợ hàng trăm triệu đồng.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, năm 2017, nhiều vùng cam trong tỉnh bị sâu bệnh. Trong đó có tới 4.400 ha cam bị nhiễm bệnh Greenning. Diện tích cam kinh doanh tỷ lệ bị nhiễm bệnh khoảng 10 đến 15%, có vùng đến 70%; cam kiến thiết tỷ lệ bị nhiễm ít hơn, khoảng 1 đến 3%. Cam trồng đan xen cũng có hơn 4.000 ha bị nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ, chiếm tỷ lệ 15 đến 20%. Ngoài ra, một số sâu bệnh khác gây hại trên nhiều diện tích cam làm giảm năng suất, chất lượng quả. Quỳ Hợp là huyện có diện tích trồng cam nhiều nhất tỉnh với 2.661 ha cam, được trồng chủ yếu ở Minh Hợp, Xuân Thành…, nhưng có tới hơn 350 ha cam xuất hiện hiện tượng vàng lá, thối rễ, rụng quả.
Sớm có giải pháp hữu hiệu
Thời gian qua, diện tích trồng cam tại một số địa phương ở Nghệ An phát triển khá nóng. Nếu năm 2015, diện tích cam toàn tỉnh mới chỉ có 3.542 ha thì đến hết năm 2017 đã lên 5.589 ha, vượt so với quy hoạch đến năm 2020 là 439 ha. Trong đó, Quỳ Hợp 2.661 ha, Nghĩa Đàn 1.035 ha, Thanh Chương 388 ha, Con Cuông 361 ha… Diện tích trồng tăng cho nên nhu cầu cây cam giống từ năm 2014 đến năm 2017 cũng tăng lên gấp hai lần, từ 30 nghìn lên gần 60 nghìn cây giống. Trong khi chỉ mới có 15 cơ sở sản xuất được công nhận đủ điều kiện cung ứng cây giống có uy tín, chất lượng trên địa bàn tỉnh thì có tới 73 đơn vị sản xuất cây giống trôi nổi và nhiều gia đình tự sản xuất cây giống để trồng và bán. Chưa kể, các tỉnh khác cũng đưa cây giống vào thị trường Nghệ An tiêu thụ.
Do phát triển nóng, không ít người trồng chạy theo phong trào, chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật, thậm chí lạm dụng các loại phân bón, thuốc hóa học trong chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Đáng lo ngại, nhiều vườn cam bị bệnh Greenning, đáng ra theo yêu cầu kỹ thuật, phải trồng cây khác để cải tạo đất, sau đó mới trồng cam trở lại, nhưng không ít chủ vườn vừa phá bỏ cam bị bệnh đã muốn trồng lại cam. Không ít người dân lại trồng cam ở vùng đất thấp trũng, bị ngập lụt bất chấp quy hoạch dẫn đến chất lượng quả không cao, rụng quả. Vì vậy, không chỉ những diện tích cam trồng mới, đang giai đoạn kiến thiết, mà những vườn cam mới cho thu hoạch được một vài năm cũng bắt đầu bị thoái hóa buộc phải thay thế.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết: Tỉnh đang lên kế hoạch siết chặt các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống, trong đó có giống cam. Bên cạnh việc tập trung xử lý dứt điểm các vườn cam bị bệnh Greenning để tránh lây lan, ưu tiên khuyến khích các doanh nghiệp có uy tín, kinh nghiệm tập trung sản xuất giống cam sạch bệnh, giống đầu dòng. Vận động người dân thay các giống cam trôi nổi, không rõ nguồn gốc bằng giống cam bảo đảm chất lượng, có xuất xứ. Có chính sách khuyến khích người dân trồng cam theo công nghệ cao, tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất hữu cơ. Đồng thời tiếp tục tổ chức tập huấn nâng cao trình độ kỹ thuật cho người trồng cam, cũng như kiên quyết không trồng ở những diện tích đất không nằm trong quy hoạch. Cùng với đó, tạo liên kết chuỗi trong sản xuất cam, tăng cường quảng bá và xúc tiến thương mại… nhằm phát triển cây cam một cách bền vững.