BVR&MT – Thủ tướng nêu quan điểm phát triển với Hà Nội: “Phải xanh, sạch, bảo tồn và kỷ cương…”.
Sáng 29/9 tại trụ sở UBND Thành phố Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Thành phố Hà Nội.
Cùng dự có Bí thư Thành ủy Thành phố Hà Nội Hoàng Trung Hải, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh, phải kiên quyết thực hiện di dời các cơ sở đại học, bệnh viện, doanh nghiệp như quy hoạch đã đề cập, đặc biệt là di dời các trường đại học ra khỏi nội đô.
Đây là lần đầu tiên Thủ tướng và đông đủ các Phó Thủ tướng cùng làm việc với Thành phố Hà Nội. Thủ tướng đánh giá cao Thành phố đã đạt những thành tựu quan trọng về mọi mặt, đóng góp vào thành tích chung cả nước. Trong đó, Hà Nội là điểm sáng thu hút đầu tư tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài phục vụ đầu tư phát triển, giảm áp lực nợ công.
Trong 9 tháng qua, thành phố có 22 dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư (PPP) với tổng vốn 60.000 tỷ đồng. Môi trường đầu tư của Hà Nội được cải thiện. Trật tự văn minh đô thị có nhiều chuyển biến rõ nét với nhiều cây xanh hơn, thành phố sạch hơn, diện mạo văn minh đô thị ngăn nắp hơn.
Thủ tướng cũng đánh giá cao ý tưởng của Hà Nội là đến 2030 dừng cho xe máy vào nội đô nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, một giải pháp mà nhiều nước thực hiện thành công và hiệu quả.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu lên 5 thách thức mà Hà Nội gặp phải, trong đó thách thức rất lớn là quản lý một “siêu đô thị” với diện tích đứng thứ 17 trên thế giới và dân số cao. Do đó, vấn đề lớn đặt ra cho Hà Nội chính là phát triển hạ tầng đô thị gắn với cải thiện đời sống dân sinh, môi trường sống, đảm bảo an ninh, an toàn cũng như phân bổ dân cư.
Hà Nội còn có thách thức về giữ kỷ luật, kỷ cương, dân chủ. Nhấn mạnh xây dựng đô thị hạ tầng phản ánh đúng mức độ phát triển của quốc gia đó, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội không được để tình trạng phát triển tự phát, lộn xộn theo kiểu “anh tuổi Ngọ làm nhà hướng Đông, anh tuổi Thìn làm nhà hướng Tây”.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng nêu quan điểm phát triển với Hà Nội: “Phải xanh, sạch, bảo tồn và kỷ cương. Chính vì vậy mà những nguyên tắc cốt lõi đối với Hà Nội, vì là thành phố hòa bình nên phải hòa bình, văn minh; vì là văn hiến nên chúng ta nói bản sắc; và phải thượng tôn pháp luật. Vấn đề thượng tôn pháp luật rất quan trọng, chấp hành kỷ luật của người dân, an ninh trật tự, khiếu kiện đông người hay cá nhân đều phải quan tâm. Không để việc nhỏ thành việc lớn thành phức tạp trong đời sống, tư tưởng nhân dân”.
Với quan điểm đó, Thủ tướng nhấn mạnh đến giải pháp quan trọng với Hà Nội là hợp tác phát triển, liên kết chặt chẽ với các địa phương lân cận, tận dụng lợi thế theo hướng lấy cụm ngành làm trung tâm, xóa bỏ sự mạnh mún, dàn trải. Cùng với đó là chú trọng định hướng quy hoạch chiến lược phát triển khoa học công nghệ. Hà Nội với nhiều trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm thì cần chọn lọc và dần tập trung để hình thành một hệ sinh thái, một cộng đồng khoa học công nghệ.
Đối với giải pháp về sử dụng các nguồn lực, trong đó có đất đai, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Thành phố Hà Nội tối ưu hóa nguồn tài nguyên đất. Đất đai Hà Nội rất quý, dù một gang tấc cũng phải khai thác sử dụng tốt để phát triển từ đây; Chống tham nhũng tiêu cực cũng từ đây. Nếu Hà Nội làm được điều này, đây sẽ là bước chuyển mình lớn làm tăng uy tín về năng lực lãnh đạo, chỉ đạo cũng như ý thức sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai vì sự phát triển của Thành phố, kể cả trong nội thành. Nhiều ngôi nhà, nhiều trụ sở không cần thiết phải dùng làm cơ quan hành chính mà dành để phát triển, giải quyết việc làm, có nguồn thu cho Hà Nội”.
Hà Nội cũng cần tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ công chức, cải cách phương thức quản trị nhà nước để đáp ứng sự năng động phát triển của Hà Nội, một đô thị lớn của đất nước với gần chục triệu dân, bộ mặt của đất nước.
Cùng với việc triển khai các giải pháp đó, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội nắm được các giá trị cốt lõi mà Thủ đô hướng tới, đó là: đô thị thông minh, phương thức quản lý dựa trên nền tảng công nghệ mới, cơ sở hạ tầng thông minh, xây dựng con người văn minh, xã hội gắn kết rộng mở. Cho nên Hà Nội cần chú trọng vấn đề Chính phủ điện tử, công dân điện tử. Tiếp tục xây dựng những tiêu chí Thành phố vì hòa bình; Thành phố năng động và hội nhập. Chính vì vậy cần thúc đẩy kinh doanh dựa trên nguyên tắc bình đẳng, công bằng, minh bạch, môi trường đầu tư hướng vào các chuẩn mực OECD.
Thủ tướng cũng cho rằng, giá trị cốt lõi nữa của Hà Nội, đó là Thành phố văn hóa, tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam, bảo tồn tốt các di sản văn hóa, khu phố cổ. Hà Nội còn có giá trị cốt lõi là thành phố kiến tạo phát triển, trong đó đặt người dân và doanh nghiệp vào trung tâm để phục vụ.
Để giúp Hà Nội phát triển mạnh mẽ hơn thời gian tới, Thủ tướng nêu nguyên tắc hỗ trợ cho Hà Nội: “Cần phải xây dựng một cơ chế, chính sách cho Hà Nội, phân cấp cho Hà Nội như Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị đã nêu. Nghị quyết 11 có giao cho Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng một số cơ chế, chính sách về phân cấp cho Hà Nội về thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết công việc phù hợp với yêu cầu của Thủ đô, chúng ta chưa làm cái này. Trên tinh thần là có cơ chế vượt trội cho Hà Nội”.
Thủ tướng cũng nêu quan điểm, việc gì Hà Nội có thể thực hiện tốt thì phân cấp để Hà Nội triển khai. Song song với đó là xã hội hóa nguồn lực mạnh mẽ hơn, nhất là thu hút đầu tư tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài vào hạ tầng, kể cả các tuyến metro Hà Nội. Cùng với việc cho rằng cực tăng trưởng của Hà Nội phải hướng vào các khu vực đại học, khu công nghệ cao và văn hóa, Thủ tướng cho rằng, phải kiên quyết thực hiện di dời các cơ sở đại học, bệnh viện, doanh nghiệp như quy hoạch đã đề cập, đặc biệt là di dời các trường đại học ra khỏi nội đô.
Tại hội nghị này, Thủ tướng cũng đã cho ý kiến về hơn 20 kiến nghị của Hà Nội liên quan đến việc phân cấp, ủy quyền cho Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm A nguồn vốn ngân sách Thành phố; cho phép Hà Nội được phát triển nhà ở xã hội theo nguyên tắc cân đối tỷ lệ tổng thể với quy mô nhà ở thương mại trên toàn địa bàn thành phố, để hình thành các khu nhà ở xã hội tập trung; vấn đề cải tạo, xây dựng, nâng cấp chợ; vấn đề xử lý rác thải; vấn đề phân cấp quản lý thanh tra xây dựng…/.