Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời

BVR&MT – Ngày 06/4/2020, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 22-5.

Công trình hệ thống điện năng lượng mặt trời lắp mái tại trường tiểu học Võ Thị Sáu, Đà Nẵng.

Theo quyết định này, dự án điện mặt trời nối lưới được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 và có ngày vận hành thương mại trong giai đoạn từ 1/7/2019 đến hết ngày 31/12/2020 thì được áp dụng biểu giá mua điện mới.

Theo đó áp dụng giá bán điện tương đương 7,09 UScent/kWh đối với các dự án điện mặt trời nối lưới mặt đất và tương đương 7,69 UScent/kWh đối với các dự án điện mặt trời nối lưới nổi. Giá mua điện này được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Đối với tỉnh Ninh Thuận, giá mua điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp và có ngày vận hành thương mại trước ngày 01 tháng 01 năm 2021 với tổng công suất tích lũy không quá 2.000 MW là 2.086 đồng (tương đương 9,35 UScents/kWh). Giá mua điện này được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Quy định về hiệu suất tế bào quang điện và tấm quang điện (tối thiểu là 16% và 15%) vẫn được duy trì như quy định tại Quyết định 11. Trên thực tế, các dự án điện mặt trời quy mô lớn ngày càng có hiệu suất cao dần lên so với quy định hiệu suất tối thiểu, hiệu suất cao hơn mang lại lợi nhuận nhiều hơn cho chủ đầu tư.

Sau năm 2020, các dự án điện mặt trời nối lưới sẽ áp dụng cơ chế lựa chọn cạnh tranh nhằm phát triển điện mặt trời với chi phí cạnh tranh, bám sát xu hướng phát triển của thị trường công nghệ và giá thiết bị trên thế giới.

Văn Trì (tổng hợp)