Thông điệp từ thiên nhiên: Bảo vệ môi trường để ngăn ngừa đại dịch

BVR&MT – Ngày Môi trường Thế giới (5/6) năm nay với chủ đề “Time for Nature” (Hành động vì Thiên nhiên) tập trung vào mối liên kết chặt chẽ giữa sức khỏe của hành tinh và con người, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ đa dạng sinh học.

Ảnh minh họa: ThienNhien.Net

Được Columbia đăng cai tổ chức, Ngày môi trường thế giới 2020 diễn ra nhiều hoạt động và sự kiện liên quan với chủ đề bảo vệ đa dạng sinh học trong bối cảnh một triệu loài động, thực vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres trong một bài phát biểu đã khẳng định: “Thiên nhiên đang gửi đến con người một thông điệp rất rõ ràng. Chúng ta đang làm hại thế giới tự nhiên và gây thiệt hại cho chính chúng ta.”

Ông nhấn mạnh, suy thoái môi trường sống và mất đa dạng sinh học đang ngày càng gia tăng. “Biến đổi khí hậu đang trở nên tồi tệ hơn… Để bảo vệ cuộc sống của nhân loại, chúng ta phải quan tâm đến thiên nhiên.”

Kể từ lần đầu tiên được phát động năm 1974, Ngày Môi trường Thế giới đã trở thành sự kiện lớn nhất hàng năm của Liên Hợp Quốc nhằm kêu gọi các hành động vì môi trường, nâng cao nhận thức trên toàn thế giới về sự cần thiết phải tăng cường bảo vệ sự tồn vong của hành tinh.

Sự kiện năm nay chú trọng đề cập đến cuộc khủng hoảng COVID-19 toàn cầu với cảnh báo rằng trong bối cảnh dân số tăng gấp đôi trong 50 năm qua và nền kinh tế toàn cầu tăng gấp bốn lần so với cùng kỳ, sự cân bằng tự nhiên đã bị phá vỡ, tạo điều kiện lý tưởng cho dịch bệnh lây lan, như trường hợp COVID-19.

Theo David Boyd, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về quyền con người và môi trường, “ít nhất 70% các bệnh truyền nhiễm xuất hiện gần đây được lây truyền từ động vật hoang dã sang người”. Ông khẳng định, các quốc gia cần hành động khẩn cấp để bảo vệ môi trường và ngăn chặn biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, ô nhiễm độc hại và các bệnh dịch lây lan từ động vật sang người.

Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP) kêu gọi các quốc gia có các chương trình tái thiết một cách bền vững hơn hậu COVID-19, trong bối cảnh các nước bắt đầu mở cửa và chính phủ phê duyệt các gói kích thích để hỗ trợ tạo việc làm, giảm nghèo, phát triển và tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, các nước cần nắm bắt các cơ hội đầu tư xanh như năng lượng tái tạo, nhà ở thông minh, mua sắm công xanh và xây dựng hệ thống giao thông công cộng trên cơ sở các tiêu chuẩn sản xuất và tiêu dùng bền vững.

UNEP cũng cảnh báo, việc thất bại trong tận dụng các yếu tố phát triển bền vững và tiếp tục vận hành xã hội như trước đây sẽ đẩy thế giới vào nguy cơ gia tăng bất bình đẳng và làm trầm trọng hơn sự suy thoái trên hành tinh.

Ngọc Hiền (Theo UN News)