Thông điệp thay đổi hành vi về rủi ro trong buôn bán ĐVHD và dịch bệnh từ động vật

BVR&MT – Trong báo cáo  cùng tên mới xuất bản, TRAFFIC nhấn mạnh cách thức tham gia của các bên liên quan có thể giúp thay đổi hành vi xã hội đối với hoạt động buôn bán động vật hoang dã có nguy cơ cao thông qua việc xây dựng các thông điệp phù hợp như một phần của phương pháp Một sức khỏe nhằm giảm rủi ro lây truyền bệnh từ động vật sang người.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và sự chú ý ngày càng lớn đến sự xuất hiện của bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người, các chuyên gia y tế và giới chuyên môn tiếp tục xem xét sự tương tác giữa con người, động vật hoang dã và động vật nuôi cần thay đổi ra sao.

Chợ nổi Damnoen Saduak, Thái Lan. Một phụ nữ ôm cá thể culi để xin tiền tip từ khách du lịch khi chụp ảnh (Ảnh: LewisTse/TRAFFIC)

Thông điệp thay đổi hành vi và xã hội dựa trên bằng chứng (SBC) rất quan trọng trong việc chuyển hướng các tác nhân tránh xa các hành vi bất hợp pháp và không an toàn trong buôn bán động vật hoang dã có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, động vật và sức khỏe con người. Trong đó, việc xây dựng quan hệ đối tác liên ngành với các cơ quan chính phủ và các chuyên gia liên chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu và khu vực tư nhân là rất quan trọng để xác định các chiến lược giảm thiểu rủi ro và thực hiện các sáng kiến​​ SBC nhằm ngăn khả năng lây lan dịch bệnh từ động vật hoang dã trong tương lai liên quan đến buôn bán động vật hoang dã.

Để xây dựng thông điệp SBC phù hợp, hiệu quả, cần đặc biệt xem xét bối cảnh tại các địa điểm, khu vực bởi sự khác biệt về chính trị – xã hội, kinh tế, sinh thái và văn hóa sẽ tạo nên những nhận thức khác nhau về rủi ro liên quan đến buôn bán, sử dụng động vật hoang dã.

Trong phạm vi nghiên cứu, TRAFFIC tập trung vào hoạt động buôn bán các loài động vật có vú và các loài chim hoang dã có nguy cơ cao về khả năng lây truyền bệnh với ba mục đích sử dụng chính: 1) Thịt động vật hoang dã, 2) Thuốc chữa bệnh và 3) Động vật hoang dã được nuôi như thú cưng hoặc được sử dụng để nghiên cứu khoa học hoặc trưng bày.

Hiểu được cách thức hoạt động của các chuỗi cung ứng buôn bán động vật hoang dã ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế từ các thị trường “nguồn” tới thị trường “đích” sẽ cho phép thông điệp SBC được xây dựng đúng mục tiêu. Bên cạnh đó, các phương pháp tiếp cận SBC cũng có thể được kết hợp với các can thiệp bổ sung, chẳng hạn như cải thiện quản lý chuỗi cung ứng và truy xuất nguồn gốc để đạt được tiến bộ toàn diện hơn nhằm giảm nguy cơ bệnh truyền nhiễm từ động vật.

Trong khuôn khổ dự án TRAPS về động vật hoang dã, TRAFFIC hiện đang phối hợp với các bên triển khai chiến dịch SBC tại Thái Lan nhằm vào những người tiêu thụ thịt động vật hoang dã bất hợp pháp.

“Hiểu được hành vi của con người liên quan đến buôn bán, sử dụng động vật hoang dã sẽ là điều cần thiết để thúc đẩy sự thay đổi tích cực hướng tới các kết quả Một sức khỏe”, James Compton, Trưởng dự án TRAPS chia sẻ.

Thảo Vy