Thơm ngon nức tiếng sản vật bánh chưng Bờ Đậu

BVR&MT – Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu (Thái Nguyên) nổi lửa quanh năm, nhưng nhộn nhịp, tấp nập nhất là vào những ngày giáp Tết. Bánh chưng Bờ Đậu không chỉ nổi tiếng trong vùng, khu vực, mà rất nhiều du khách trên cả nước còn tìm về đây đặt bánh mang đi biếu, tặng như là một sản vật nức tiếng của quê hương Thái Nguyên.

Làng Bờ Đậu thuộc xã Cổ Lũng của huyện Phú Lương là một trong những nơi chuyên sản xuất bánh chưng Bờ Đậu tới khắp mọi miền Tổ quốc. Khu vực này nằm cách trung tâm thành phố chỉ khoảng 8km. Do đó, khách du lịch khi tới đây tham quan đều tiện đường ghé qua nơi đây mua bánh chưng mang về làm quà. Bởi vậy, dọc theo đoạn đường dẫn tới khu làng bánh chưng này đều là những nơi bán và trung chuyển bánh chưng tới nhiều vùng miền khác nhau. Gia đình nào cũng quầy quần, hối hả gói bánh để kịp cho một mùa tết cận kề.

Những ngày giáp tết, không khí tại làng nghề trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết.

Khác hẳn với những nơi làm bánh chưng khác, duy nhất ở làng bánh chưng Bờ Đậu không sử dụng khuôn để gói mà 100% người dân đều gói thủ công bằng tay mà chiếc bánh vẫn vuông thành sắc cạnh.

Bánh chưng Bờ Đậu được làm từ gạo nếp đặc sản của núi rừng Định Hóa một huyện ở miền núi trung du tỉnh Thái Nguyên, thứ gạo nếp dẻo và rất thơm. Gạo nếp được chọn hết sạn, những hạt đầu đen và hạt tẻ lẫn vào, sau đó vo sạch, ngâm trong nước vài tiếng để gạo nở, để ráo nước, trộn với một chút muối và chuẩn bị gói.

Mọi nguyên liệu làm bánh đều được lựa chọn tỉ mỉ và cẩn thận từ gạo cho đến nhân bánh và lá dong.

Lá dong để gói bánh là thứ lá nếp, dày, xanh mướt, bản rộng. Lá chặt từ rừng Na Rì, chợ Đồn, Bắc Kạn về rửa sạch cả hai mặt, để ráo nước, dùng khăn sạch lau khô, tước bớt cuống lá, cắt bớt ngọn lá và phần cuống lá, xếp gọn lá bên cạnh chậu gạo. Lạt buộc bánh phải là thứ lạt chẻ bằng cây giang.

Đỗ xanh làm nhân bánh là thứ đỗ quê đều hạt, vỏ mỏng, lòng vàng. Đỗ được vỡ đôi, ngâm nước, đãi sạch vỏ trộn một ít muối. Thịt chọn gói bánh là loại thịt ba chỉ ngon từ lợn miền ngược thả rông chắc nịch, thái miếng to, ướp muối, hạt tiêu ngấm đều.

Duy nhất ở làng bánh chưng Bờ Đậu không sử dụng khuôn để gói mà 100% người dân đều gói thủ công bằng tay mà chiếc bánh vẫn vuông thành sắc cạnh.

Bóc chiếc bánh chưng Bờ Đậu, vỏ bánh xanh mướt, dẻo, nhân bánh bùi ngậy pha chút cay cay, thơm thơm của hạt tiêu, cảm giác như cả đất trời cùng hòa quyện trong từng chiếc bánh khiến ai đã từng nếm qua cũng phải quay lại để mua dăm ba cái biếu quà hay thưởng thức nữa.

Người dân Cổ Lũng, Sơn Cẩm cha truyền con nối với bí quyết riêng để có được những chiếc bánh đặc biệt. Tương truyền nơi đây có được những chiếc bánh ngon nổi tiếng là bởi người dân sử dụng nước tại các giếng khơi trong làng. Không cần bất cứ một loại khuôn nào, với bàn tay thuần thục những chiếc bánh vuông chằn chặn lần lượt hiện ra.

Giá bán mỗi loại bánh giao động từ 45.000 – 60.000.

Bánh chưng Bờ Đậu bán quanh năm, theo chân khách thập phương đi về mọi miền đất nước. Những ngày giáp Tết làng bánh chưng dường như nhộn nhịp hơn bởi người dân ở T. P Thái Nguyên và các huyện lân cận đặt bánh ăn Tết trước hàng tháng trời.

Ngoài việc gây thương nhớ bởi loại chè Tân Cương thơm ngon, bánh chưng Bờ Đậu luôn là một trong những loại bánh truyền thống mang đậm hương vị và bản sắc của vùng núi rừng nơi đây.

Hà Linh