Thơm bùi bánh tẻ Phụng Công

Hương vị ngày Tết:

BVR&MT – Nằm cách Hà Nội chưa đầy 15km, xã Phụng Công (huyện Văn Giang , tỉnh Hưng Yên) không chỉ được biết với nghề ươm trồng cây cảnh truyền thống mà còn nổi tiếng với nghề làm bánh tẻ. Cái nghề giản dị, mộc mạc ấy đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân cũng như lưu giữ được nét ẩm thực truyền thống của dân tộc.

Bánh tẻ Phụng Công.

Từ Hà Nội đi dọc con đường ven đê sông Hồng qua làng gốm Bát Tràng về đầu xã Phụng Công, bất kỳ ai cũng bị cuốn hút bởi những làn khói nghi ngút, thơm lừng mùi lá dong xen lẫn hương bột gạo tỏa ra từ các quầy bánh tẻ của các bà, các mẹ, các chị nằm san sát men nẻo quê thơ mộng. Đây được xem là một loại bánh truyền thống không thể thiếu trong mỗi mâm cơm ngày Tết của người dân quê đồng bằng Bắc bộ, bên cạnh bát thịt nấu đông, măng gà, bánh chưng, xôi gấc…

Vào những ngày cuối năm, không khí lao động hăng say, nhộn nhịp hơn bao giờ hết bởi nhu cầu đặt mua bánh của khách tăng cao. Bánh tẻ Phụng Công là sự kết tinh của những sản phẩm từ đồng quê: hạt gạo tẻ, thịt lợn băm nhỏ, hành khô, mộc nhĩ và gói bằng lá dong để tạo nên mùi thơm hương vị quê đặc trưng cho bánh.

Là một trong những cơ sở làm bánh tẻ lâu năm, gia đình chị Nguyễn Phương Lan – Tiệm bánh tẻ Sang Cúc (thuộc thôn Bến – xã Phụng Công) mỗi ngày sản xuất từ 2.000 đến 4.000 chiếc với giá 3.000 đồng/chiếc. Chị Lan chia sẻ: “Làm bánh tẻ không khó nhưng vất vả, người làm phải dậy sớm để làm bột, phải trực khi nấu để bánh vừa chín. Có những ngày làm tới 5.000 chiếc nên đòi hỏi người làm cũng gói nhanh tay”.

Những thức quê bình dị như: Gạo tẻ, thịt lợn, hành khô, mộc nhĩ, lá dong… đã tạo nên hương vị đặc trưng cho bánh tẻ Phụng Công.

Không ai biết chính xác nghề làm bánh tẻ ở xã có từ bao giờ nhưng nghề làm bánh tẻ hiện đang tạo việc làm, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình còn duy trì nghề truyền thống nơi đây.

Ngoài việc làm món ăn truyền thống sử dụng hàng ngày thì nay bánh tẻ còn để phục vụ trong các trong hội nghị, cưới hỏi, quà biếu khách, đặc biệt dịp tết nhu cầu càng cao nên mỗi cơ sở sản sản xuất đều phải thuê nhân công. Điều này cũng tạo công ăn việc làm cho người dân với mức thu nhập bình quân trên 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Ngày nay, khi nhu cầu sử dụng tăng cao, chạy theo lợi nhuận nhiều gia đình đã học cách làm bánh tẻ nhưng không giữ được hương vị đặc trưng riêng của nó. Đây cũng là nỗi trăn trở của mỗi gia đình làm bánh truyền thống, bởi họ sợ mất đi thương hiệu bánh tẻ Phụng Công. Thế nhưng có một điều chắc chắn rằng với hình thức đẹp mắt, vị bùi bùi, béo ngậy của nhân bánh tẻ – thứ đặc sản này sẽ làm ấm lòng du khách và ai một lần thưởng thức cũng tấm tắc khen ngon.

Hà Linh