Thỏa thuận Paris có đủ mạnh để đảo chiều biến đổi khí hậu?

BVR&MT – Đã qua 5 năm kể từ khi được ký kết nhưng Thỏa thuận Paris vẫn khiến nhiều người hoài nghi về khả năng ngăn chặn cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.

Thay vì đàm phán về các mục tiêu khí hậu quốc gia theo hướng áp đặt, Thỏa thuận Paris đặt ra một khung hành động rộng hơn, cho phép các nước thực hiện các cam kết tự nguyện theo mỗi chu kỳ 5 năm. Hiện thế giới đang ở cuối chu kỳ đầu tiên nên các quốc gia dốc sức thực hiện cam kết và đệ trình các mục tiêu khí hậu mới mặc dù thời hạn chót có lẽ sẽ chậm trễ do tác động của Covid-19.

Một điểm khác nữa giữa Thỏa thuận Paris với Nghị định thư Kyoto là Thỏa thuận mong muốn cam kết về khí hậu đến từ tất cả các quốc gia chứ không riêng các nước phát triển. Tuy nhiên, phía các nước đang phát triển cho rằng các nước phát triển cần nghiêm túc đi đầu trong việc thực hiện cắt giảm khí thải nhanh và nhiều nhất.

Không phủ nhận rằng kể từ khi đạt được Thỏa thuận, thế giới đã có một số thay đổi quan trọng như: giá năng lượng gió và mặt trời giảm mạnh, các định chế tài chính lớn rời xa than đá, các quốc gia bắt đầu chuyển sang ô tô điện và cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 trong vòng vài thập kỷ tới.

Ảnh: UNclimate

Tổng giám đốc Viện Năng lượng & Tài nguyên (TERI) kiêm thành viên Hội đồng thủ tướng về biến đổi khí hậu của Ấn Độ Ajay Mathur đánh giá: “Tôi ngỡ ngàng trước sự thay đổi của thế giới kể từ năm 2015. Ấn Độ cũng cam kết ít nhất 40% công suất phát điện sẽ là nhiên liệu không hóa thạch vào năm 2030… 5 năm qua đi, điều đã xảy ra là điện mặt trời hiện là loại điện rẻ nhất ở Ấn Độ. Hy vọng một vài năm tới, chúng ta sẽ đạt đến điểm mà năng lượng mặt trời cộng với lưu trữ rẻ hơn điện than. Đây là một vấn đề lớn. Không chỉ Ấn Độ, nó đang diễn ra ở khắp mọi nơi”.

Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng Thỏa thuận vẫn có một số tồn tại. Nhược điểm lớn nhất của Thỏa thuận Paris là bản chất tự nguyện: “Lượng khí thải toàn cầu phải giảm một nửa vào năm 2030. Liệu Thỏa thuận Paris có đủ mạnh mẽ để thúc đẩy vấn đề này?”, Tasneem Essop, người đứng đầu phái đoàn của WWF tham dự cuộc đàm phán Paris và hiện là giám đốc điều hành của Mạng lưới Hành động Khí hậu (CAN) chia sẻ.

Thành công thực sự của Thỏa thuận cho đến nay vẫn chỉ là tác động hối thúc. Essop cho rằng “mọi người đều biết về Thỏa thuận Paris. Thỏa thuận này hối thúc các chính phủ, khu vực tư nhân. Đó chính là chất xúc tác: cho dù đối với các cam kết hay tham chiếu trong các bài phát biểu được đưa ra thì Thỏa thuận Paris vẫn chỉ là Thỏa thuận Paris. Theo một cách nào đó, nó đã tập trung và chú ý đến vấn đề khí hậu”.

Một trong những trở ngại nữa là vấn đề tài chính khí hậu – khoản tiền được các nước giàu hứa hỗ trợ những nước nghèo hơn để phát triển theo hướng carbon thấp và đối phó với biến đổi khí hậu. “Các nước phát triển đã không huy động được 100 tỷ USD cho các nước đang phát triển như đã hứa cách đây 5 năm”, theo chủ tịch Quỹ Năng lượng Trung Quốc Zou Ji và thất bại này ảnh hưởng đến lòng tin chính trị giữa các nước.

Báo cáo gần đây của Oxfam cho thấy các nước giàu cung cấp trung bình hàng năm 59,5 tỷ USD tài chính khí hậu trong giai đoạn 2017 và 2018, phần lớn là các khoản cho vay mặc dù OECD đưa ra con số là gần 75 tỷ USD. “Vấn đề là nếu thậm chí không thể đạt 100 tỷ đô la thì làm sao chúng ta có thể tin tưởng các nước phát triển khi nói về việc huy động hàng nghìn tỷ USD cần thiết để thực sự biến chuyển đổi này thành hiện thực”, Dagnet nói.

Một mục tiêu mới về tài chính khí hậu năm tới 2025 sẽ được thảo luận tại COP26 ở Glasgow. Essop chỉ rõ: “Tài chính sẽ là một quyết định quan trọng. Các quốc gia giàu có cần phải đến COP với những cam kết thực sự về tài chính… Đây là một lĩnh vực còn nhiều điểm yếu trong Thỏa thuận Paris nhưng điều không thể làm ngơ là thực tế chúng ta đang đối mặt tình huống khẩn cấp về khí hậu và ngay cả những người ít chịu trách nhiệm nhất đối với cuộc khủng hoảng khí hậu này cũng bị ảnh hưởng. Nhận ra rằng đã có mất mát và thiệt hại, do đó tài trợ cho tổn thất và thiệt hại phải là một cam kết thực sự – đó là vấn đề bao trùm”.

COP bị trì hoãn

COP26 bị trì hoãn một năm do Covid-19. Thay thế là một “hội nghị thượng đỉnh về tham vọng khí hậu” mới được tổ chức trực tuyến vào dịp kỷ niệm 5 năm Thỏa thuận Paris.

Tổng cộng có 45 quốc gia trình bày kế hoạch tăng cường khí hậu và 24 quốc gia đưa ra cam kết mới, bao gồm cam kết của Phần Lan là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2035 và Áo vào năm 2040. Vương quốc Anh cam kết cắt giảm 68% phát thải vào năm 2030 so với năm 1990 cũng như lời hứa ngừng ủng hộ các dự án dầu khí ở nước ngoài. Trong khi đó, Ấn Độ cho biết sẽ sớm tăng gấp đôi mục tiêu năng lượng tái tạo, còn Pakistan tuyên bố ngừng xây dựng điện than mới và tạo ra 60% điện năng từ các nguồn tái tạo vào năm 2030.

Trung Quốc gần đây đặt ra kế hoạch đạt được mức độ trung tính carbon vào năm 2060 và công bố các cam kết mới vào năm 2030 nhằm giảm hơn 65% cường độ carbon (lượng phát thải CO2 trên một đơn vị GDP) so với mức năm 2005, tăng tỷ trọng nhiên liệu không hóa thạch lên khoảng 25% trong tiêu thụ năng lượng sơ cấp, mở rộng độ che phủ của rừng làm bể chứa carbon, và tăng gấp đôi công suất năng lượng mặt trời và gió lên 1.200 GW. Tuy nhiên, Trung Quốc không cam kết hạn chế sản xuất điện than.

Nhìn chung, những cam kết mới được xem là một bước đi nhỏ khác đúng hướng nhưng vẫn thiếu tham vọng cần thiết.

Chủ tịch WRI Andrew Steer cho biết: “Mặc dù những tiến bộ đạt được là đáng khích lệ nhưng quá ít nền kinh tế lớn đưa ra các cam kết mới táo bạo để cắt giảm lượng khí thải vào năm 2030 hoặc huy động sự hỗ trợ tài chính rất quan trọng cho các nước đang phát triển để chuyển đổi sang kinh tế carbon thấp và có khả năng phục hồi. Năm 2021, tất cả các nước phải đẩy mạnh kế hoạch khí hậu quốc gia phù hợp với mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2050″.

Ajay Mathur chỉ ra lĩnh vực trọng tâm trong năm tới là phải tiến bộ nhanh chóng về công nghệ: cả thông qua phát triển công nghệ và chuyển giao công nghệ từ các nước giàu sang nước nghèo hơn. Mở rộng phạm vi cho các cam kết mới của Liên hợp quốc về khí hậu cũng cần được chú trọng hơn trong các lĩnh vực như vận tải và công nghiệp.

Còn theo Dagnet, “gói đoàn kết và thịnh vượng” bao gồm thích ứng, tài chính, tổn thất và thiệt hại sẽ là “người kiến tạo hoặc phá vỡ” trong vài năm tới. “Bởi chúng ta đi không đủ nhanh, có sự tích tụ của các tác động khiến vấn đề thích ứng, mất mát, thiệt hại ngày càng quan trọng và trở thành vấn đề sống còn”.

Các cuộc đàm phán về khí hậu sẽ còn tiếp tục trong nhiều năm hoặc có thể trong nhiều thập kỷ tới nhằm củng cố những điểm tốt hơn về cắt giảm phát thải, tài chính, thích ứng và mọi thách thức lớn về biến đổi khí hậu mà thế giới phải đối mặt. Bản thân Thỏa thuận Paris chỉ đơn giản là phát súng khởi đầu, ngay cả khi cuộc đua hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức “dưới mức thấp” 2 độ C và “nỗ lực theo đuổi” mức 1,5 độ C là một vấn đề rất cấp bách: Fuller nói rằng đưa thế giới đi đúng hướng xuống 1,5 độ C với các cam kết mới của Liên hợp quốc trong năm nay là “điều tuyệt đối phải thực hiện” mặc dù Dagnet cho rằng có thể cần thêm một vòng đàm phán nữa.

Như Đặc phái viên khí hậu của Liên hợp quốc Christiana Figueres đã nói trong một cuộc họp báo trước hội nghị thượng đỉnh về tham vọng khí hậu, Thỏa thuận Paris không bao giờ có nghĩa là đứng yên. “Thỏa thuận luôn được thiết kế, áp dụng và đang được thực hiện không phải là tĩnh mà thực sự theo cách rất năng động. Chúng tôi liên tục, liên tục nhìn thấy tiến độ thực hiện Thỏa thuận Paris. Không nhanh chóng như chúng tôi muốn. Nhưng nó chắc chắn đang tiến bước”.

Thế Anh (Theo chinadialogue)