BVR&MT – Từ đầu tháng 9 tới nay, hai nhà máy tuyển quặng của Công ty TNHH một thành viên Apatit Việt Nam dừng hoạt động, khiến Nhà máy sản xuất phân bón DAP-2 Lào Cai buộc phải ngừng sản xuất do hết nguyên liệu, nhà máy DAP-1 tại Hải Phòng cùng nhiều đơn vị sản xuất phân bón khác cũng đối diện nguy cơ đóng cửa trong vòng một tuần tới, gây ảnh hưởng lớn đến thị trường phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Nguyên nhân do chậm trễ trong phân định chồng lấn, đánh giá tình trạng sử dụng tài nguyên của cơ quan quản lý, khiến hàng loạt doanh nghiệp sản xuất đang sử dụng nguồn nguyên liệu quặng 3 bị “đói” nguồn vào, phải dừng sản xuất. Tình trạng này nếu tiếp tục kéo dài, không chỉ khiến người lao động thất nghiệp, tác động xấu đến doanh nghiệp, mà còn làm thất thu ngân sách, mất cân đối cán cân sản xuất phân bón trong nước.
Nhùng nhằng trên giấy
Một ngày cuối tháng 9, chúng tôi đi khảo sát tại Nhà máy tuyển Apatit Cam Đường (TP Lào Cai), khi nhà máy đã ở trong tình trạng đóng cửa, ngừng sản xuất. Giám đốc nhà máy Nguyễn Quốc Nghiệp cho biết, hơn 200 lao động của nhà máy phải nghỉ việc, chỉ một bộ phận nhỏ được bố trí ở lại thực hiện bảo dưỡng thiết bị, máy móc và bảo vệ tài sản nhà máy. Tương tự, Nhà máy tuyển apatit Tằng Loỏng (huyện Bảo Thắng) cũng bị dừng hoạt động do không còn quặng 3 để tinh luyện khiến hơn 400 công nhân lao động nghỉ việc, hưởng chế độ tối thiểu để chờ Công ty Apatit Việt Nam tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất. Trưởng phòng Kỹ thuật và điều độ sản xuất (Công ty Apatit Việt Nam) Bùi Huy Hiệu cho biết, quặng 3 là loại quặng chất lượng trung bình, hình thành trong quá trình khai thác từ khi Công ty Apatit Việt Nam đi vào sản xuất từ những năm 60 của thế kỷ trước, tích trữ lại tại các kho lưu, sản lượng hiện còn hơn 20 triệu tấn. Từ trước đến nay, nguồn quặng 3 do khai thác, cộng nguồn quặng 3 tại kho lưu đủ đáp ứng yêu cầu sản xuất. Tuy nhiên gần đây, khi Luật Khoáng sản mới được áp dụng, theo quy định phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép sử dụng kho lưu quặng 3 mới được hoạt động nhưng do không được cấp phép kịp thời, nguồn quặng 3 trở nên “khan” cục bộ, hai nhà máy tuyển Cam Đường và Tằng Loỏng đóng cửa từ ngày 7/9 đến nay, Nhà máy tuyển Bắc Nhạc Sơn hoạt động cầm chừng, kéo theo Nhà máy DAP-2 Lào Cai ngừng hoạt động, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) Nguyễn Phú Cường cho biết, Công ty Apatit Việt Nam là đơn vị thành viên duy nhất của Vinachem có ba nhà máy đủ năng lực tuyển quặng 3 thành quặng tinh, gồm Tằng Loỏng, Cam Đường và Bắc Nhạc Sơn, tổng công suất 1,37 triệu tấn quặng tinh/năm, đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất phân bón trong cả nước như DAP-1 Hải Phòng (khoảng 400 nghìn tấn/năm); DAP-2 (Tằng Loỏng) 400 nghìn tấn/năm; Super phốt phát và hóa chất Lâm Thao (Phú Thọ) 350 nghìn tấn/năm,… Nếu tình trạng này không sớm được khắc phục, chỉ trong vòng một tuần nữa, nhà máy DAP-1 cũng phải dừng hoạt động với lý do tương tự. Đây là điều rất nguy hiểm, bởi không chỉ chịu thiệt hại nặng về kinh tế mà khối thiết bị, máy móc trị giá hàng nghìn tỷ đồng có nguy cơ bị hỏng hóc, suy giảm chất lượng do phải “đắp chiếu”.
Đánh giá về hiệu quả kinh doanh, Tổng Giám đốc Công ty Apatit Việt Nam Nguyễn Tiến Cường cho biết, từ đầu năm đến nay, công ty đã cung cấp cho khách hàng khoảng một triệu tấn quặng tuyển, bảo đảm 71% nhu cầu cả năm cho các đơn vị sản xuất phân bón. Theo cấp phép được Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận, sản lượng khai thác quặng 3 của công ty đạt hơn 2,1 triệu tấn, mỗi năm cần thêm 2,4 triệu tấn quặng 3, do vậy cần phải sử dụng quặng 3 tại các kho lưu. Lường trước nguy cơ bị dừng hoạt động do quy định mới của luật, từ năm 2018 đến nay, Công ty Apatit Việt Nam đã có nhiều văn bản gửi các cấp có thẩm quyền báo cáo, làm rõ nguồn gốc quặng 3, căn cứ pháp lý, quyền quản lý và sử dụng của công ty theo đúng quy định về khoáng sản; kiến nghị được tiếp tục vận chuyển, sử dụng quặng tại các kho lưu làm nguyên liệu cho các nhà máy tuyển. Tuy nhiên, hơn 3 năm ròng, sự việc chỉ quẩn quanh ở những công văn đẩy đưa qua lại, không có động thái nào xử lý dứt điểm theo đúng thẩm quyền, khiến doanh nghiệp như “ngồi trên đống lửa”.
Sớm xóa bỏ “rào cản”
Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Tiến Cường, sản lượng quặng 3 khai thác hiện tại chỉ đủ duy trì sản xuất cho Nhà máy tuyển Bắc Nhạc Sơn ở mức thấp (sản lượng tuyển quặng khoảng 29 nghìn tấn/tháng, giảm 85 nghìn tấn/tháng so công suất thiết kế). Vì vậy, công ty buộc phải dừng hai nhà máy tuyển Tằng Loỏng và Cam Đường, đồng thời thông báo dừng cung cấp quặng tuyển để các đơn vị sản xuất phân bón điều chỉnh giảm sản lượng hoặc dừng sản xuất trong thời gian tới. Việc dừng hoạt động hai nhà máy tuyển đã gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh của Công ty Apatit Việt Nam cũng như hệ thống các nhà máy sản xuất phân bón. Cụ thể, hơn 1.300 người lao động của công ty mất việc làm, đời sống sinh hoạt bị xáo trộn; chi phí sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị, khấu hao của các nhà máy tăng lên. Các đơn vị sản xuất phân bón trong nước cũng bị “phản ứng dây chuyền”, dừng sản xuất theo, cùng với khoảng 5.000 lao động mất việc làm; hệ thống máy móc dừng đột ngột, không vận hành thường xuyên rất nhanh xuống cấp, nhất là trong môi trường hóa chất ăn mòn. Nguồn cung phân bón vì thế cũng đình trệ, tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực quốc gia.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 420/TTg-CN ngày 2/4/2021 về quản lý, sử dụng quặng 3, UBND tỉnh Lào Cai đã nhiều lần đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định cho phép Công ty Apatit Việt Nam được sử dụng quặng 3 cung cấp cho các nhà máy tuyển Tằng Loỏng và Cam Đường theo đúng Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng apatit đến năm 2020, có xét đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014. Bên cạnh đó, Vinachem cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép Công ty Apatit Việt Nam tiếp tục được vận chuyển, sử dụng quặng 3 tại các kho lưu để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy tuyển trở lại hoạt động bình thường, bảo đảm nguồn quặng tuyển cho các nhà máy sản xuất phân bón trong nước. Ngày 24/9 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới có công văn đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Công ty Apatit Việt Nam được sử dụng quặng 3 tại các kho lưu thuộc phần diện tích nằm ngoài khu vực của Công ty cổ phần Phân lân nung chảy đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác hoặc được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương để Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác,… Có nghĩa là, trước đó, một số doanh nghiệp khoáng sản đã được cơ quan quản lý cấp phép quy mô diện tích khai thác “chồng lấn” lên kho lưu quặng 3 được hình thành từ hoạt động của Công ty Apatit Việt Nam, gây ra tranh chấp giữa các đơn vị.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinachem Nguyễn Phú Cường khẳng định, đối với quặng 3 kho lưu, hiện không phải khai thác mà chỉ là sử dụng lại tài nguyên. Bản thân Công ty Apatit Việt Nam hiện vẫn lưu giữ đầy đủ thẻ kho, hồ sơ giấy tờ liên quan chứng minh nguồn gốc hình thành của quặng 3 tại các kho lưu này. Công ty kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, phân định rõ vùng chồng lấn, đánh giá quá trình sử dụng cụ thể để sớm ra quyết định cấp phép, giúp doanh nghiệp được vận chuyển, sử dụng và vận hành các nhà máy tuyển quặng. Tuy nhiên, một điều khó hiểu là trong văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi Thủ tướng Chính phủ lại có đề xuất cho đơn vị khác sử dụng quặng 3 kho lưu, mặc dù đơn vị đó không có nhà máy tuyển, trong khi Công ty Apatit Việt Nam phải đóng cửa, dừng sản xuất nhà máy tuyển, người lao động mất việc,…
Việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào sẽ khiến các đơn vị thành viên của Vinachem và các doanh nghiệp sản xuất phân bón khác gặp nhiều khó khăn. Bài toán tìm nguồn nhập khẩu nguyên liệu từ các nước khác là không khả thi do không đủ sản lượng và chi phí quá cao, cho nên việc chủ động sản xuất, có đủ nguyên liệu cho các nhà máy tuyển hoạt động đóng vai trò hết sức quan trọng. Nếu không, hàng loạt doanh nghiệp phân bón dừng hoạt động sẽ khiến thị trường bất ổn, sản xuất bị rối loạn, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của nền kinh tế.