Thiết kế kiến trúc cảnh quan TP. Sơn La ứng phó với biến đổi khí hậu

BVR&MT – Thuộc hợp phần 3 của dự án “Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu tại thành phố Sơn La” do Ban Quản lý các dự án ODA tỉnh Sơn La đề xuất, Hội thảo “Thiết kế kiến trúc cảnh quan thành phố Sơn La ứng phó với biến đổi khí hậu” được tổ chức thí điểm dưới sự đồng chủ trì của Đại học Kiến trúc Hà Nội và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, UBND Tỉnh Sơn La, UBND TP Sơn La, Ban quản lý dự án ODA tỉnh Sơn La và trường Đại học Tây Bắc.

Toàn cảnh hội thảo.

Workshop được triển khai tại hai địa điểm là TP. Sơn La và TP. Hà Nội, trong khoảng thời gian từ ngày 01/04 đến hết ngày 18/04/2022, với mục tiêu đề xuất xây dựng và cải tạo phát triển khu vực cho các không gian mặt nước và hệ thống kênh mương thoát nước trên địa bàn thành phố gắn liền với yếu tố thủy văn.

Sự phát triển và mở rộng không gian đô thị đang là một trong những vấn đề đáng quan tâm đối với Chính quyền Thành phố Sơn La bởi hệ quả phát sinh trong quá trình triển khai hoạt động. Một số vấn đề cần được đề cập và giải quyết phải kể đến đó là tình trạng ngập úng do hệ thống xử lý nước mặt và thoát lũ không còn đáp ứng được tình hình quy mô hiện tại, đi kèm với đó là tình trạng thiếu hụt không gian công cộng xanh trong thành phố. Nằm trong mục tiêu phát triển “An toàn – Thân thiện – Đậm đà bản sắc”, thành phố Sơn La đã đưa ra những định hướng cụ thể về mặt quy hoạch trong khâu nâng cấp và phát triển hệ thống hạ tầng thoát nước và hệ thống mặt nước.

Điều chỉnh này được đưa ra nhằm giải quyết vấn đề cấp thiết trong hệ thống điều tiết thoát nước cũng như phục vụ nhu cầu phát triển không gian công viên cây xanh mặt nước công cộng trong đô thị. Tuy nhiên, những tác động trong quá trình quy hoạch đã làm cho việc phát triển đô thị trở nên không đồng nhất và lấn chiến ngày một nghiêm trọng các khu dân cư và đô thị, ảnh hưởng đến giá trị về mặt không gian cũng như quy mô của diện tích mặt nước của vùng. Những tác nhân này có liên quan trực tiếp đến môi trường sinh thái và khí hậu của thành phố, đặt ra những đòi hỏi cấp thiết của việc bảo vệ, nâng cấp và phát triển cảnh quan tại các địa điểm mặt nước tự nhiên và hệ thống thoát nước.

Từ ngày 01 – 08/04, đoàn sinh viên và giảng viên triển khai các hoạt động khảo sát, nghiên cứu và đề xuất các phương án ý tưởng trên phạm vi toàn Thành phố Sơn La.

Chương trình Hội thảo bao gồm những nội dung sau: Thành phần đoàn giảng viên hướng dẫn và các sinh viên tham gia Workshop lần này có sự đồng hành của các giảng viên đến từ Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Trường Đại học Kiến trúc Cảnh quan Quốc gia Toulouse (Pháp), Trường Đại học Kiến trúc Quốc gia Normandie (Pháp) và Trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Bên cạnh đó, đoàn sinh viên tham gia vào dự án bao gồm 40 sinh viên được tuyển chọn đến từ các chuyên ngành Kiến trúc, Mỹ thuật, CLB Truyền thông của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội thuộc Viện Đào tạo và Hợp tác quốc tế, sinh viên ngành Kiến trúc Trường Đại học Kiến trúc Quốc gia Pháp, phối hợp với các sinh viên chuyên ngành Sinh học, Địa lý, Kinh tế, Quản lý tài nguyên thuộc các trường/đơn vị đối tác như Khoa liên ngành Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Tây Bắc và Đoàn Thanh niên thành phố Sơn La. Từ ngày 01 – 08/04, đoàn sinh viên và giảng viên triển khai các hoạt động khảo sát, nghiên cứu và đề xuất các phương án ý tưởng trên phạm vi toàn Thành phố Sơn La.

Phạm vi nghiên cứu của hội thảo bao gồm: Hồ Tuổi trẻ (hồ Bản Cá), Lò Văn Giá, Bản Cá, Sơn La, Viêt Nam; Hồ Đại học Tây Bắc, đường Chu Văn An, P. Quyết Tâm, Sơn La, Viêt Nam; Các kênh, mương thoát nước trên địa bàn thành phố; Các không gian cảnh quan tiềm năng của TP Sơn La. Sinh viên sẽ được chia làm các nhóm triển khai nghiên cứu các chủ đề sau: Định nghĩa công viên trong đô thị thành phố Sơn La; Tổ chức không gian cảnh quan hồ Tuổi Trẻ; Tổ chức không gian cảnh quan hồ Đại học Tây Bắc; Tổ chức không gian cảnh quan một số tuyến kênh thoát nước, kết nối hạ tầng; Xác định những giá trị bản sắc Sơn La gắn liền với tiềm năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Từ việc phân công nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu, đoàn giảng viên và sinh viên sẽ đưa ra những ý tưởng cải tạo, chỉnh trang cảnh quan tại các khu vực điểm nhấn là 2 hồ, tuyến mương thoát nước từ khu vực Trường Sinh về thành phố, với mong muốn tạo nên các bộ nhận diện về bản sắc văn hóa địa phương, bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử lâu đời. Ngoài ra, đoàn workshop có thể đề xuất thêm các phương án thiết kế giúp tăng cường khả năng thu gom nước thải, nâng cao khả năng thoát lũ, ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời cung cấp một số biện pháp xử lý ô nhiễm nước, đất, rác thải…;

Đoàn giảng viên và sinh viên sẽ đưa ra những ý tưởng cải tạo, chỉnh trang cảnh quan tại các khu vực điểm nhấn là 2 hồ, tuyến mương thoát nước từ khu vực Trường Sinh về thành phố Sơn La.

Bên cạnh đó, nhóm sinh viên chuyên ngành mỹ thuật sẽ thực hiện các bộ tranh ký họa cảnh quan, con người với các mục tiêu: Làm nổi bật bản sắc thiên nhiên, văn hóa, con người Sơn La. Tìm ra các yếu tố đặc trưng và có tiềm năng phát triển song hành với nền kinh tế của thành phố và khả năng ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu ngày một gia tăng tại khu vực. Trong khoảng thời gian từ ngày 09 – 17/04, đoàn giảng viên và sinh viên sẽ gấp rút hoàn thành báo cáo Hội thảo.

Đặc biệt, có hai sự kiện chính sẽ được tổ chức trong khoảng thời gian triển khai dự án: Ngày 01/04/2022 : Khai mạc Hội thảo “Thiết kế kiến trúc cảnh quan thành phố Sơn La ứng phó với biến đổi khí hậu” diễn ra tại Hội trường Khách sạn Hoa ban trắng – TP Sơn La. Ngày 18/04/2022 : Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thiết kế cảnh quan ứng phó với biến đổi khí hậu cùng với Triển lãm ký họa Bản sắc cảnh quan Sơn La và các phương án ý tưởng diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội.

Chia sẻ trước thềm sự kiện, ông Conan Herve, Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) cho biết; “Mục tiêu sự tham gia của các học viên Cao học trường Đại học Kiến trúc Hà Nội trong Dự án Phát triển Khả năng Chống chịu của Thành phố Sơn La là để bổ sung cho các nghiên cứu kỹ thuật được thực hiện như một phần của dự án, với những phân tích được thực hiện theo một hình thức khác. Chúng tôi hy vọng rằng hình thức hội thảo này sẽ tạo ra những ý tưởng sáng tạo và mới mẻ, cho phép Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La và người dân có cái nhìn khác không chỉ về thành phố và vùng lân cận của họ, mà còn về các cách tiếp cận khác nhau để phát triển nhằm nâng cao tiềm năng của thành phố. Hội thảo sẽ thành công nếu các học viên cao học đưa ra được các giải pháp thú vị và khả thi cho các vấn đề quy hoạch. Và nếu các học viên kiến trúc gợi mở được các ý tưởng mới cho Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La về quy hoạch thành phố mà AFD và Ủy ban chưa nghĩ đến trước đây, điều đó có thể đưa dự án đi theo hướng tích cực mới”.

Hoạt động trao đổi của chuyên gia người Pháp và giảng viên, sinh viên Đại học Kiến trúc bên lề Hội thảo.

Còn ông Pr. Dominique LAFFLY, Tùy viên Hợp tác khoa học và đại học, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho biết ông chắc chắn rằng sự tham gia của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và sinh viên cao học của trường vào các hoạt động của dự án là một ý tưởng sáng tạo và có thể nảy sinh nhiều ý tưởng sáng tạo hơn nữa, bởi vì họ có một quan điểm mới về quản lý thành phố với mối liên hệ chặt chẽ với những thách thức thực tế cho một thành phố bền vững. Và, với Đại học Kiến trúc, còn có thêm khía cạnh nghệ thuật rất thú vị.

Ông Đào Mạnh Chiến, Phó ban quản lý dự án ODA tỉnh Sơn La cho biết: Hiện nay, Ban quản lý các dự án ODA tỉnh Sơn La được giao là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng đề xuất chủ trương đầu tư dự án“ Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu tại thành phố Sơn La”. Các nội dung tham gia của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và các sinh viên của trường đã được xác định hướng vào các hoạt động thiết kế ý tưởng hạ tầng công viên, hồ điều hòa, mương thoát lũ thuộc một trong các hợp phần của dự án. Hợp phần này đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo khả năng thoát nước, bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan đô thị của thành phố và được gắn với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao của công đồng dân cư. Chúng tôi đánh giá rất cao về bền dầy kinh nghiệm của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cũng như khả năng sang tạo của các em sinh viên và tôi tin tưởng sẽ được tận mắt chứng kiến nhiều ý tưởng sáng tạo độc đáo mới lạ, hiện đại và đầm đà sắc dân tộc vùng Tây Bắc.

Quỹ WARM hỗ trợ triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng chiến lược trong lĩnh vực quản lý nước và tài nguyên thiên nhiên nhằm ứng phó với các thách thức chính của địa phương như lũ lụt và xói lở do tác động ngày càng trầm trọng của biến đổi khí hậu. Kinh nghiệm thu được từ các dự án này sẽ góp phần vào đối thoại chính sách về khí hậu, môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên. Trong khuôn khổ WARM Facility, EU đã phân bổ khoản tài trợ 20 triệu euro cho AFD. Đây là lần đầu tiên chương trình này được AFD triển khai tại Việt Nam. Cách tiếp cận sáng tạo cho phép nâng cao hiệu quả và chất lượng dự án, phục vụ cho việc lập kế hoạch phù hợp với các ưu tiên của chính phủ Việt Nam và AFD. Phối hợp với chính quyền trung ương và địa phương của Việt Nam, AFD sẽ huy động Quỹ WARM chuẩn bị và thực hiện các dự án đầu tư đồng tài trợ bằng vốn vay AFD và các nguồn lực của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2029 với tổng số tiền ước tính là 200 triệu Euro.

Hà Linh