Thí điểm xây dựng Nam Đàn thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu

BVR&MT – Nâng cao toàn diện chất lượng xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Nam Đàn; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử cách mạng, làm động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội thông qua hoạt động du lịch, dịch vụ, đưa Nam Đàn trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu về “Phát triển văn hóa gắn với du lịch”, góp phần tạo ra sức lan tỏa trên toàn quốc.

Xây dựng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch – Ảnh Báo Nghệ An.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã ký quyết định phê duyệt Đề án thí điểm “Xây dựng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018 – 2025”.

Mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu có 30% số xã (07/23 xã) của huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có ít nhất 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về phát triển văn hóa gắn với du lịch; hoàn thành cơ bản một số tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu, làm cơ sở để Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu về phát triển văn hóa gắn với du lịch.

Đến năm 2025 100% số xã (23/23 xã) của huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có ít nhất 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về phát triển văn hóa gắn với du lịch; 100% di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng trên địa bàn huyện Nam Đàn được trùng tu, đáp ứng nhu cầu thăm quan, phục vụ phát triển du lịch; kinh tế du lịch gắn với văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa tỉ trọng du lịch, dịch vụ chiếm khoảng 42 – 43% trong cơ cấu kinh tế của huyện; hoàn thành đầy đủ các chỉ tiêu, tiêu chí và được Thủ tướng Chính phủ công nhận “Huyện nông thôn mới kiểu mẫu về phát triển văn hóa gắn với du lịch”.

Nâng cao chất lượng toàn diện các tiêu chí nông thôn mới

Một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án là nâng cao chất lượng toàn diện các tiêu chí nông thôn mới, trong đó, nâng cao chất lượng 19 tiêu chí về xã nông thôn mới. Cụ thể, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch xây dựng các xã phù hợp với định hướng của Quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030 và Đề án xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu; bổ sung quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã của một số xã được định hướng xây dựng trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Bên cạnh đó, cải tạo, đầu tư xây mới, nâng cấp hệ thống đường giao thông, thủy lợi, điện, trường học các cấp, nhà văn hóa, trạm y tế, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin truyền thông, nhà ở; củng cố và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP); phát triển chăn nuôi với các sản phẩm có thế mạnh; phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề;

Đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế ở khu vực nông thôn; xây dựng và phát huy các giá trị tốt đẹp văn hóa truyền thống, lịch sử địa phương; triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác cải cách hành chính cấp xã; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Ngoài ra, nâng cao chất lượng 9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Cụ thể, cải tạo, xây dựng mới, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân; xây dựng mô hình cánh đồng lớn nhằm phát triển các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn đối với một số sản phẩm chủ lực của huyện. Tiến hành triển khai thực hiện Chương trình OCOP nhằm nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu sản phẩm và phục vụ khách du lịch trên địa bàn; triển khai trồng cây phân tán trên địa bàn huyện, tập trung vào các tuyến đường trục xã, liên xã, trục huyện, tuyến đường du lịch; xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung quy mô cấp huyện theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường; xây dựng các nhà máy nước sạch nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế.

Xây dựng huyện NTM kiểu mẫu phát triển văn hóa gắn với du lịch

Nhiệm vụ trọng tâm khác của Đề án là xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu về “Phát triển văn hóa gắn với du lịch”. Cụ thể, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao huyện; nâng cấp trang thiết bị hệ thống nhà văn hóa xã và nhà văn hóa xóm/khối; cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới nhằm hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền.

Bảo tồn, trùng tu các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng đã được xếp hạng trên địa bàn, ưu tiên các di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh; tà soát, tiếp tục nâng hạng các di tích đủ điều kiện xếp hạng; quản lý các dữ liệu di tích trên hệ thống thông tin địa lý; tập trung bảo vệ và cải thiện môi trường tại các di tích lịch sử; nghiên cứu, phục dựng tổ chức các lễ hội truyền thống tại địa phương; bảo tồn và khai thác giá trị Dân ca Ví Dặm, nghề truyền thống để phục vụ phát triển dịch vụ, du lịch.

Nâng cao hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phát động thi đua “Xây dựng nét đẹp người dân quê Bác” trong giai đoạn mới; tổ chức thường xuyên các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao giữa các xã, xóm, các cơ quan, tổ chức trên địa bàn huyện, xã; xây dựng và tổ chức hoạt động hiệu quả câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể thao tại các xã.

Xây dựng một số mô hình xã nông thôn mới kiểu mẫu về phát triển văn hóa gắn với du lịch, gồm các xã: Kim Liên, Nam Cát, Vân Diên, Nam Anh, Nam Thanh, Nam Nghĩa.

Hoàn thiện hệ thống hạ tầng du lịch, kết nối các điểm di tích để hình thành các tuyến du lịch nội và ngoại huyện. Cụ thể, xây dựng Đề án phát triển tổng thể văn hóa, du lịch huyện Nam Đàn và Kế hoạch quản lý và thực hiện hiệu quả Quy hoạch Khu Du lịch quốc gia đặc biệt Kim Liên; đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối du lịch với các điểm du lịch, di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng; đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng lưu trú đạt chuẩn; phối hợp với các công ty du lịch lữ hành thiết kế và tổ chức khai thác các tuyến du lịch nhằm kết nối các điểm di tích, danh thắng, điểm du lịch, hình thành các tuyến du lịch nội huyện và ngoại huyện; đa dạng hóa các loại hình và sản phẩm du lịch.

Xây dựng thí điểm các mô hình du lịch văn hóa có sự tham gia của cộng đồng dân cư; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ sử dụng lao động địa phương.

Về cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm có lợi thế, phục vụ phát triển du lịch, nâng cao thu nhập cho nhân dân, huyện xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch nông nghiệp; hỗ trợ phát triển các hợp tác xã chuyên ngành gắn với phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của huyện; tổ chức đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn huyện, trong đó ưu tiên đào tạo nghề, kỹ năng phục vụ cho phát triển kinh tế du lịch; xây dựng và triển khai hiệu quả Đề án OCOP cấp huyện; phát triển, thương mại hóa các sản phẩm đặc sản địa phương phục vụ du lịch; bảo tồn, phát triển các làng nghề, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và phát huy giá trị văn hóa địa phương.

Xây dựng hình ảnh phát triển văn hóa và du lịch của huyện, trong đó, tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm xúc tiến, quảng bá về văn hóa và du lịch huyện Nam Đàn, tạo thị trường du lịch ổn định; thiết kế biểu tượng huyện Nam Đàn, xây dựng các công trình điểm nhấn phục vụ quảng bá về văn hóa và du lịch; cải tạo cảnh quan, môi trường nông thôn sáng – xanh – sạch – đẹp; đầu tư hoàn thiện hệ thống tuyên truyền, cổ động trực quan; liên kết vùng và các địa phương trong hoạt động kinh doanh lữ hành; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch trên cơ sở các quy hoạch của huyện.

Huyện hoàn thiện, nâng cấp hệ thống trường học đạt chuẩn quốc gia; xây dựng các chuẩn mực đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử của người dân Nam Đàn; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng đến người dân, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên; đưa giáo dục truyền thống vào chương trình đào tạo ngoại khóa tại trường học các cấp.