Theo chân “biệt đội phá bẫy” cứu thú

BVR&MT – Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà được mệnh danh là “lá phổi xanh” của thành phố Đà Nẵng, có hệ sinh thái đa dạng với hàng ngàn loài thực vật và hàng trăm loài động vật.

Thời gian qua, công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại đây đang được các cấp chính quyền và người dân Đà Nẵng triển khai nhiều biện pháp quyết tâm gìn giữ.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng bảo vệ rừng đã kiểm tra, phát hiện và thu giữ hàng nghìn bẫy thú các loại, góp phần mang lại “mái nhà chung” bình yên cho các loài động vật hoang dã tại bán đảo Sơn Trà.
Theo chân “biệt đội phá bẫy”
Một ngày nắng gắt đầu tháng 7/2020, phóng viên cùng tham gia chuyến kiểm tra của Đội tuần tra liên ngành bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng quận Sơn Trà.
Loại bẫy dây rút được các đối tượng sử dụng nhiều, do dễ vận chuyển, lắp đặt và có thể bắt được nhiều loại động vật khác nhau. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Tổ công tác có 6 đồng chí, đến từ Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà-Ngũ Hành Sơn, Đồn Biên phòng Sơn Trà và dân quân phường Thọ Quang (quận Sơn Trà). Chỉ với những dụng cụ gọn nhẹ gồm bản đồ, máy định vị, dao quắm, nước uống…, đội tuần tra tiến vào rừng Sơn Trà từ phía Tây Nam của bán đảo.

Sau đoạn leo núi khá dốc ban đầu, chúng tôi tiến sâu vào rừng, men theo một đường mòn nhỏ. Anh Trần Thanh Dũng, thành viên trẻ tuổi nhất của Đội tuần tra cũng là người nhanh nhẹn và thông thạo địa hình khu vực.
Anh Dũng cho biết sau đợt cao điểm kiểm tra, thu gom bẫy thú vừa qua, tình trạng đặt bẫy động vật hoang dã tại Sơn Trà đang tạm lắng xuống. Vừa đi, đội kiểm tra vừa chỉ những hố đất, những cành cây đã từng được tháo bẫy trước đây.
Các loại bẫy thú thường gặp gồm bẫy dây rút, bẫy lưới, bẫy lồng…; trong đó phổ biến nhất là bẫy dây rút vì loại này đơn giản, gọn nhẹ, dễ mang theo, dễ lắp đặt trong rừng. Bẫy được làm từ sợi dây kẽm, một đầu buộc vào cành cây uốn cong, một đầu buộc tròn như thòng lọng, đặt dưới một hố đất nhỏ và phủ lá cây lên trên.
Khi động vật hoang dã tới ăn mồi đặt trên bẫy, chân sẽ bị sụp xuống hố, thòng lọng siết chặt lại và cành cây bật lên, treo ngược con thú. Khi đó con thú càng giãy dụa thì dây càng siết chặt, không thể thoát ra được.
Bên cạnh yếu tố gọn nhẹ, loại bẫy này cũng thường được các thợ sơn tràng dùng vì có khả năng bắt được tất cả các con vật, không phân biệt kích thước, chủng loại.
Một thành viên Đội tuần tra, Thiếu tá Phan Châu Trinh – Đồn Biên phòng Sơn Trà cho biết một số loại bẫy khác là bẫy bằng lồng thép (con vật chui vào ăn mồi sẽ bị sập cửa), bẫy bằng lưới (giăng lưới và để mồi vào giữa, khi con vật ăn sẽ bị cuộn lại)…
Các loại thú thường dính bẫy là thú nhỏ như cầy, chồn, sóc, chim… Theo nhận định của các thành viên Đội tuần tra, các loài linh trưởng như khỉ vàng, voọc chà vá chân nâu không phải là mục tiêu của các loại bẫy này vì không có nhiều giá trị về kinh tế và khó bẫy.
Những hình ảnh khỉ bị thương tật được đưa lên mạng xã hội thời gian qua có thể do tai nạn giao thông hoặc bị người dân tấn công. Dù đã có nhiều biển cấm, nhưng một số du khách thiếu ý thức vẫn cho khỉ ăn quà vặt nên chúng đã quen tràn xuống đường, vào nhà dân phá phách.
Đi săn… thợ săn
Bên cạnh việc tuần tra, phá bẫy định kỳ 2 lần/tuần, lực lượng chức năng cũng tăng cường kiểm tra, xử lý đột xuất đối với những trường hợp vào rừng săn thú trái pháp luật.
Ông Trần Thắng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà-Ngũ Hành Sơn nhớ lại chuyến tuần tra đáng nhớ vào đêm 12/2 vừa qua. Nhận được tin báo của nhân dân về đối tượng khả nghi, ông Thắng cùng các kiểm lâm viên và cán bộ Đồn Biên phòng Sơn Trà lập tức xuất phát kiểm tra khu vực Hố Sâu (bán đảo Sơn Trà).
Một chiếc bẫy lồng sắt được lực lượng chức năng tháo gỡ. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Tại đây, đoàn công tác phát hiện một xe máy dựng ven đường, trên xe có treo quả dứa (loại quả thường được dùng làm mồi bẫy thú). Lực lượng chức năng đi kiểm tra khu vực xung quanh, kêu gọi người điều khiển xe ra mặt nhưng không có hồi đáp. Tuy trời tối đen, vào rừng sẽ nguy hiểm nhưng đoàn kiểm tra quyết tâm vào rừng để tìm ra đối tượng.

“Đang leo lên thì một đồng chí thấy có một tấm lưới giăng sẵn, rộng khoảng 30×70 cm và có đặt miếng dứa ở giữa. Kiểm tra khu vực gần đó, Đoàn công tác phát hiện một người đàn ông đang ẩn nấp trong bụi rậm, phải rất cố gắng lực lượng chức năng mới kéo được đối tượng ra khỏi bụi. Vì chưa gây hậu quả (chưa bẫy được thú) nên đối tượng bị xử phạt hành chính 750.000 đồng và phải tự tháo dỡ tổng cộng 8 mảnh bẫy lưới” – ông Trần Thắng cho biết.
Mới đây, ngày 10/6, tổ công tác cũng kịp thời phát hiện và xử lý một người đàn ông mang 3 dụng cụ bẫy thú vào rừng nhưng chưa kịp thực hiện hành vi; xử phạt hành chính 500.000 đồng và tịch thu 1 bẫy kẹp, 2 bẫy lồng.
Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, trong 6 tháng đầu năm 2020, đơn vị đã tổ chức 36 đợt tuần tra, kiểm tra, truy quét bảo vệ rừng. Kết quả, đã phát hiện tháo gỡ, tiêu hủy 1.370 dây bẫy bằng cáp nhỏ, 37 chuồng bẫy, 1 lồng bẫy bằng sắt, 1 bẫy kẹp, một số vật dụng (búa, kìm, võng,  bạt nylon, xoong, nồi…) và 8 mảnh lưới thép có kích thước 30x70cm.
Theo Nghị định 35/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực Lâm nghiệp thì hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ động vật rừng bị phạt tiền rất nặng, từ 5-400 triệu đồng tùy thuộc số lượng, giá trị của động vật rừng là tang vật vi phạm.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn trong công tác phát hiện, xử lý hành vi này. Thứ nhất, địa bàn rừng núi rộng lớn, lực lượng tuần tra, kiểm tra lại mỏng nên không thể bao quát được hết các khu vực.
Thứ hai, các đối tượng sử dụng nhiều mánh khóe để qua mặt lực lượng chức năng như: nhờ người khác chở lên núi để không bị phát hiện xe máy, phi tang chứng cứ khi gặp lực lượng chức năng, vờ làm du khách đi lạc trong rừng… Nếu đối tượng chưa bẫy được con vật (chưa gây hậu quả) thì chỉ có thể xử phạt nhẹ, nhắc nhở.
Bên cạnh đó, nếu có gây hậu quả thì cũng khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc định giá động vật hoang dã để áp dụng xử phạt.
Vì vậy, theo ông Thắng, xử phạt chỉ là một trong những biện pháp trước mắt, quan trọng nhất vẫn là thay đổi nhận thức của người dân về bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ môi trường.
Đội tuần tra liên ngành Bảo vệ rừng, Phòng cháy chữa cháy rừng quận Sơn Trà xác định khu vực thường xuyên có bẫy thú. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Nâng cao ý thức cộng đồng

Nhằm tuyên tuyền, phổ biến văn bản pháp luật liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng, đầu tháng 7/2020, Phòng Kinh tế quận Sơn Trà vừa phối hợp với Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà-Ngũ Hành Sơn tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Lâm nghiệp năm 2020.
Hội nghị có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các Ủy ban Nhân dân phường trong quận Sơn Trà, tổ trưởng tổ dân phố và các hội đoàn thể của phường Thọ Quang (phường có bán đảo Sơn Trà), nhóm bảo vệ rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng, các doanh nghiệp hoạt động trên báo đảo Sơn Trà, người dân trong khu vực…
Ông Trần Văn Thành – Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Sơn Trà cho biết, Hội nghị sẽ tuyên truyền, phổ biến những điều, khoản quan trọng trong Luật Lâm nghiệp năm 2017; các Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp, phòng cháy chữa cháy rừng, quản lý rừng bền vững, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng…
Qua đó, chính quyền địa phương và người dân hiểu rõ hơn về các quy định pháp luật trong bảo vệ rừng, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân, hộ nhận giao rừng, các hộ dân sống ven rừng về công tác gìn giữ, bảo vệ rừng.
Đồng quan điểm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà-Ngũ Hành Sơn cũng cho rằng giải pháp lâu dài, hiệu quả vẫn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân cùng chung tay bảo vệ rừng.
Bên cạnh các hội nghị tuyên truyền, phổ biến, lực lượng kiểm lâm đã tăng cường công tác bám cơ sở, thiết lập đường dây “nóng,” thường xuyên tiếp nhận và xử lý những tin báo của người dân sống trong khu vực.

Một chiếc bẫy thú dạng dây rút được lực lượng chức năng phát hiện. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Nhờ có “tai mắt” của những người yêu Sơn Trà nên các tổ công tác đã nhiều lần kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng vi phạm, không để xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Bên cạnh tuyên truyền cho người dân địa phương thì việc nâng cao ý thức của du khách cũng rất quan trọng.
Trong 6 tháng qua, Đội liên ngành tổ chức tuần tra bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng đã thực hiện 140 đợt tuần tra ban ngày và 12 đợt tuần tra đêm trên bán đảo Sơn Trà, nhắc nhở du khách không đốt lửa, không cho khỉ ăn, không tự ý đi sâu vào khu vực rừng rậm nguy hiểm, không thực hiện những hành vi gây nguy hại đến đa dạng sinh học Sơn Trà. Đã có nhiều trường hợp bị nhắc nhở, xử phạt nhưng những hành vi vi phạm vẫn tái diễn.
Trong khi việc nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ thiên nhiên, môi trường đang được triển khai theo kế hoạch lâu dài, Đội tuần tra bảo vệ rừng vẫn miệt mài vào rừng phá bẫy, cứu thú hàng tuần.
Đối với các anh Dũng, anh Trinh, anh Thắng… mỗi một chiếc bẫy được phá, một động vật hoang dã sẽ được ở lại với bầy đàn. Đó không chỉ là trách nhiệm với công việc bảo vệ rừng, mà còn là trách nhiệm gìn giữ “vật báu” Sơn Trà trong lòng người Đà Nẵng.
Theo quyết định 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ về “Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030,” Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà được quy hoạch với diện tích 2.591,1 ha.
Đề tài nghiên cứu khoa học do Viện Sinh thái học miền Nam thực hiện năm 2017 đã thống kê: số loài động vật được ghi nhận trên phần đất liền của bán đảo Sơn Trà bao gồm 41 loài thú, 151 loài chim, 52 loài bò sát, 18 loài lưỡng cư và 1852 loài côn trùng (86 loài bướm, 20 loài cánh cứng, 79 loài côn trùng khác).
Trong đó, có loài Voọc Chà Vá chân nâu là loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm, con vật biểu tượng của thành phố Đà Nẵng, thuộc danh mục nhóm “nguy cấp” trong Sách Đỏ Việt Nam và xếp vào “danh sách bảo vệ vô điều kiện” của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới.
Lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ một chiếc bẫy thú dạng lồng sắt. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)