Thêm xanh những cánh rừng Lào Cai

BVR&MT – Có những con người, công việc âm thầm, lặng lẽ để gìn giữ và thêm xanh cho những cánh rừng, phủ xanh cho những vùng đất khô cằn đang bị sa mạc hóa bởi khí hậu khắc nghiệt, thổi luồng gió mới, tiếp thêm sinh lực cho người dân giữ gìn và bảo vệ rừng, đó là những người làm nhiệm vụ ở Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Lào Cai trong 10 năm qua.

Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng ở huyện Bát Xát.

Ngày cuối năm, thời tiết hanh khô và rét buốt, nhưng đi dọc từ Đông sang Tây Lào Cai, qua những miền đất ven sông Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn, Bát Xát hay núi cao, khô khát như Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà, tôi trào dâng cảm xúc trước màu xanh trải dài của cây rừng. Ở Bảo Yên, Bảo Thắng, Văn Bàn là bạt ngàn màu xanh rừng sản xuất: Quế, xoan, mỡ, bồ đề; ở Bát Xát là rừng nguyên sinh đặc dụng, phòng hộ; ở Mường Khương, Si Ma Cai là màu xanh ngăn ngắt của rừng trồng thông mã vĩ, trẩu, sơn tra…

Tôi nhớ lại, cách đây hơn chục năm, đi xe máy qua dốc “cổng trời” Yên Sơn của huyện Bảo Yên chỉ xám xịt lau lách, cỏ tranh, ở mạn Mường Hum (Bát Xát) hay Tả Gia Khâu (Mường Khương) cũng vậy, nham nhở những vạt cháy rừng lau lách do phát rừng đốt nương mưu sinh, trơ trọi đá xám nhìn nhức mắt, nhưng hôm nay đã không còn cảnh đó, mà phủ kín màu xanh của trẩu, thông đuôi ngựa, nhìn mát mắt.

“Điều gì đã làm thay đổi vậy?”- Tôi hỏi. Không đắn đo, Phó Giám đốc phụ trách Qũy Bảo vệ và Phát triển rừng Lào Cai Nguyễn Thanh Lĩnh cho biết, trung bình mỗi năm, hơn 18.000 chủ rừng là người dân ở các địa phương được hưởng khoảng 110 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), đó chính là nguồn lợi lớn, tạo thêm sinh kế và thu nhập cho người bảo vệ rừng, góp phần tăng độ che phủ đạt 58% và chất lượng rừng ngày càng cao hơn ở Lào Cai.

Quả là vậy, chính sách chi trả DVMTR được triển khai thực hiện đã tạo ra một nguồn thu mới, ổn định lâu dài đối với người làm nghề rừng; thu nhập thực tế bình quân của các hộ gia đình, cá nhân tiền DVMTR đạt từ 15-20 triệu đồng/hộ/năm đã góp phần nâng cao đời sống người làm nghề rừng, giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các lưu vực cung ứng DVMTR.

Một ví dụ như ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát chi trả tiền DVMTR, bình quân khoảng 6 tỷ đồng/năm, cho hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc Mông, Dao, Giáy nhận bảo vệ rừng thông qua hợp đồng với các Tổ bảo vệ rừng thôn, bản ở địa phương. Nhờ có nguồn kinh phí hỗ trợ này, người dân địa phương ngày càng gắn bó với rừng, nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ rừng, vì được hưởng lợi trực tiếp từ rừng. Ở thôn Khu Chu Phìn, xã Sàng Ma Sáo có 147 hộ đồng bào dân tộc Mông, từ nguồn tiền DVMTR, bà con bàn bạc và thống nhất với Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát trang bị cho mỗi hộ 1 bếp gas, 1 bình gas loại 12 kg và 3 cái nồi để cả thôn đều sử dụng bếp gas, vừa bớt vất vả kiểm củi vừa bảo vệ rừng tốt hơn.

Không chỉ vậy, nguồn tiền DVMTR còn góp phần ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty lâm nghiệp Bảo Yên, Văn Bàn trong điều kiện Chính phủ thực hiện “đóng cửa rừng”, giúp các công ty này đứng vững, khôi phục và duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống người lao động. Chất lượng, giá trị và năng suất rừng ở các địa phương đã bước đầu phát triển theo hướng kinh doanh gỗ lớn có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất cho tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Kết quả hoạt động DVMTR của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Lào Cai trong 10 năm qua đã mang lại lợi ích kép cho bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng là các nhà máy thủy điện và công ty nước sạch; bên cung ứng rừng là các chủ rừng, hộ nhận khoán bảo vệ rừng. Bên sử dụng có nguồn nước điều tiết thủy điện, đảm bảo sản xuất điện năng và có nguồn nước sạch để cung cấp phục vụ cho người dân, bên cung ứng thì có thêm thu nhập, góp phần cải thiện đời sống cho người dân.

Tuần tra bảo vệ rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát.

Trong điều kiện rừng phân tán, số lượng chủ rừng rất lớn, nhân lực có hạn, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Lào Cai chủ động làm việc trực tiếp với lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các thành viên Chi hội Thủy điện Lào Cai, Hiệp hội Du lịch huyện Sa Pa, Cục Điều tiết Điện lực để đưa ra các giải pháp, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách chi trả DVMTR đối với các đơn vị sản xuất thủy điện, kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Trong 10 năm qua, đã có 56 nhà máy sản xuất thủy điện, 13 nhà máy sản xuất nước sạch, 36 cơ sở kinh doanh du lịch; 15 nhà máy sản xuất công nghiệp; 46 cơ sở nuôi cá nước lạnh ký kết hợp đồng, ủy thác chi trả tiền DVMTR với số tiền 722 tỷ đồng và 85 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế. Bình quân từ năm 2012 đến nay, thu tiền DVMTR đạt khoảng 72,2 tỷ đồng/năm. Lào Cai được đánh giá là đơn vị đi đầu trong hệ thống Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cả nước về số thu và công tác tổ chức triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR.

Đến các huyện vùng núi đá khô khát, đang có nguy cơ bị sa mạc hóa như Mường Khương, Si Ma Cai, chúng tôi bắt gặp màu xanh trải dài của những rừng trẩu, thông mã vĩ trên những triền núi cao chót vót nơi thượng nguồn sông Chảy. Đó là kết quả trồng rừng thay thế mà Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Lào Cai đảm nhiệm. Trước năm 2014, tiền trồng rừng thay thế đối với các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng được thực hiện nộp trực tiếp vào ngân sách Nhà nước tại các địa phương. Giai đoạn từ năm 2014 đến nay, số tiền trồng rừng thay thế các đơn vị chuyển về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng là hơn 84 tỷ đồng, của 139 dự án, chủ yếu là các nhà máy thủy điện, với tổng diện tích 1.661 ha. “Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ kịp thời, các dự án sử dụng nguồn tiền trồng rừng thay thế sau khi được thẩm định, Quỹ thực hiện giải ngân nhanh đến các chủ đầu tư thực hiện dự án, bảo đảm trồng rừng kịp tiến độ đề ra, trong khung thời vụ tốt nhất, bảo đảm tỷ lệ cây sống cao, chất lượng rừng theo quy định”- Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Lào Cai Nguyễn Thanh Lĩnh khẳng định.

Một năm sắp qua, trước mắt và những năm tới còn biết bao việc phải làm, phải vượt qua. Đó là vẫn còn một số đơn vị sản xuất thủy điện còn chậm thanh toán tiền DVMTR theo quy định; do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, một số nhà máy thủy điện dự kiến phát điện chậm tiến độ; một số đơn vị gặp khó khăn về mặt tài chính tạm thời. Thêm nữa là công tác giao đất, giao rừng, quản lý quy hoạch lâm nghiệp giai đoạn trước đây còn nhiều hạn chế, còn có sự chồng chéo giữa các chủ rừng, gây khó khăn trong công tác chi trả tiền DVMTR. Nhưng từ nền tảng đã kiến thiết được trong 10 năm qua, từ cái đà hiện có, tôi tin cán bộ và nhân viên Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Lào Cai sẽ thực sự trở thành cầu nối giữa người cung ứng và người sử dụng dịch vụ môi trường rừng, xứng đáng là “bà đỡ” cho những cánh rừng Lào Cai ngày càng xanh.

NGUỒNbaolaocai.vn
Tags:
CHIA SẺ