Thêm bằng chứng tố nạn buôn lậu ĐVHD ở tiểu vùng Mê Công

BVR&MT – Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố một nghiên cứu chuyên sâu về buôn bán ĐVHD bất hợp pháp ở tiểu vùng sông Mê Công mở rộng và mối đe dọa đến đa dạng sinh học khu vực này.

Với tựa đề “Lớn hơn Hổ” (Larger than Tigers), báo cáo mong muốn khuyến khích các quốc gia trong tiểu vùng sông Mê Công mở rộng, bao gồm Myanmar, tăng cường nỗ lực chống buôn lậu ĐVHD – mối đe dọa đối với đa dạng sinh học trong khu vực.

Báo cáo cho hay khu vực hiện có 795 loài đang bị đe dọa, trong đó có 123 loài bị đe dọa do nạn săn bắn và buôn bán bừa bãi.

Báo cáo lưu ý Trung Quốc và Việt Nam là hai thị trường buôn bán sản phẩm ĐVHD lớn nhất toàn cầu trong khi các nước khác trong khu vực là nguồn cung, tuyến trung chuyển và thị trường cho các sản phẩm bất hợp pháp này.

Ảnh: Myanmar Times.

Ở Myanmar, săn bắn ĐVHD bất hợp pháp khá tràn lan dù 70% lãnh thổ là khu bảo tồn. Theo IUCN, có 331 loài bị đe dọa ở Myanmar, trong đó các loài có nguy cơ tuyệt chủng gồm chim, linh trưởng, bò banteng, voi châu Á, nai cà tông, rùa nước ngọt, tê tê và hổ.

Đại sứ EU Kristian Schmidt khẳng định “EU cam kết bảo tồn ĐVHD ở Myanmar và trên toàn thế giới. Những khu rừng nhiệt đới tuyệt đẹp và các loài động vật quý giá của Myanmar đang bị đe dọa bởi tội phạm ĐVHD và suy thoái môi trường”.

Giám đốc quốc gia WCS Myanmar U Saw Htun cũng thừa nhận “quần thể các loài quan trọng đã giảm ở mức đáng báo động và một số loài có thể bị tuyệt chủng nếu không có hành động hiệu quả chống lại tội phạm ĐVHD”.

Các sản phẩm ĐVHD bất hợp pháp bao gồm hơn 1.000 loài động thực vật được sử dụng cho y học cổ truyền, đặc sản, đồ trang trí, quần áo và buôn bán thú cưng.

Ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương, buôn lậu ĐVHD ước tính trị giá 17 triệu euro mỗi năm.

Báo cáo “Lớn hơn Hổ” là sản phẩm của hai năm nghiên cứu chuyên sâu, hợp tác với 28 tác giả và tham vấn 382 chuyên gia từ hơn 150 tổ chức tại 25 quốc gia châu Á.

Nhật Anh (Theo Myanmar Times)

https://baovemoitruong.org.vn/

Tags:
CHIA SẺ