Thay đổi thói quen sử dụng túi nylon khi mua sắm của người tiêu dùng

BVR&MT – Liên minh bán lẻ giảm tiêu thụ túi nylon đã và đang áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền, khuyến khích, tạo sự thuận tiện cho người dân tiếp cận các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Nhiều siêu thị đã cam kết sử dụng phương pháp bọc hàng hóa, sản phẩm bằng lá chuối thay thế dần túi nylon. (Ảnh: TTXVN phát)

Để hỗ trợ các nhà bán lẻ tìm ra các giải pháp giảm thiểu tiêu thụ túi nylon, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã phối hợp cùng Sở Công thương Hà Nội kêu gọi các doanh nghiệp ký cam kết tham gia Liên minh bán lẻ giảm tiêu thụ túi nylon.

Liên minh giảm tiêu thụ túi nylon tại Hà Nội

Theo số liệu khảo sát vào tháng 3/2021 do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện cùng các đối tác, số lượng túi nylon sử dụng một lần tại các siêu thị trung bình khoảng 104.000 túi/ngày, tương đương với 38 triệu túi nylon/năm.

Xuất phát từ mục đích giảm tiêu thụ sản phẩm nhựa dùng một lần tại các nhà bán lẻ, Viện Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp cùng Sở Công Thương Hà Nội kêu gọi các doanh nghiệp ký cam kết tham gia Liên minh bán lẻ giảm tiêu thụ túi nylon. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa – Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển” do Liên minh Châu Âu và Chính phủ Đức tài trợ; Cơ quan Hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp triển khai tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trường Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, cho biết Liên minh bán lẻ giảm tiêu thụ túi nylon với sự tham gia của 16 đơn vị bán lẻ tại Hà Nội đã và đang áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền, khuyến khích, tạo sự thuận tiện cho người dân tiếp cận các sản phẩm thân thiện với môi trường có khả năng thay thế túi nylon dùng một lần, từ đó dần loại bỏ thói quen sử dụng túi nylon trong sinh hoạt hàng ngày của mỗi người dân.

Bà Fanny Quertamp, Cố vấn cao cấp Cơ quan Hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Khi dự án mới bắt đầu, có một số ý kiến phản đối và băn khoăn, vì người ta cho rằng khó có thể thay đổi hành vi của người tiêu dùng ở Việt Nam, nhất là khi túi nhựa được phát miễn phí và một số siêu thị sợ sẽ mất khách hàng. Nhưng dần dần, trong quá trình thảo luận, nhất là nhờ sự tham gia của Sở Công thương Hà Nội và do nhiều thành viên trong Liên minh đã có các hành động tiên phong, dự án thí điểm đã thuyết phục được các thành viên khác.”

Thông qua việc thành lập Liên minh các nhà bán lẻ giảm túi nylon, các doanh nghiệp cũng góp phần vào việc hình thành thói quen của người dân là sử dụng sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường. Điều này cũng phù hợp với lộ trình của Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa, Chính phủ đã đặt ra đặt mục tiêu đến năm 2025 sử dụng hòa toàn túi nylon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị thay thế cho túi nylon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần.

Xây dựng lộ trình giảm túi nylon

Bà Kim Thị Thúy Ngọc Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế – Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, cho biết truyền thông đóng vai trò quan trong trong việc thay đổi hành vi của người dân trong việc chuyển từ sử dụng túi nylon sang túi sử dụng nhiều lần. Đồng thời, các chính sách của nhà nước trong việc hạn chế sản xuất, nhập khẩu, sử dụng túi nylon cũng góp phần thúc đẩy giảm tiêu dùng sản phẩm gây ô nhiễm môi trường này.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết Quyết định số 1316/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam. Đề án đã đặt rà mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025: Sử dụng 100% túi nylon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nylon khó phân hủy; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; phấn đấu 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi nylon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi nylon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.

Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường đã quy định từ ngày 1/1/2026, không sản xuất và nhập khẩu túi nylon khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50cm x 50cm và độ dày một lớp màng nhỏ hơn 50 µm, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu hoặc sản xuất, nhập khẩu để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường; giảm dần việc sản xuất và nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.

Nắm bắt xu hướng tiêu dùng, bao bì nylon tự hủy sinh học, thân thiện môi trường ngày càng trở nên phổ biến hơn tại nhiều hệ thống siêu thị lớn. (Ảnh: Vietnam+)

Sau ngày 31/12/2030, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi nylon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu và trường hợp sản xuất, nhập khẩu bao bì nhựa khó phân hủy sinh học để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường.

Theo Nghị định này, ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy định và tổ chức triển khai hoạt động quản lý chất thải nhựa; bảo đảm sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi nylon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch, trừ sản phẩm, hàng hóa có bao bì nhựa khó phân hủy sinh học; tổ chức thanh tra, kiểm tra các đơn vị sản xuất sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Điều 54, Điều 55 và Điều 73) và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường đã quy định rõ trách nhiệm tái chế và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, bao gồm cả các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu bao bì. Đây có thể xem là một trong những biện pháp nhằm tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc tái chế, xử lý chất thải. Hiện dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đang được xây dựng và sẽ sớm được ban hành trong thời gian tới.

Có thể nói, việc thay đổi thói quen sử dụng túi nylon và các sản phẩm nhựa dùng một lần là không dễ dàng. Bên cạnh các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích hay chế tài xử phạt, mỗi chúng ta trước tiên cần tự ý thức, hạn chế dần và tiến tới bỏ hẳn việc sử dụng túi nylon, sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt hàng ngày hay khi đi chợ. Những hành động nhỏ ấy sẽ đem lại thay đổi lớn cho môi trường tương lai, đem lại cuộc sống xanh cho các thế hệ sau này./.