Quy định bài báo là công trình nghiên cứu khoa học

BVR&MT – Quy định bài báo là công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Lâm Nông nghiệp, Môi trường và Tài nguyên được xuất bản giới thiệu trên Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường như sau.

Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận là Tạp chí Khoa học có tính điểm (0.5 điểm) cho những bài báo đủ điều kiện là công trình nghiên cứu khoa học của các nghiên cứu sinh trong lĩnh vực lâm nông nghiệp, môi trường tài nguyên được xuất bản giới thiệu trên chuyên mục Khoa học – Công nghệ của Tạp chí tại tên miền: www.baovemoitruong.org.vn (cover) www.baovemoitruong.vn.

Quy định về bài báo:
Yêu cầu chung
– Bài viết gửi đăng trên Tạp chí phải là bài viết nguyên thủy (chưa được công bố trước đó). Tác giả không được gửi đăng bài viết trên các Tạp chí khác cho đến khi có quyết định xét duyệt của Ban biên tập).
– Bài báo dài không quá: 10.000 từ (bao gồm cả bảng biểu, ghi chú, tài liệu tham khảo và phụ lục); font chữ: Times New Roman; cỡ chữ 14; khổ giấy A4, lề trên 2 cm, lề dưới 2 cm, lề trái 3 cm, lề phải 2 cm.
Tên bài báo
– Tên bài báo được viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh, trên trang đầu của bài báo, không gạch chân hay viết nghiêng.
– Tên bài báo phải ngắn gọn, rõ ràng và phù hợp với nội dung bài báo.
– Phía dưới tên bài báo là tên tác giả không viết chức danh và học vị. Nếu có trên 2 tác giả làm việc ở cơ quan khác nhau thì tên tác giả được đánh dấu hoa thị (*) ở phía trên. Dấu hoa thị chỉ nơi làm việc của tác giả được viết ở cuối trang đầu tiên của bài báo.
Tóm tắt
Tóm tắt bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Nêu được mục đích, phương pháp nghiên cứu chính, kết quả nghiên cứu và kết luận chủ yếu. Từ khoá bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh theo thứ tự alphabet.
Dẫn nhập/đặt vấn đề
Phần dẫn nhập/đặt vấn đề phải cung cấp những thông tin sau đây: định nghĩa vấn đề; tóm lược vấn đề nghiên cứu đã được công bố trong và ngoài nước, nêu mục tiêu nghiên cứu và giải thích sự lựa chọn đề tài và mục tiêu nghiên cứu để thấy được tính thời sự, tính khoa học và sự cần thiết của vấn đề nghiên cứu.
Đối tượng và phương pháp
Đối tượng NC cần trình bày tiêu chuẩn lựa chọn, đặc điểm đối tượng nghiên cứu.
Phương pháp nghiên cứu cần nêu rõ cách tiếp cận nghiên cứu, loại hình nghiên cứu, phương pháp đo lường, độ tin cậy và chính xác của đo lường, phương pháp phân tích dữ liệu hoặc các phương trình, phương pháp tính toán, hoặc các quan điểm, lập luận, ý kiến tranh luận, các dẫn chứng…
Kết quả
Trình bày đầy đủ, khách quan các kết quả thu được sau nghiên cứu, các kết quả này phải phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu. Các số liệu phải chính xác và khớp với nhau.
Phần kết quả nghiên cứu chỉ trình bày các kết quả nghiên cứu của đề tài, không giải thích, so sánh và bàn luận.
Bàn luận
Chủ yếu bàn luận các vấn đề liên quan đến mục tiêu đề tài.
Nhận xét, đánh giá một cách khách quan các kết quả nghiên cứu, có so sánh với các tác giả khác để khẳng định hoặc phủ định những hiểu biết đã có, qua đó nêu được những điểm mới và đóng góp của đề tài.
Dự báo hướng NC tiếp và khả năng ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.
Kết luận
Tóm lược giả thuyết, mục tiêu, phát hiện chính. Đề xuất vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu.
Chú thích và tài liệu tham khảo
Chú thích được trình bày ngay ở cuối trang viết (footnote).
Tài liệu tham khảo: chấp nhận cả 2 cách trình bày là Harvard (alphabetic) và Vancouver (numeric):
a)Harvard system:
<Tác giả>, (< Năm xuất bản>), “<Tên tài liệu được trích dẫn>”, <Tên nguồn><Số/Vol>, pp<trang đầu-trang cuối>.
Tác giả: Là tác giả/các tác giả của tài liệu được tham khảo, trích dẫn.
Năm xuất bản: Năm xuất bản của tài liệu được tham khảo, trích dẫn.
Tên tài liệu được trích dẫn: là tên bài báo, chương/phần sách hay tên sách…
Tên nguồn có thể là tên tạp chí, tên sách, hay tên tài liệu gốc của tài liệu được trích dẫn (phần này được in nghiêng).
Số/Vol: Dành cho nguồn trích là tên tạp chí (phần này in đậm).
Trang đầu-trang cuối là số thứ tự các trang phản ánh nơi cư trú của tài liệu được trích dẫn trong tài liệu nguồn.
Chú ý: Nếu có ≥2 tài liệu tham khảo do cùng 1 tác giả/nhóm tác giả, cùng năm công bố, thì các tài liệu tham khảo này cần được đánh dấu a, b… sau năm xuất bản (ví dụ: 1986a).
Nếu có một số tài liệu tham khảo trong cùng 1 bài báo được trích dẫn có số trang khác nhau thì cần trích dẫn thêm số trang, ví dụ: Kitchen (1982, p 39).
b)Vancouver system
Các tài liệu tham khảo được đánh số để chỉ dẫn chúng được trích dẫn ở đâu trong bài báo. Số thứ tự được đánh trong ngoặc vuông, ví dụ: [3] với 1 hoặc [2, 5, 7-9] với nhiều số chỉ dẫn.
Thứ tự trích dẫn cũng giống như của Harvard system:
<Tác giả>, (< Năm xuất bản>), “<Tên tài liệu được trích dẫn>”, <Tên nguồn><Số/Vol>, pp<trang đầu-trang cuối>.
Các yêu cầu khác
– Bài viết không đạt yêu cầu, Toà soạn không trả lại bản thảo.
– Bài viết chỉ được đăng khi được Hội đồng phản biện nhận xét về chất lượng bài báo đồng ý cho đăng.
– Bản quyền: Tác giả đồng ý trao bản quyền bài viết (bao gồm cả phần tóm tắt) cho Ban biên tập.
– Bài báo đã phản biện sẽ được ưu tiên duyệt xuất bản sớm.