Thanh Hóa: Phát triển rừng bền vững rừng phòng hộ Thường Xuân giai đoạn 2021-2030

BVR&MT – Nhằm quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường sinh thái và các giá trị dịch vụ môi trường rừng, nâng cao hiệu quả quản trị rừng, chất lượng rừng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động gắn với cải thiện sinh kế cho người dân địa phương, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh; phấn đấu đến năm 2030 đạt được các tiêu chí quản lý rừng bền vững, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững Ban Quản lý rừng phòng hộ Thường Xuân giai đoạn 2021-2030.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, về môi trường, bảo vệ, phát triển bền vững 12.892,85 ha rừng hiện có, nâng cao độ che phủ rừng; bảo vệ đất đai; điều tiết, duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống; hạn chế xói mòn đất, rửa trôi đất, thiên tai lũ lụt, hạn hán và cải tạo nâng cao độ phì nhiêu của đất; bảo tồn đa dạng sinh học, lưu giữ các nguồn gen động, thực vật quý, hiếm, đặc hữu, loài ưu tiên bảo vệ hiện có; Ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, giảm thiểu cháy rừng; hấp thụ cacbon, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái.

Về xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động lâm nghiệp; khuyến khích mọi thành phần kinh tế tích cực tham gia đầu tư, liên doanh liên kết cùng bảo vệ, phát triển, sản xuất, kinh doanh, hưởng lợi từ rừng; tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân địa phương, góp phần xoá đói giảm nghèo cho cộng đồng và người dân sở tại; Nâng cao nhận thức về quản lý, sử dụng, phát triển rừng bền vững, giảm thiểu các hoạt động tiêu cực của người dân tới rừng.

Về kinh tế, quản lý, sử dụng hiệu quả 13.214,14 ha rừng và đất lâm nghiệp được giao với chi phí và lợi nhuận hợp lý nhất, đảm bảo tính liên tục – ổn định – lâu dài, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của rừng, đất rừng trên đơn vị diện tích; Khai thác, sử dụng hiệu quả rừng trồng; tạo các nguồn thu từ việc cung cấp các dịch vụ môi trường rừng, hạn chế đến mức thấp nhất những mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa kinh tế, môi trường, xã hội; Thông qua liên doanh, liên kết, cùng đầu tư, hợp tác phát triển đảm bảo các bên tham gia cùng có lợi theo đúng quy định của pháp luật.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Thường Xuân có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả phương án được phê duyệt.

UBND huyện Thường Xuân chỉ đạo UBND các xã, thị trấn trong vùng thực hiện phương án triển khai và tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng bền vững trên địa bàn; phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các Sở, ngành cấp tỉnh để chỉ đạo Ban quản lý rừng phòng hộ Thường Xuân triển khai thực hiện Quyết định này theo đúng các quy định pháp luật hiện hành. Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn Ban quản lý rừng phòng hộ Thường Xuân phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức công bố công khai, rộng rãi nội dung của phương án trên các phương tiện truyền thông để các xã, các tổ chức, cá nhân và nhân dân trên địa bàn biết, thực hiện.