Thanh Hóa: Người Mông ơn Đảng

BVR&MT – Ai từng một lần lên với huyện vùng cao Mường Lát, mà chưa đi đò qua lòng hồ thủy điện Trung Sơn để đến với bà con 3 bản người Mông Tà Cóm, Cá Giáng và Cánh Cộng, xã Trung Lý, thì chưa thấu hết những khó khăn, vất vả của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Mô hình trồng cây gai xanh ở bản Lìn (xã Trung Lý). Ảnh: Tăng Thúy

Không di cư tự do để phát triển kinh tế

Từ trung tâm huyện Mường Lát, chúng tôi hành quân vào cụm 3 bản Tà Cóm, Cá Giáng và Cánh Cộng nằm dọc sông Mã, được bao bọc bởi Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu và lòng hồ thủy điện Trung Sơn. Ba bản nhiều không nhất (không điện, không nước sinh hoạt tập trung, không đường giao thông, không sóng điện thoại). Để vào được Tà Cóm có 2 lựa chọn: Một là đi từ trung tâm huyện khoảng 40km đến trung tâm xã Trung Lý, rồi tiếp tục đi xe máy dọc đường mòn trong rừng khoảng hơn 30km nữa thì sẽ đến. Tuy nhiên đi đường này rất khó khăn vì nhỏ hẹp, dốc dựng đứng và có thể bị đất đá sạt lở, vùi lấp bất cứ lúc nào. Hai là đi từ trung tâm huyện khoảng 50km qua địa bàn xã Mường Lý, rồi tiếp tục dùng đò vượt qua lòng hồ thủy điện Trung Sơn vài km nữa là đến. Để bớt thời gian, chúng tôi chọn phương án 2. Sau hơn 2 giờ đồng hồ băng rừng trên con “ngựa chiến huyền thoại” mượn của huyện, chúng tôi cũng đến được bến đò. Theo lời của người lái đò thì những ngày này còn có thể vào được, chứ mưa xuống, sông sâu, sóng lớn thì chỉ “chịu chết”, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, các bản trên gần như cô lập với bên ngoài. Chạy xe 5km đón chúng tôi ở bến đò, anh Thào A Thái, nguyên Bí thư chi bộ, trưởng bản Tà Cóm, thân tình, gần gũi dẫn khách về thăm nhà. Pha ấm nước chè mời khách, giọng anh Thái “chắc như đinh đóng cột”: “Cuộc sống hôm nay của bà con đang khởi sắc, tất cả là do bà con trong bản đã nghe theo lời Đảng không di cư tự do, ổn định để phát triển kinh tế”.

Theo lời kể của anh thì bản Tà Cóm là nơi an cư lạc nghiệp của 111 hộ với 609 nhân khẩu với 100% đồng bào dân tộc Mông từ miền núi phía Bắc di cư vào từ những năm cuối thế kỷ XX. Thời gian đầu, họ vào tiểu khu giữa rừng sâu, phá rừng, đốt rẫy, nay đây mai đó…, nên 100% các hộ thuộc diện đói nghèo quanh năm; hệ thống chính trị cơ sở chưa được thiết lập, người dân trong bản hoàn toàn cách biệt với đời sống bên ngoài… Đến năm 1998, thực hiện Đề án “Ổn định dân di cư tự do” của tỉnh Thanh Hóa, người dân mới dần dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm và dần ổn định cuộc sống.

Câu chuyện của chúng tôi được bắt đầu từ việc người Mông ở đây bỏ tập quán du canh du cư để ổn định cuộc sống ngay trên chính mảnh đất của quê hương. Những ngày đầu định cư khó khăn, để ổn định đồng bào, chính quyền địa phương không chỉ tuyên truyền, vận động mà còn hỗ trợ nhà ở, đất canh tác phát triển sản xuất… Bởi vậy, trong suốt thời gian qua, dù có những thời điểm cây ngô, cây lúa trên nương cho năng suất thấp, người dân thiếu ăn lúc giáp hạt, đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng được cán bộ xã, huyện về tận bản tuyên truyền chính sách của Đảng về công tác định canh, định cư, bà con hiểu ra rằng, nếu cứ du canh du cư nay đây, mai đó thì đến vùng đất nào cũng chỉ là phá rừng làm nương, cuộc sống sẽ mãi đói nghèo, nên bảo nhau yên tâm ổn định cuộc sống tại vùng đất này.

Đến nay, người dân đã có làng, có bản, có cuộc sống ổn định, hệ thống chính trị cơ sở được xây dựng vững chắc, người dân biết cách làm ăn phát triển kinh tế. Nhiều hộ gia đình đã biết chăn nuôi gia súc, gia cầm với số lượng lớn, trồng lúa, trồng ngô, trồng cây lâm nghiệp… Cuộc sống nhờ đó cũng thay đổi nhiều, nhiều gia đình đã xây dựng được nhà ở kiên cố, mua được xe máy, đa số con em trong độ tuổi đều được đến trường, được chăm sóc y tế, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo…

Con đường đi về cuối bản vẫn còn chút lầy lội nhưng hai bên cỏ voi tốt um tùm, lúp xúp những mái nhà có hàng rào phơi đầy áo váy sặc sỡ. Trẻ em xúng xính chạy chơi. Ngó vào một số hộ dân trong bản, chúng tôi nhận thấy, 1 hoặc 2 chiếc xe máy dựng ngoài sân, trong đó nhiều chiếc xe chìa khóa vẫn cắm ở ổ khóa; chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm được xây xa nhà ở, nhưng tất cả đều không khóa cửa… Như hiểu suy nghĩ của chúng tôi, anh Thái giải thích: “Không có trộm cắp đâu, các anh, các chị cứ để xe máy qua đêm ngoài sân cũng không sao”. Rồi anh khoe: “Từ lâu rồi ở đây không trồng cây thuốc phiện, toàn bộ diện tích đất được trồng rừng hoặc các loại cây lương thực, cây ăn quả; nội dung cam kết “5 có, 5 không” được bà con dân tộc Mông thực hiện rất tốt…”.

Trong câu chuyện, anh Thái không kể về bản thân, nhưng qua tiếp xúc, trò chuyện, chúng tôi hiểu vai trò của người trưởng bản trong bước chuyển đổi của bản Tà Cóm.

Năng động để có cuộc sống no ấm

Suốt 15 năm làm trưởng bản, anh Thái luôn trăn trở làm sao để gia đình có cơm no áo ấm, thoát khỏi đói nghèo. Nhưng với 10 nhân khẩu gồm một mẹ già, 2 vợ chồng và 7 người con nên cảnh nghèo, đói vẫn đeo bám hết năm này sang năm khác. Không đầu hàng, năm 2010, anh Thái mạnh dạn vay 15 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội để mua bò sinh sản. Bên cạnh chăn nuôi, gia đình anh nhận giao khoán hơn chục ha đất rừng để trồng vầu, xoan. Ban đầu, việc làm ăn không mấy suôn sẻ, cây rừng chậm thu hoạch, vật nuôi liên tục chết khiến anh lâm cảnh nợ nần, đói kém. Quyết không nản lòng, nhận thấy nuôi trâu bò bán chăn thả trên rừng núi có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Thái tiếp tục vay mượn đầu tư nuôi trâu, bò, dê. Năm 2015, anh vay thêm 30 triệu đồng để đào ao nuôi cá. Dần dần các con vật, cây trồng bắt đầu cho thu nhập, anh Thái trả hết nợ cho ngân hàng, lại có vốn quay vòng để đầu tư chăn nuôi, sản xuất. Năm 2017, nhận thấy gia đình mình không còn nghèo và để làm gương cho các hộ trong bản, anh Thái đã làm đơn lên xã xin được thoát nghèo. Hiện tại, anh Thái đang có hơn 60 trâu, bò; cá dưới ao; 3 ha rừng vầu; hơn 20 ha rừng xoan sắp thu hoạch. Mỗi năm, gia đình Thào A Thái thu nhập gần 100 triệu đồng.

Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, anh Thái còn giúp đỡ bà con trong bản phát triển kinh tế. Anh chủ động tặng giống trâu, bò, lợn, gà… làm “cần câu cơm” cho những gia đình khó khăn trong bản. Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đưa những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao và áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập. “Để những hộ nghèo bỏ ra cả chục triệu đồng mua một con bò gây dựng cơ nghiệp thì rất khó trong khi gia đình tôi giờ đã no đủ, đàn trâu bò cũng sinh sản đều nên tôi tặng bò giống cho những hộ nghèo khác làm “cần câu cơm”. Hy vọng trong vài năm tới, con bò đó sẽ đẻ ra nhiều con bò khác, như vậy bản làng sẽ thoát được nghèo đói. Mình là đảng viên, mình phải đi trước đón đầu, phải tìm cách phát triển kinh tế, thoát nghèo, vươn lên làm giàu, bà con dân bản sẽ học theo. Tới đây, mình sẽ cùng bà con trong bản trồng thêm cây vầu, cây xoan, vì đây là những loại cây trồng rất phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở vùng đất khó này”, anh Thái tâm sự.

Đến nay, nhiều diện tích lúa nương trong bản được chuyển đổi sang trồng lúa nước và kỹ thuật thâm canh lúa nước được bà con áp dụng nên đã nâng cao năng suất lúa gấp nhiều lần so với trước. Đặc biệt, với việc khai thác thế mạnh phát triển chăn nuôi, hơn 90% số hộ của bản Tà Cóm đã phát triển chăn nuôi, tổng đàn trâu, bò lên tới hàng trăm con. Chưa hết, một số hộ đang trồng thử nghiệm các loại cây ăn quả, như nhãn, mận hậu… Hy vọng cây ăn quả cũng sẽ phù hợp với đồng đất nơi đây, để người dân tăng thêm thu nhập.

Theo ông Quách Văn Mỵ, Chủ tịch UBND xã Trung Lý, xã có hơn 8.000 ha đất sản xuất. Toàn xã có 1.335 hộ dân, trong đó 67,62% là đồng bào dân tộc Mông. Bà con trong xã đã và đang thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tích cực học hỏi phương pháp sản xuất mới. Nhất là chuyển diện tích đất nương trồng cây lương thực năng suất thấp sang trồng cây ăn quả và các loại cây trồng khác đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, để thay đổi được tư duy, cách làm của bà con là một hành trình dài và gian nan. Ngoài tuyên truyền, vận động, xã đã tổ chức cho một số hộ dân đi tham quan mô hình kinh tế hiệu quả trên địa bàn; sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ của Nhà nước đầu tư cho người dân phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, mời cán bộ kỹ thuật của huyện về hướng dẫn bà con theo cách “cầm tay chỉ việc”… Bây giờ, người dân trong xã đã đưa những giống lúa mới vào thâm canh trên ruộng bậc thang, năng suất cao hơn trước từ 1 – 1,5 tấn/ha; trên 74,2 ha trồng ngô với các giống ngô lai, năng suất đạt từ 4 – 5 tấn/vụ, cao hơn so với trước 1 tấn/ha. Điểm nhấn trong sản xuất nông nghiệp đó là, bà con đã chuyển một phần diện tích trồng cây lương thực năng suất thấp sang trồng cây ăn quả, với 5 ha, gồm: nhãn, xoài…

Không chỉ vậy, sự thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân Trung Lý trong phát triển kinh tế còn thể hiện rõ ở lĩnh vực chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, mở rộng quy mô đàn và nâng cao chất lượng vật nuôi. Bà con đã làm chuồng trại chăn nuôi gia súc; thực hiện tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi; trồng 5 ha cỏ voi lấy thức ăn chăn nuôi… Hiện, toàn xã có 1.171 con trâu, bò; 2.057 con lợn; 678 con dê; trên 11.693 con gia cầm… Chăn nuôi đã và đang góp phần giúp người dân Trung Lý xóa nghèo bền vững.

Trở về khi màn sương đã dày đặc, trong cái âm u của đại ngàn núi rừng, trong cái lạnh của vùng trời biên ải, vẫn con đường đầy đá khó khăn… nhưng trong lòng tôi lại có đôi chút hân hoan khi thấy sự nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế – xã hội của người dân nơi đây. Và tôi tin cuộc sống mới sẽ hiện hữu nơi đây, để mỗi lần quay trở lại, được thấy Trung Lý thêm khởi sắc.