Thanh Hóa: Đẩy mạnh lồng ghép ứng phó BĐKH vào lập kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2021-2025

BVR&MT – Với mục tiêu nhằm giúp các tỉnh lồng ghép rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, mới đây Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Phát triển Cộng đồng Sinh thái (ECODE) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức khóa tập huấn: “Lồng ghép giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) vào lập kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 – 2025” cho các cán bộ, ban ngành trên toàn tỉnh Thanh Hóa.

Dự án thông minh, đón đầu với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu đã và đang đặt ra những thách thức to lớn đối với tất cả các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Với tốc độ gia tăng nhanh chóng, BĐKH không những ngày càng tác động sâu rộng đến kinh tế, chính trị và mọi khía cạnh của đời sống xã hội, mà còn trở thành mối đe dọa cấp số nhân. Theo thống kê mưa, bão, sạt lở tháng 10-11/2020 các tỉnh Quảng Bình, TT Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam bão lũ triền miền miên gây thiệt hại 17.000 tỷ, 235 người chết.

Phát biểu tại Hội thảo, GS. TSKH Trương Quang học, Chủ tịch Hội đồng KH&ĐT, Viện Tài nguyên và Môi trường, ĐHQG Hà Nội nhấn mạnh: “Thiên tai có từ lâu, nhưng biến đổi khí hậu mới xẩy ra khoảng 20 năm. BĐKH gia tăng làm thiên tai gia tăng, đặc biệt đa dạng sinh học thất thoát báo động. Để giảm thiểu điều này, lồng ghép giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu vào các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất, giúp họ chủ động đối phó với mối đe dọa lớn này”.

Toàn cảnh Hội thảo.

Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với tác động của BĐKH cho các cộng đồng dễ bị tổn thương vùng ven biển Việt Nam” (dự án GCF-UNDP) do Quỹ Khí Hậu Xanh (GCF) thông qua UNDP tại Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Phát triển Cộng đồng Sinh thái (ECODE) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam khởi xướng, thực hiện tại bảy tỉnh ven biển Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Cà Mau, nhằm giúp các tỉnh lồng ghép rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của mình.

Dự án với ba hợp phần chính: Hỗ trợ xây nhà chống chịu bão lụt; Trồng rừng ngập mặn; Thông tin và dữ liệu về rủi ro thiên tai, phát triển dựa trên ba mục tiêu chính: Tăng cường khả năng chống chịu cho hạ tầng nhà ở dân sinh trước những tác động của BĐKH, hỗ trợ ổn định cuộc sống và điều kiện an toàn cho các hộ dân tại những vùng thường xuyên bị thiên tai vùng duyên hải; Tăng tỷ lệ che phủ và cải thiện chất lượng rừng ngập mặn, làm chức năng phòng hộ chắn sóng, bảo vệ cộng đồng dân cư ven biển, góp phần hấp thụ khí carbon để giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao đa dạng sinh học; Thiết lập và tăng cường ứng dụng hệ thống thông tin rủi ro thiên tai và rủi ro khí hậu để hỗ trợ quá trình ra quyết định và lập quy hoạch, kế hoạch có tính tới các rủi ro và khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Lồng ghép thông tin rủi ro vào lập kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và truyền thông tại địa phương một trong những hoạt động là những quan trọng trong khoá tập huấn về “Đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” thuộc hợp phần 3 của dự án và Thanh Hóa là tỉnh cuối cùng thực hiện.

GS. TSKH Trương Quang học, Chủ tịch Hội đồng KH&ĐT, Viện Tài nguyên và Môi trường, ĐHQG Hà Nội.

Đây được xem là dự án thông minh và đi đầu đón trước với biến đổi khí hậu bởi mọi hoạt động thuộc dự án đã tập trung rà soát đặc điểm tại các địa phương để đưa ra các phương án thích hợp trong biến đổi khí hậu; đã tập trung giải quyết các vấn đề cấp thiết, trọng tâm đồng thời cung cấp thông tin, thay đổi cách thức xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai của từng tỉnh theo hướng huy động sự tham gia sâu rộng của cộng đồng. Để chứng minh cho điều đó là kết quả không ngờ của dự án đã thực hiện. Với hỗ trợ của các đơn vị, chuyên gia và sự quyết liệt của các tỉnh, dự án hỗ trợ xây 4.000 căn nhà an toàn với các tính năng chống chịu bão lụt (khoảng 20.000 người hưởng lợi); Tổng hợp kiến thức bài học kinh nghiệm trong các lĩnh vực nêu trên cho cộng đồng dân cư cũng như các nhà hoạch định chính sách. Đến tháng 3/2021 đã hỗ trợ xây dựng 3.700 ngôi nhà an toàn, đạt 92% mục tiêu Dự án. Đồng thời trồng mới và trồng bổ sung, phục hồi 4.000 ha rừng ngập mặn ven biển dễ bị tổn thương bởi tác động của BĐKH; Thực hiện các biện pháp chăm sóc, quản lý bảo vệ, theo dõi và giám sát rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng tại các xã được chọn tham gia dự án; đo đếm carbon; Hỗ trợ sinh kế cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng do hoạt động trồng rừng ngập mặn. Đã trồng mới và trồng phục hồi 3.391 ha, tương đương 86.5% mục tiêu Dự án. Mỗi hợp phần đều tập trung vào những vấn đề khác nhau nhưng có mối quan hệ mật thiết, bổ trợ song hành.

Đặc biệt, Ban tổ chức nhấn mạnh trong công tác “Thông tin và dữ liệu về rủi ro thiên tai”(hợp phần 3) bởi nhận thức được rằng, khi có đủ thông tin chính xác, rõ ràng thì các địa phương mới có thể xây dựng kế hoạch, đưa ra phương án phù hợp.Theo đó, dự án đã tổ chức các lớp tập huấn Quản lý/đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (CBDRM/A) tại 7 tỉnh dự án (520 xã); Hỗ trợ nâng cấp hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về thiên tai và biến đổi khí hậu của TC PCTT; Đã thực hiện 373 lớp CBDRM cấp xã (TOF), 28 lớp TOT Trung ương và cấp tỉnh. Thanh Hóa 62 lớp, dự kiến 2021 20 lớp; Rà soát đánh giá tình hình thực hiện CT 1002 của Chính phủ.

Thanh Hóa từng bước đẩy mạnh ứng phó BĐKH

Thanh Hoá đang phải đối mặt với nhiều tác động của BĐKH bao gồm tác động đến đời sống, sinh kế, tài nguyên thiên nhiên, cấu trúc xã hội, hạ tầng kỹ thuật và nền kinh tế. Theo ông Khương Anh Tấn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn cho biết (TKCN): “BĐKH làm tăng tính khốc liệt của thiên tai, cả về cường độ lẫn tần suất. Các cộng đồng, đối tượng dễ bị tổn thương bao gồm: nông dân, ngư dân, các dân tộc thiểu số ở miền núi, người già, phụ nữ, trẻ em và các tầng lớp nghèo nhất ở các đô thị. Năm 2020: Đã xảy ra và chịu ảnh hưởng của 27 trận thiên tai, làm 1 người chết; 2 người bị thương, 9.131/122.477 ha lúa vụ mùa bị thiếu nước tưới do nắng nóng, hạn hán; 1.525 nhà bị thiệt hại; ước tính giá trị thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng”.

Do đó, trong những năm qua, công tác PCTT luôn được tỉnh Thanh Hóa quan tâm và đã có những bước phát triển đáng kể, chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa; trong đó, công tác lập Kế hoạch phòng, chống thiên tai giữ vai trò rất quan trọng, luôn được chính quyền các cấp và các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Đại diện Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh biện pháp sẽ chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngànhvà các tầng lớp nhân dân về tác động tiêu cực của BĐKH.

Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi Trường tỉnh Thanh Hóa cho thấy, UBND tỉnh đã tích cực thực hiện chỉ đạo theo các văn bản của Thủ tướng chính phủ, đề ra các văn bản quyết định, kế hoạch nhằm ứng phó với BĐKH, thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Với những kế hoạch đó, từ năm 2013 đến nay đã thực hiện nhiều dự án cho ứng phó với BĐKH: Dự án Trồng rừng ngập mặn chống xói lở bờ biển tỉnh Thanh Hóa; Dự án Trồng cây chắn sóng thuộc dự án: Củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển, đê cửa sông, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa; Dự án Xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo lũ ống, lũ quét và sạt lở đất tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa (giai đoạn 1 đã tổ chức vận hành đưa vào sử dụng hệ thống quan trắc, cảnh báo lũ ống, lũ quét và sạt lở đất tại 15 xã thuộc các huyện Quan Hóa, Mường Lát và Quan Sơn),…

Bên cạnh đó, tỉnh cũng ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách cho các dự án nâng cấp hệ thống hạ tầng, khẩn trương khắc phục cơ sở hạ tầng phòng tránh thiên tai ổn định đời sống nhân dân. Hàng năm, nguồn đầu tư từ ngân sách cho công tác phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, cụ thể như trồng rừng, nâng cấp hệ thống đê điều, hồ chứa nước, phòng chống sạt lở, chung sống với lũ, an toàn cho tàu thuyền,… được tăng dần.

Hoạt động thảo luận xây dựng kế hoạch, thành lập nhóm liên ngành tại các địa phương.

Theo ông Khương Anh Tấn, kế hoạch PCTT được xây dựng theo nguyên tắc từ dưới lên trên: cấp xã – cấp huyện – cấp tỉnh. Quy trình xây dựng kế hoạch phải rõ ràng, xác định mục tiêu từng bước, cụ thể không nêu chung. Chỉ rõ phương pháp lồng ghép trong các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động của thiên tai đến con người, đến các ngành kinh tế và tác động đến cơ sở hạ tầng.

Tại buổi tập huấn, các cấp đã xây dựng kế hoạch riêng cho mỗi cấp, chia sẻ về khó khăn đang gặp, GS.TSKH Trương Quang Học đánh giá cao về sự vào cuộc của các cấp, ban ngành tỉnh Thanh Hóa về vấn đề biến đổi khí hậu tại tỉnh, chia sẻ thẳng thắn, đúng trọng tâm và thiết lập được lập nhóm liên ngành tại các địa phương phải trong quá trình lồng ghép biến đổi khí hậu vào quy trình lập kế hoạch phát triển tại địa phương.

Hà Linh – Ngọc Thăng