Thanh Hà: Rộn ràng một miền quê

BVR&MT – Những ngày này, Thanh Hà đang bước vào thời kỳ thu hoạch vải thiều, con đường về huyện ngày mùa càng trở lên huyên náo, nhộn nhịp hơn lạ thường. Rẽ phải đường quốc lộ 5, xuôi theo huyện lộ 390, tôi tìm về với Thanh Hà – nơi luôn được ưu ái mệnh danh là miền quê đáng sống của Hải Dương để cùng cảm nhận về không khí mùa vải nơi đây.

Những ngày đầu tháng 5 là thời điểm vải bắt đầu được thương lái thu mua, sơ chế cẩn thận để vận chuyển đi tiêu thụ.

5 giờ kém, khi trời còn đang mờ sáng, với tôi là sớm nhưng với những lái buôn cùng bà con những ngày này có lẽ là hơi trễ. Từng đoàn xe nối đuôi nhau xếp thành hàng dài chật cứng ngay từ trong đêm đang nóng lòng chờ đợi được lăn bánh, tiếng hò reo giục giã của chủ buôn đang thúc giục công nhân nhanh chóng, khẩn trương đóng hàng, chuyển vải lên xe cho kịp giờ giao.  Còi xe inh ỏi, chen chúc nhau xin được nhường đường chở những sọt vải, quả nào quả đấy đỏ tươi, lấp ló cho kịp giờ cân. Không khí nhộn nhàng, tất bật như bao trùm, làm dịu đi cái nắng sớm oi ả của một ngày mới bắt đầu.

Táp xe vào điểm cân cho gọn tại khu vực Hào Xá thuộc địa phận xã Thanh Xá, ông Nguyễn Văn Thanh nhờ tôi giữ hộ cho sọt vải phía sau lưng rồi mới từ từ cẩn thận xuống xe. Chiếc xe tuy cũ kỹ, tồi tàn ấy những đã gắn bó với gia đình ông biết bao mùa vải. Khoác trên mình chiếc áo bay bạc màu. Khuôn mặt có đôi phần vất vả, lam lũ cùng làn da cháy nắng rám đen, bàn tay đen sì bám đầy nhựa vải của một người nông dân chịu khó, vất vả quen thức khuya dậy sớm nhưng vẫn ánh lên niềm vui được mùa. Ông Thanh cho biết: “Muốn lời, phải soi đèn bẻ vải từ đêm, bó gọn gàng, sáng sớm phải chở ngay đi bán, cân luôn mới được giá, vì lúc đó quả mới bẻ còn tươi, chưa bị mặt trời chiếu vào nên mã còn rất đẹp. Tuy chờ đợi đến lượt đem vào cân hơi lâu nhưng bán vào lúc đó thương lái họ sẽ trả giá cao hơn vài nghìn/kg so với trưa chiều”.

Mặc dù Huyện đã bố trí các điểm cân vải, nhưng do số lượng xe đến thu mua lớn, cùng với việc tạo thuận lợi cho vận chuyển, các điếm trên đê cũng được thương lái tận dụng triệt để như một điểm cân hàng lưu động.

Rời khu vực trung tâm đổ buôn vải, tôi về thăm khu vườn vải của hợp tác xã do gia đình ông Nguyễn Văn Giang (xã Thanh Sơn) làm quản lý với tổng diện tích hơn  40ha/ 135 hộ được trồng theo hướng VietGap, GlobalGap.  Từ trên triền đê, ngắm nhìn những khu vườn bạt ngàn vải chín đỏ mới thấy thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho bà con nơi đây một thứ quả hảo hạng mà chỉ tại xứ này mới ngon “danh bất hư truyền”. Được biết, huyện Thanh Hà được bao quanh bởi các con sông có lưu lượng phù sa lớn như sông Thái Bình (ở phía Tây Nam), sông Rạng, sông Văn Úc (ở phía Đông Bắc). Ngoài các con sông lớn bao quanh, trong địa phận Thanh Hà còn có sông Gùa nối sông Thái Bình với sông Văn Úc, tách khu vực các xã Vĩnh Lập, Thanh Cường, Thanh Quang, Thanh Hồng (4 xã Hà Đông) như một hòn đảo nằm giữa các con sông lớn. Riêng 4 xã khu Hà Đông trũng hơn, có nhiều đầm, hồ, ruộng bãi rất thấp, lại gần hạ lưu, chịu ảnh hưởng trực tiếp của thuỷ triều lên xuống hàng ngày, do đó đã tạo thành một vùng sinh thái nước lợ đặc biệt phong phú. Bởi vậy, giống vải được trồng trên đất Hà Đông bao giờ cũng cho ưu thế vượt trội hơn hẳn so với cùng một giống cây nhưng trồng trên một địa phương khác.

Vườn vải do ông Giang làm chủ, đạt giải nhất trong Hội thi “Vải thiều Thanh Hà – Tinh hoa văn hóa xứ Đông” năm nay.

Trao đổi với phóng viên Bảo vệ rừng & Môi trường, ông Giang cho biết: “Hơn 40ha trồng vải theo tiêu chuẩn của 135 hộ, mỗi năm trung bình toàn hợp tác xã cũng thu về được nhiều tỷ đồng. Tuy nhiên, để được năng suất, chất lượng cùng với giá thành như vậy, công chăm sóc rất vất vả từ lúc ra hoa đến lúc thu hoạch. Vải ngay sau khi thu hoạch, thường bị lởm chởm cành cây, nên độ chục ngày sau phải tiến hành cắt tỉa cành, bón phân một cách cẩn thận. Công tác vệ sinh vườn tược cũng luôn phải chú ý. Thuốc bảo vệ thực vật phải là  loại thuốc an toàn, nằm trong danh mục được cho phép. Sau mỗi lần phun, đều ghi chép, theo dõi rõ ràng. Vỏ thuốc cũng được bỏ gọn vào các hố rác đúng quy định, tránh ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Muốn đảm bảo vụ sau sai quả, được mùa, chúng tôi phải chăm sóc rất kĩ lưỡng ngày từ khi kết thúc vụ này”.

Bẻ vải giữa tiết trời nóng bức, nhiệt độ có ngày lên đến gần 40 độ C làm cho người dân thêm phần mệt nhọc hơn.

Ông Giang cùng một số người dân trong làng cho biết, cùng với con trâu là đầu cơ nghiệp thì trước đây, khi trai gái đến tuổi dựng vợ gả chồng, cha mẹ hai bên mà cho vài cây vải cũng là cho một cái vốn lớn để lập nghiệp. Vì thời điểm những năm 90 – 2000 đó, cây vải cho giá trị kinh tế rất cao, khi chưa chịu nhiều ảnh hưởng biến động của thị trường, việc tiêu thụ vải khắp trong Nam ngoài Bắc diễn ra tương đối thuận lợi, mọi nguồn thu nhập, công to việc lớn trong nhà đều trông chờ vào mỗi cây vải.  Sau đó, do chịu sự chi phối nặng nề của một số thị trường tiêu thụ truyền thống cùng với những diễn biến thời tiết bất lợi, làm cho giá vải cùng chất lượng quả vải bị sụt giảm nghiêm trọng, diện tích vải cũng vì thế mà dần bị thu hẹp lại. Thay vào đó, các cây trồng như ổi, chanh, ớt lại được mở rộng diện tích hơn.

Chất lượng vải ngon, thu hút thương lái đến thu mua ngay tại vườn.

Nhưng những năm trở lại đây, không chịu để giống cây trời cho bị mai một, với sự đồng lòng của cả hệ thống chính quyền cùng với sự quan tâm của các ngành, các cấp, quyết tâm xây dựng, giữ vững uy tín thương hiệu thông qua nhiều chương trình xúc tiến, quảng bá mà vải Thanh Hà ngày càng được biết đến nhiều hơn tại thị trường trong và ngoài nước. Không trông chờ, ỉ lại mà tự chủ động kết nối với các doanh nghiệp, siêu thị lớn, vải Thanh Hà hầu như không còn tình trạng bị thương lái Trung Quốc ép giá, giá cũng từ đó mà ổn định, thậm chí cao hơn so với những năm trước. Cụ thể, giá vải sớm đầu mùa có lúc cao điểm lên tới 160.000 – 180.000 đồng/ kg, cao hơn cùng kỳ so với năm ngoái 40- 60.000 đồng/ kg. Còn tại thời điểm hiện tại, khi nhiều địa phương như Chí Linh, Bắc Giang, Hưng Yên vải cũng đã chín rộ, nhưng giá vải tại Thanh Hà vẫn giữ vững được vị thế, cạnh tranh về giá thành.

Hiện nay, trên thị trường xuất hiện rất nhiều loại vải đến từ nhiều địa phương khác nhau. Nhưng quan sát kĩ sẽ phân biệt được đó không phải vải Thanh Hà. Vải thiều Thanh Hà chính gốc nhỏ, tròn hơn, vỏ quả màu hồng nhạt, phần gai vỏ bao giờ cũng lỳ hơn quả vải trồng ở nơi khác. Khi bóc, quả vải thiều Thanh Hà có mùi thơm, không để nước dính tay, cùi giòn, có màu trắng trong chứ không trắng đục. Khi thưởng thức quả vải có vị ngọt lịm, thanh mát, không bị chát.

Bên cạnh việc xây dựng thương hiệu nhằm tiêu thụ vải, điều khác biệt năm 2022, Sở Văn hóa thể thao và du lich tỉnh Hải Dương đã phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Thanh Hà, đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch thông qua hoạt động thăm quan các khu vườn vải, trải nghiệm chèo thuyền, hái vải nhằm mục đích lan tỏa thương hiệu vải thiều. Năm nay, tình hình dịch bệnh COVID – 19 đã được kiểm soát một cách tương đối ổn định, lượng khách tìm về thăm quan cây vải, trải nghiệm rất đông, ước tính hàng trăm nghìn khách, có những ngày cao điểm lên đến 4000 khách một ngày.

Để bày tỏ lòng tri ân “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, người dân đến thắp hương cho cụ Hoàng Văn Cơm- người đã có công lớn mang giống vải thiều về quê hương Thanh Hà.

Ngắm nhìn những quả vải căng mọng, hương sắc ngập tràn, nằm lúc lỉu trên cành cây, đua nhau khoe sắc, mời gọi phía hai bên đường làng ngõ xóm như hứa hẹn một mùa bội thu.  Chân tôi như muốn níu lại chẳng chịu rời đi khi văng vẳng bên tai vẫn còn câu hát “Vải thơm hương, em người Thanh Hà. Ngọt chín thơm, say men ấm nồng”.

Quỳnh Anh