Thanh Hà – Hải Dương: Nông dân xứ Đông “ phất lên ” nhờ bưởi đào Thanh Hồng

BVR&MT – Để được thưởng thức đúng múi bưởi ngon nổi tiếng trứ danh, chúng tôi phải vượt qua một con đò sang bên kia bờ sông Thái Bình, mới đến được mảnh đất Thanh Hồng (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương), nơi luôn được thiên nhiên ưu ái ban tặng mọi điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng để bưởi đào ngày càng phát triển, vươn xa như hiện nay.

Những khu vườn tiêu biểu đầy trái bưởi ngọt tại thôn Lập Lễ.
Những khu vườn tiêu biểu đầy trái bưởi ngọt tại thôn Lập Lễ.

Thanh Hồng – mảnh đất “ bén duyên” với trái bưởi hơn cả

Dựa trên số liệu thống kê của huyện Thanh Hà, toàn xã Thanh Hồng hiện có 130 ha trồng bưởi đào nằm rải rác tại 3 thôn Tiên Kiều, Nhan Bầu, Lập Lễ. Trong đó, diện tích trồng bưởi tập trung nhiều nhất tại thôn Lập Lễ ước tính trên 100 ha. Không ai biết chính xác bưởi đào có mặt tại địa phương từ khi nào, chỉ theo lời bậc cao niên trong làng, cũng là chủ hàng trăm gốc bưởi tại thôn Lập Lễ cho biết, cách đây chừng 60 năm, những người lái buôn trong thôn đã mua giống từ nơi xa đem về trồng thử tại Thanh Hồng. Đầu tiên, chỉ một vài hộ cắm cành, đến nay, gần như cả xã vài trăm hộ cũng mạnh dạn nối đuôi nhau trồng theo. Xác định được thế mạnh đó, chính quyền địa phương luôn vận động người dân tích cực mở rộng diện tích đất nông nghiệp để trồng bưởi, coi đó như một loại cây ăn quả chủ lực, phát triển song song cùng với cây vải thiều.

Xem Thêm:

Đưa ổi Thanh Hà vươn xa

Đảm bảo chuẩn thương hiệu vải thiều Thanh Hà đến tay người tiêu dùng

Bưởi tuy là giống cây ăn quả dễ trồng, dễ chăm sóc nhưng không phải ở địa phương nào cũng có thể cho ra những trái bưởi thơm ngon, giàu dinh dưỡng như mảnh đất Thanh Hồng. Mặc dù, được chiết trên cùng một giống cây. Bởi bao hợp chất dinh dưỡng với hàm lượng cao nhất trong đất được bồi đắp bởi sông Thái Bình tụ hết về nơi đây. Do đó, đến kì thu hoạch, quả nào quả ấy có màu vàng óng, khi bổ ra, bên trong múi có màu đỏ hồng, căng mọng nước, ít hạt, đánh thức mọi giác quan người dùng bởi vị ngọt dịu nơi đầu lưỡi.

Múi bưởi màu đỏ hồng, tép nhỏ, ít hạt, vị ngọt dịu thơm ngát.

Giá trị kinh tế từ bưởi mang lại

Về xã Thanh Hồng đúng vụ thu hoạch bưởi, theo chân một số người dân trong thôn Lập Lễ vào thăm nhà vườn của bà Nguyễn Thị Tâm, khung cảnh hàng mẫu bưởi xanh mướt mát, căng tròn, lúc lỉu trên cành đang chờ ngày thu hái mở ra trước mắt chúng tôi. Hơn một tuần nay, ngày nào gia đình chị Tâm cũng phải huy động 3 – 4 nhân công tất bật cắt hái. Người trẩy, người đóng bao tải cho kịp giờ thương lái đặt hàng phục vụ ngày mùng 1 và rằm Trung thu sắp tới. Hai tay khéo léo đỡ những quả bưởi được lái buôn ngắt từ trên cây nhẹ nhàng thả xuống tránh bị dập, chị Tâm tranh thủ chia sẻ: “Trước đây, khu vườn này gia đình tôi chủ yếu trồng vải, nhưng do vải không mang lại hiệu quả kinh tế cao tại thời điểm đó, nên bắt đầu từ năm 1996, gia đình đã phải chuyển hướng sang trồng bưởi. Ngoảnh đi ngoảnh lại được 24 năm và năm nào cũng cho thu nhập cao. Năm nay, vườn bưởi của gia đình rộng 5 – 6 ha  cho sản lượng khoảng 4 đến 5 vạn quả, sau khi trừ tất cả chi phí cũng để ra được 300 triệu đồng tiền lãi”.

Do tác động trực tiếp từ đại dịch COVID – 19 nên giá bưởi trên thị trường năm nay có giảm từ 2000 – 3000 đồng/ quả so với năm ngoái, giá thu mua dao động trong khoảng từ 10.000 – 15.000 đồng/ quả khi cắt trực tiếp tại vườn. Tuy nhiên, do thương lái đặt hàng với số lượng lớn, thu hoạch đến đâu hết bán hết tới đó trong một thời gian ngắn từ tháng 7 cho đến hết tháng 10 Âm lịch. Nên dù giá có giảm đôi chút nhưng người trồng vẫn có lãi do sản lượng vụ bưởi đợt này tăng cao đạt 2.200 tấn.

Trái bưởi to tròn, nằm lúc lỉu trên cành cây đong đưa trong nắng sớm chờ ngày lên đường
Trái bưởi to tròn, nằm lúc lỉu trên cành cây đong đưa trong nắng sớm chờ ngày lên đường

Có thể nói, những năm gần đây, bưởi đang là cây ăn quả có đầu ra ổn định, không những mang lại giá trị lợi nhuận kinh tế cao cho người trồng mà còn là một nguồn thu khổng lồ cho cả người bán. Bên cạnh những giá trị về kinh tế mà bưởi đào Thanh Hồng mang lại, không thể không nhắc đến giá trị về mặt dinh dưỡng, khi mỗi ngày chúng ta bổ sung một trái bưởi sau bữa ăn. Bưởi có chứa nhiều thành phần bổ dưỡng như vitamin C, vitamin B6, kali, magie, pectin và chất xơ hòa tan có tác dụng giảm cholesterol trong máu. Vitamin C trong bưởi còn giúp tăng cường và duy trì độ đàn hồi của động mạnh, tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, rất phù hợp với những người thừa cân béo phì, hiệu quả trong việc hỗ trợ và điều trị chống lại các bệnh ung thư, tốt cho tiêu hóa, ngăn ngừa loãng xương, đột quỵ. Không những vậy, vỏ bưởi còn là khắc tinh trong việc điều trị rụng tóc cho phụ nữ sau sinh…

Theo kết quả nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp, bưởi đào Thanh Hồng là giống cây có khả năng sinh trưởng tốt, chống chịu sâu bệnh cao, năng suất ổn định, dễ chăm sóc, không phải sử dụng thuốc hóa học bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu nên mỗi gốc cây sẽ cho thu hoạch hàng trăm đến hàng nghìn quả bưởi sạch, an toàn cho sức khỏe người dùng. Hiện toàn xã Thanh Hồng có 40 ha bưởi đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap và tiếp tục mở rộng lên 120 ha vào năm 2021.

Đưa thương hiệu bưởi Thanh Hồng vươn xa

Trung thu đang cận kề cũng là lúc nhu cầu tiêu thụ không chỉ tại Hải Dương mà các tỉnh lân cận như thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng… tăng cao. Hiện nay, việc cung cấp và tiêu thụ bưởi Thanh Hồng diễn ra vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, gặp nhiều khó khăn. Đứng trước bài toán hóc búa liên quan đến câu chuyện ổn định đầu ra bao tiêu cho sản phẩm giúp bà con nông dân trong tương lai. Trao đổi với phóng viên Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường, ông Nguyễn Ngọc Tấn, Chủ tịch xã Thanh Hồng cho hay: “Để bưởi đào Thanh Hồng hướng đến một thương hiệu khẳng định đúng giá trị của một cây ăn quả đặc sản vùng miền, chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp tích cực, nỗ lực trong công tác quảng bá thương hiệu như tăng cường tham gia các hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại, thông qua các phương tiện truyền thông để giới thiệu sản phẩm. Coi đó một cầu nối ngắn, hiệu quả nhất đưa bưởi đến gần hơn với người tiêu dùng gần xa, được tiếp cận với thị trường trong nước, tạo mối liên kết đôi bên cùng có lợi giữa doanh nghiệp và người trồng. Rất vinh dự cho bưởi đào Thanh Hồng, đây là năm đầu tiên được Sở Công thương tỉnh Hải Dương hỗ trợ tem dán truy xuất nguồn gốc qua mã QR CODE. Theo đó, người mua chỉ cần sử dụng điện thoại có kết nối Internet quét vào mã QR được dán trên mỗi quả bưởi, sẽ hiện lên thông tin chi tiết về nguồn gốc, xuất xứ chỉ sau vài giây. Không những vậy, công ty cổ phần AMEII Việt Nam chuyên sản xuất và cung cấp các loại nông sản đã kí hợp đồng với hợp tác xã bưởi để thu mua sản phẩm. Bưởi Thanh Hồng đang là một trong những sản phẩm được huyện Thanh Hà đăng ký tham gia Chương trình OCOP của tỉnh nhà. Đây là bước ngoặt lớn nhất, giúp công tác tuyên truyền, quảng bá về bưởi được lan tỏa rộng rãi hơn, góp phần nâng cao giá trị cây bưởi trong tương lai không chỉ chiếm lĩnh được thị trường trong nước mà còn vươn xa sang thị trường quốc tế theo đường chính  ngạch”.

Trước đó, năm 2017, bưởi Thanh Hồng cũng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Người nông dân Thanh Hồng vẫn hay nói với nhau rằng, cây bưởi sẽ giúp người dân làm giàu. Nhờ trồng bưởi, không ít người dân quanh năm chỉ quen “một nắng hai sương”, cả đời “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà rinh được xe sang, xây nhà biệt thự, nuôi cả một đàn con ăn học thành tài, diện mạo làng quê đang bừng lên sức sống, thay da đổi thịt từng ngày.

Quỳnh Anh – Văn Trì