BVR&MT – Ủy hội sông Mê Kông (MRC) ngày hôm qua phát hành thông cáo cho biết phiên họp đặc biệt của Ủy ban hỗn hợp MRC (JC) được tổ chức trực tuyến vào ngày 4/6 tại Viên Chăn, Lào đã quyết định chuyển ngày kết thúc quá trình tham vấn trước dự án thủy điện Luang Prabang sang ngày 30/6/2020 so với thời gian dự kiến ban đầu là 7/4/2020.
Quyết định này được đưa ra nhằm giúp các quốc gia thành viên có thêm thời gian thảo luận và thống nhất các biện pháp được khuyến nghị nhằm tránh, giảm thiểu và bù đắp tác động bất lợi xuyên biên giới tiềm tàng từ dự án.
“Do những lo ngại và đề xuất từ phía Campuchia, Thái Lan, Việt Nam và các bên liên quan khác trong khu vực Mê Kông và với thỏa thuận từ CHDCND Lào, chúng tôi quyết định chuyển ngày kết thúc quá trình tham vấn trước đập Luang Prabang sang 30/6. Động thái này cũng nhằm đưa ra kết luận có ý nghĩa hơn về tham vấn trước bằng cách đảm bảo rằng các ý kiến và khuyến nghị được cung cấp đầy đủ để CHDCND Lào cân nhắc giải quyết các tác động tiêu cực xuyên biên giới từ con đập”, Tiến sĩ Somkiat Prajamwong, Chủ tịch Ủy ban hỗn hợp MRC năm 2020 cho biết.
Tháng 7 năm ngoái, chính phủ Lào đệ trình dự án Luang Prabang dưới dạng sử dụng nước trong lưu vực quanh năm trên dòng chính sông Mê Kông. Quá trình tham vấn trước dài 6 tháng chính thức bắt đầu từ ngày 8/10/2019 và dự kiến kết thúc ngày 7/4/2020 nhưng bị hoãn do đại dịch Covid-19.
Cũng tại phiên họp trực tuyến, Ủy ban hỗn hợp MRC tuyên bố quá trình tham vấn trước dự án thủy điện Sanakham sẽ diễn ra sau khi tham vấn dự án đập Luang Prabang đi đến kết luận.
Chính phủ Lào đệ trình dự án Sanakham với công suất 684 MW để tham vấn trước vào ngày 9/9/2019, ngay sau khi đệ trình dự án Luang Prabang. Tuy nhiên, ngay khi quá trình tham vấn dự án Luang Prabang còn đang diễn ra vào thời điểm đó, Ủy ban hỗn hợp MRC đã quyết định xem xét tham vấn dự án Sanakham vào tháng 6 hoặc sau khi kết thúc tham vấn dự án Luang Prabang để cho phép kiểm tra kỹ hơn.
Đập Sanakham là dự án thứ sáu được đưa ra tham vấn trước. Địa điểm đề xuất xây đập cách Viên Chăn khoảng 155 km về phía bắc và ước tính tổng vốn đầu tư 2,073 tỷ đô la. Dự án do công ty thủy điện Datang (Lào) Sanakham, một công ty con thuộc Datang International Power Generation Co. Ltd của Trung Quốc thực hiện.
Quá trình tham vấn trước của MRC đòi hỏi phải chia sẻ dữ liệu, thông tin và báo cáo đánh giá rộng rãi về các dự án cơ sở hạ tầng cũng như các đánh giá độc lập của MRC và các bên liên quan cùng quá trình xem xét, cải tiến thiết kế dự án và giám sát tác động. Nó nhằm mục đích đạt được sự cân bằng giữa nhu cầu phát triển và bảo vệ môi trường, xã hội.
“Thiếu vắng MRC và quá trình tham vấn trước có thể là sự khinh suất khiến các dự án trên dòng chính sông Mê Kông gây ra tác động xuyên biên giới đáng kể nhưng vẫn được thực hiện mà không cần chia sẻ thông tin đầy đủ hoặc bị công chúng soi xét”, Tiến sĩ An Pich Hatda, Giám đốc điều hành MRC phát biểu tại cuộc họp.
Thế Anh (Theo MRC)